Ai là chủ nhân thực sự của dự án King Palace?

Có thông tin cho rằng Tập đoàn Anphanam của doanh nhân Nguyễn Tuấn Hải dường như đã chuyển nhượng dự án King Palace (108 Nguyễn Trãi) thông qua việc Alphanam thoái toàn bộ vốn tại Công ty bất động sản Hoa Anh Đào.

Tuy nhiên, trên website của tập đoàn Anphanam dự án King Place tọa lạc tại địa chỉ 108 Nguyễn Trãi vẫn được giới thiệu trong danh mục bất động sản. Trao đổi với Chất lượng Việt Nam online, đại diện truyền thông Tập đoàn Anphanam cũng xác nhận, tại địa chỉ 108 Nguyễn Trãi đang có một dự án nhà ở thấp tầng của Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, ngoài ra có một dự án khác của Công ty Cổ phần bất động sản Hoa Anh Đào, đây là hai dự án khác nhau. Và, Tập đoàn Anphanam vẫn quản lý Công ty bất động sản Hoa Anh Đào.

Tại dự án King Place 108 Nguyễn Trãi, Công ty bất động sản Hoa Anh Đào cũng đang giới thiệu việc ra mắt căn hộ kiểu mẫu và dự kiến sẽ cất nóc vào tháng 8/2019 tới đây.

Theo nhiều nguồn tin, dự án Biệt thự tổ hợp nằm tại lô đất địa chỉ 108 Nguyễn Trãi được TP.Hà Nội giao cho Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội làm chủ đầu tư với nền đất trước kia thuộc Công ty Cơ khí công cụ số 1. Dự án này được Sở Xây dựng TP.Hà Nội cấp giấy phép xây dựng (số 68GPXD-SXD, ngày 18/12/2013) và khởi công từ tháng 12/2013, dự kiến hoàn thành trong năm 2014.

Theo thiết kế, tổng diện tích đất xây dựng của dự án là 18.531,3m2, bao gồm 33 căn liền kề, biệt thự và 1 tổ hợp văn phòng, nhà chung cư. Trong đó, đất dự án được phê duyệt chia thành các ô, thực hiện các chức năng khác nhau.

Cụ thể, ô đất số 1 là khu hỗn hợp trung tâm thương mại và dịch vụ công cộng, văn phòng và nhà ở để bán. Ô đất số 2 là khu nhà ở cao tầng. Ô đất thứ 3 là khuôn viên vườn hoa, cây xanh. Các ô đất số 4 và 5 là khu nhà liền kề. Ô đất thứ 6 là khu nhà trẻ và ô thứ 7 là bãi đỗ xe của dự án.

Thế nhưng, có một thông tin đáng chú ý, theo khảo sát thực tế, Tập đoàn Anphanam cũng có một dự án là Chung cư King Palace nằm ở địa chỉ 108 Nguyễn Trãi, trùng với lô đất khu nhà ở cao tầng của Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội. Do vậy, chỉ có một lý giải cho sự trùng hợp trên là Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đã bán một phần dự án cho Tập đoàn Alphanam.

 

 

Để thực hiện dự án King Palace, Tập đoàn Alphanam của ông Nguyễn Tuấn Hải đã lập ra Công ty bất động sản Hoa Anh Đào với vốn điều lệ 210 tỷ đồng, trong đó Công ty cổ phần địa ốc Alphanam nắm 55% vốn điều lệ, 45% còn lại thuộc sở hữu của Công ty TNHH Hoàng Tử.

Hoa Anh Đào ban đầu do ông Nguyễn Tuấn Hải làm đại diện pháp luật. Tuy nhiên, theo thông tin trên trang Nhadautu.vn, Công ty cổ phần địa ốc Alphanam đã thoái toàn bộ cổ phần của mình tại Công ty bất động sản Hoa Anh Đào. Đồng thời, ông Nguyễn Tuấn Hải cũng không còn là đại diện pháp luật ở công ty này.

Liên quan đến những thông tin trên, Chất lượng Việt Nam online đã gửi một số nội dung trao đổi với đại diện Alphanam và đang chờ phản hồi từ đơn vị này.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin!

Ngày 2/12/2014, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) đã có thông báo hủy niêm yết đối với hơn 192 triệu cổ phiếu Công ty Cổ phần Đầu tư Alphanam (ALP) theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2013 của công ty Cổ phần Đầu tư Alphanam thông qua việc hủy niêm yết tự nguyện cổ phiếu ALP.

Sau khi hủy niêm yết, tên tuổi Alphanam gần như biến mất khỏi thị trường, các thông tin về doanh nghiệp cũng khó tiếp cận. Thông tin tài chính cuối cùng mà ALP công bố là báo cáo quý III/2014. Tính đến cuối quý này, trên bảng cân đối kế toán của ALP thể hiện khoản lỗ lũy kế là hơn 385 tỷ đồng, tăng thêm gần 144 tỷ so với thời điểm đầu năm. Sau đó, Công ty không hé lộ về tình hình sức khỏe tài chính, cả năm 2014, 2015 và 2016.

Tuy nhiên, từ năm 2017, các thông tin tài chính của ALP bắt đầu xuất hiện trở lại. ALP đã nộp lên UBCKNN một bản báo cáo tài chính năm 2017. Theo báo cáo này, tính đến cuối năm 2016, ALP vẫn còn lỗ lũy kế tới 657 tỷ đồng, gần gấp đôi khoản lỗ tính đến quý III/2014.