Bán nhà vì thiếu chỗ để ô tô, bỏ nửa tỷ vẫn không mua nổi “lốt” cho 4 bánh

Vợ chồng chị Hà chấp nhận bỏ số tiền khoảng 500 triệu đồng để sở hữu “lốt” (chỗ để xe) cho ô tô nhưng chờ đợi mấy năm vẫn không thể mua được.

Phải đổi nơi ở vì thiếu chỗ gửi ô tô

Vợ chồng chị Thu Hà (40 tuổi, sinh sống ở một chung cư thuộc quận Đống Đa, Hà Nội) sở hữu ô tô nhưng vẫn phải chịu cảnh mưa nắng vất vả chẳng khác gì đi xe máy.

Gia đình chị mua ô tô muộn hơn các hộ khác nên bãi gửi xe tầng hầm hết “slot” (chỗ). Họ buộc phải gửi ô tô ở một bãi xe cách chung cư hơn 1km. Hàng ngày, chồng chị phải di chuyển bằng xe máy ra bãi gửi, lấy ô tô rồi mới đi làm. Có hôm, vì thấy quá bất tiện, anh phóng luôn xe máy đến cơ quan.

Suốt mấy năm, vợ chồng chị Hà tìm hiểu thông tin để mua lại chỗ để xe nhưng không tài nào mua được. Trước đó, vì từng nghe đến chuyện cư dân cùng tòa chi gần 500 triệu đồng để mua slot ô tô, cả hai bàn nhau và xác định chấp nhận bỏ số tiền tương tự nếu có cơ hội đưa “em 4 bánh” về gần.

“Tuy nhiên, chờ mãi không ai bán, rồi nghĩ bỏ số tiền gần mua được con ô tô mới tầm trung, chồng tôi đã đưa ra một quyết định bất ngờ. Gia đình tôi đã bán căn hộ rộng hơn 100m2, sau đó vay thêm chút tiền mua căn liền kề ở An Khánh, Hoài Đức.Về đây chúng tôi được ở nhà mặt đất, có chỗ để xe ô tô thoải mái, giao thông thuận tiện, di chuyển vào nội thành chỉ hết khoảng 10 phút”, chị Hà kể.

 

Bán nhà vì thiếu chỗ để ô tô, bỏ nửa tỷ vẫn không mua nổi lốt cho 4 bánh - 1
Theo chị Thúy, nhiều gia đình có xu hướng dịch chuyển chỗ ở ra ngoại thành để thay đổi không gian sống, thoải mái chỗ đỗ xe (Ảnh minh họa: Hồng Anh).

Có kinh nghiệm hơn 10 năm làm môi giới, chị Nguyễn Thị Thúy (nhân viên một công ty bất động sản ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng xác nhận, chị gặp không ít trường hợp như chị Hà, thay đổi chỗ ở vì những bất cập liên quan đến chỗ để ô tô.

“Nhiều vị khách sau mấy năm sống trong nội đô tài chính đã tăng lên. Thời điểm họ mua căn chung có thể chỉ 3-5 tỷ đồng, nhưng sau 4-5 năm thì bán được với giá gấp rưỡi, gấp đôi. Khi dịch chuyển ra ngoại thành, họ mua chung cư cao cấp hoặc các căn liền kề và không phải lo lắng về chỗ để ô tô của gia đình hay chỗ để xe khi có khách tới chơi”, chị Thúy chia sẻ với Dân trí.

Anh Nguyễn Ngọc Tuấn (nhân viên một công ty bất động sản ở quận Nam Từ Liêm) cho biết, mỗi chung cư khi xây dựng thường tính toán diện tích để ô tô theo quy định.

Có một số chủ đầu tư bán đứt các suất để xe cho khách. Song có những chủ đầu tư giữ lại để khai thác. Họ chủ yếu phân cho các cư dân theo tiêu chí ai về ở sớm, đăng ký sớm thì sẽ có slot. Sau đó, họ thu phí từng tháng và tăng giá tùy theo tình hình vận hành, thị trường.

Trong quá trình làm việc, chị Thúy hay anh Tuấn đều nhận thấy, nhóm khách hàng có kinh tế thường muốn sở hữu chỗ để ô tô lâu dài. Nhiều chủ đầu tư khi bán căn hộ thường cam kết sẽ có đủ chỗ để ô tô song nhiều người vẫn muốn sở hữu riêng một diện tích đậu xe nhất định cho mình.

Nói về giá bán các suất để xe lâu dài, anh Tuấn cho biết, tùy từng khu vực và từng chủ đầu tư sẽ có mức giá khác nhau. “Chẳng hạn, một dự án ở Nam Từ Liêm năm ngoái giá slot ô tô sở hữu vĩnh viễn là 400 triệu đồng. Giá căn hộ tại dự án này từ 2,6 tỷ đến 4,4 tỷ đồng/căn; giá bán theo m2 từ 35 đến 42 triệu đồng/m2”, anh Tuấn kể.

Chị Thúy chia sẻ thêm, giá bán các slot ô tô sỡ hữu lâu dài thường bằng 15-20% giá trị căn hộ. Ở các dự án thuộc khu vực nội thành, mỗi slot ô tô khoảng 300-500 triệu đồng. Mức giá này là rất bình thường.

Những dự án tọa lạc ở vị trí đắc địa có thể lên tới gần 1 tỷ đồng. Những người có tiền hoặc thừa tiền sẽ sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để sở hữu lâu dài một chỗ để xe rộng khoảng 10m2.

Khi sở hữu riêng, họ không phải đóng tiền phí trông xe hàng tháng, không lo biến động về giá khi chủ đầu tư, ban quản lý nâng cấp dịch vụ. “Chỗ để xe là của riêng họ, dù họ không sử dụng thì không ai được để xe chỗ đó. Họ cũng có quyền mua đi bán lại diện tích này”, chị Thúy nói.

Cần tính đúng, tính đủ, tính nhiều năm

Theo tìm hiểu của PV Dân trí, nhiều gia đình ở Hà Nội rất quan tâm đến chỗ để ô tô khi mua chung cư. Họ sẵn sàng chi thêm khoản tiền lớn mua các suất đỗ xe nhằm đảm bảo sự ổn định, không bị mất chỗ hay giá thuê tăng theo thời gian. Song thực tế, nhiều người vẫn không thể mua được vì thiếu chỗ để ô tô là bài toán nan giải của Hà Nội nhiều năm nay.

Anh Đào Quang Khánh (36 tuổi) về ở khu đô thị Linh Đàm (Hoàng Mai) đã hơn 3 năm nhưng vẫn không có chỗ để xe. Chung cư anh sinh sống có 300 căn hộ nhưng khu vực để ô tô chỉ đủ cho 120 xe.

Mỗi tháng anh Khánh tốn 1,6 triệu đồng để gửi xe bên ngoài và gặp phải vô số bất tiện. “Đối với những người có ô tô sau như chúng tôi thì không có cơ hội có chỗ để xe trong tòa nhà”, anh Khánh nói.

Trao đổi với Dân trí, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội Nguyễn Thế Điệp cho rằng, tốc độ phát triển nhanh, số người sở hữu ô tô tăng cao, hoạt động xây dựng chưa nắm bắt được xu thế, chưa có tầm nhìn trong quy hoạch nên việc thiếu chỗ để ô tô là tất yếu. Người dân gặp phải không ít bất cập khi ở một nơi nhưng phải gửi xe một nẻo.

Bán nhà vì thiếu chỗ để ô tô, bỏ nửa tỷ vẫn không mua nổi lốt cho 4 bánh - 2
Nhiều chung cư thiếu chỗ để xe nghiêm trọng (Ảnh: Hồng Anh).

Từ năm 2016, Hà Nội đã đưa ra quy định các dự án nhà cao tầng trên địa bàn thành phố bắt buộc phải có tối thiểu 3 tầng hầm nhằm mục đích tăng cường chỗ để xe cho người dân. Các dự án triển khai trước thời điểm này (đặc biệt là nhà xã hội, nhà tái định cư, nhà giá rẻ) vì thế thiếu trầm trọng chỗ để ô tô.

“Đây là những lỗi chúng ta cần khắc phục ngay. Tỷ lệ về chỗ để xe trong quy hoạch cần phải rõ ràng. Nhà cao tầng phải có tỷ lệ hầm tương xứng. Mỗi dự án nhà ở ít nhất phải có 3 hầm hoặc nhiều hơn, bất kể đó là khu cao cấp, nhà ở xã hội hay nhà giá rẻ; khuyến khích làm bãi đỗ xe nhiều tầng.

Đặc biệt cần tạo cơ chế chính sách khuyến khích để nhiều người đầu tư vào các bãi để xe, một chỗ đỗ nhưng có thể xây 5-7 tầng. Các khu đô thị, nhà thấp tầng phải dành diện tích công cộng đủ cho đỗ xe, không nên để mật độ xây dựng quá cao. Nhìn chung cần tính đúng, tính đủ, tính nhiều năm nhằm đáp ứng được nhu cầu thực tiễn về chỗ đỗ xe ở Hà Nội”, ông Điệp nhấn mạnh.

Đối với chi phí thuê chỗ gửi xe hoặc giá bán các slot xe sở hữu lâu dài, vị này cho rằng cũng cần có những quy định rõ ràng để tránh bất cập, khó khăn cho người dân.

Tiến sĩ Phan Lê Bình, giảng viên Chương trình Thạc sĩ Kỹ thuật Hạ tầng – Trường Đại học Việt Nhật, nhận định việc thiếu bãi gửi xe chung cư xuất phát từ hiện tượng “ô tô hóa” rất nhanh tại các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM, trong 5 – 7 năm qua. Riêng tốc độ tăng ô tô tại Hà Nội đạt 10 – 20% mỗi năm.

Để giải quyết vấn đề, chuyên gia cho rằng từng người dân cần đảm bảo có chỗ đỗ/gửi rồi hãy tính đến việc mua xe.

Ông dẫn ví dụ tại Nhật Bản, nếu muốn mua xe, người dân phải chứng minh được mình có chỗ đỗ xe thường xuyên. Đó có thể nơi đỗ tại nhà, hầm chung cư hoặc nếu không là hợp đồng thuê chỗ đỗ ở những bãi đỗ không cách nơi ở quá 2km. Giấy tờ này phải được cơ quan cảnh sát địa phương xác nhận.