Ông Phạm Phạm Văn Trung và con trai Phạm Minh Tân, thôn Đông Quách, xã Nam Hà, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Ảnh: Nhật Hà
Những năm gần đây, do nề kinh tế của tỉnh Thái Bình nói chung và kinh tế ở làng xã phát triển hơn nên người nông dân không còn mặn mà với nghề nông. Chỉ còn người nhiều tuổi ở nhà làm nông, còn thế hệ trẻ hướng tới đi làm tại các công ty, xí nghiệp để có thu nhập ổn định hơn, có ngày nghỉ.
Cha cùng con “liều” với ruộng hoang
Còn nghề nông quá vất vả, dù thời tiết nắng mưa, rét mướt thế nào người nông dân vẫn phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, cũng chẳng có ngày nghỉ, vì thế nhiều gia đình đã bỏ hoang ruộng của nhà mình.
Xót xa khi đồng ruộng trên địa bàn bị cằn khô, hoang hoá. Từ năm 2012, bố con ông Phạm Văn Trung và Phạm Minh Tân đã mạnh dạn thu gom ruộng hoang, đầu tư nhiều trang thiết bị, máy móc phục vụ canh tác, giúp năng suất trồng trọt tăng lên theo từng năm, thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.
Chia sẻ những khó khăn khi mới bắt đầu, anh Phạm Minh Tân nhớ lại, khởi nghiệp năm 2012 bằng việc mua chiếc máy gặt Trung Quốc trị giá 253 triệu đồng, thế nhưng cuối năm đó do còn thiếu kinh nghiệm cộng với 20 mẫu lúa gặp bão ngập hết, khiến bố con anh khốn khổ.
“Có những lúc chán nản vì quá vất vả, nhưng bố con tôi luôn động viên nhau không được từ bỏ. Và đến giờ trải qua nhiều năm trồng trọt, kinh nghiệm học hỏi và tích luỹ được cũng dày thêm, cùng với việc đầu tư thêm trang thiết bị hiện đại giúp quá trình trồng lúa giảm bớt vất vả và năng suất, hiệu quả hơn nhiều”, chàng trai quê lúa trải lòng.
Đến thời điểm hiện tại, gia đình anh Tân đã mở rộng diện tích canh tác lên tới hơn 11ha tại 3 xã: xã Nam Chính 3ha, xã Nam Hà 4ha và xã An Ninh 4ha.
Đầu tư máy móc, có cả máy bay không người lái
Anh Tân đã đầu tư thêm nhiều trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất, bao gồm: 3 máy cày, 1 máy gặt, 3 máy cấy, 1 dàn máy gieo mạ khay và 1 dây chuyền sấy lúa thành phẩm với công suất 10 tấn/1 lần sấy (thời gian sấy khoảng thời gian từ 8 – 12 tiếng).
Tổng giá trị đầu tư vật tư, trang thiết bị và máy móc phục vụ sản xuất lên đến 3.5 tỷ đồng. Ngoài canh tác trên diện tích đất ruộng của gia đình, anh Tân còn ký hợp đồng canh tác cho một số HTX giúp giải phóng sức lao động cho bà con nông dân mà lại nâng cao hiệu quả trong trồng lúa.
Ước tính mỗi vụ, gia đình anh Tân gặt và cấy cho bà con nông dân từ 36 – 43ha, cày đất dịch vụ trên khu vực lên đến hơn 70ha. Hiện anh đang cấy giống lúa Nhật DS1, sản lượng ước tính trung bình từ 2,2 tạ đến 2,5 tạ/sào.
Giống lúa trên sẽ được thương lái đến thu mua ngay tại đồng ruộng ngay sau khi thu hoạch. Lợi nhuận gia đình anh thu được trung bình hànsg năm lên tới 500 – 600 triệu đồng, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
Vừa qua gia đình mới đầu tư thêm 1 máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật và các máy móc thiết bị kèm theo với tổng giá trị khoảng 400 triệu đồng để giúp giảm sức lao động và hiệu quả hơn. Máy bay phun thuốc DJI T50 là thiết bị trang bị công nghệ tiên tiến và sở hữu nhiều tính năng hiện đại nhất hiện tại. Vì thế, giúp cho quá trình phun thuốc bảo vệ thực vật được hiệu quả gấp nhiều lần so với phương pháp phun thuốc sâu thủ công – Anh Tân cho biết thêm.
Phương pháp làm ruộng mới của gia đình anh góp phần mở ra một hướng đi mới cho bà con nông dân trong sản xuất nông nghiệp. Theo kế hoạch phát triển trong tương lai, gia đình anh sẽ tiếp tục mở rộng thêm nhiều diện tích đất để canh tác và phát triển thêm quy mô.
Anh Tân hi vọng, chính quyền các cấp sẽ có những chủ trương, chính sách hỗ trợ các bà con nông dân thành lập mô hình HTX tư nhân để mở rộng kinh doanh và phát triển sản xuất theo hướng kinh tế nông nghiệp, thu hút bà con nông dân quay trở lại với ruộng lúa, nâng cao thu nhập từ nông nghiệp.
Những thành quả trong nhiều năm qua là một nguồn động lực lớn giúp gia đình anh quyết tâm gắn bó với đồng ruộng và làm giàu bằng cây lúa trên chính mảnh đất quê hương mình.