Ở Sơn La, Điện Biên có một loại quả rừng tên rất lạ, đó là quả mắc ten. Loại quả này từ lâu đã gắn liền với cuộc sống của người dân nơi đây, nhưng ở thành phố nó là thứ quả lạ, ít người biết cũng như được thưởng thức.
Bề ngoài, quả mắc ten xù xì, xấu xí, trông như quả bị hỏng, vỏ bám một lớp bụi. Tuy nhiên, thứ quả mọc dại trong rừng này từ lâu đã được bà con vùng cao hái về để chế biến món ăn.
Cuối tháng 7- tháng 8 là mùa thu hoạch quả mắc ten. Từ tháng 9 trở đi, quả già, mọc mầm, ăn không còn ngon.
Tranh thủ khoảng thời gian này, người dân Điện Biên và các tỉnh miền núi phía Bắc thường vào rừng hái quả mắc ten hoặc nhặt những quả đã rụng dưới đất về tách lấy nhân luộc hoặc nấu canh.
Vài năm nay, quả mắc ten bỗng được bán ở Hà Nội, trở thành món hàng đắt khách được nhiều người tò mò mua về ăn thử.
Chị Linh (ở Sơn La) chia sẻ với Tri thức & Cuộc sống : “Quả mắc ten vào mùa từ tháng 7, tháng 8 dương lịch. Nhìn qua nhiều người tưởng rằng chỉ cần bóc lớp vỏ màu xanh bên ngoài là có thể mang đi chế biến nhưng thực chất không dễ dàng như vậy.
Sau khi bóc lớp vỏ xanh bên ngoài sẽ thấy lớp vỏ màu đen bên trong rất cứng, rồi mới thấy phần nhân màu trắng bên trong. Để tách được lớp vỏ đen phải dùng chày để đập, rất mất thời gian. Loại quả này rất giàu dinh dưỡng nên khách mua về để luộc hoặc nấu canh, làm sữa hạt đều thơm ngon và bổ”.
Theo chị Linh, trước đây khi tới mùa mắc ten, mọi người rủ nhau vào rừng hái hoặc nhặt những quả đã rụng dưới đất về để ăn, ăn không hết thì bỏ đi chứ không ai mang ra mua bán. Mấy năm nay, khi du lịch vùng cao phát triển, du khách biết tới quả mắc ten nhiều hơn, nhiều khách về thành phố rồi vẫn gọi điện đặt hàng gửi xuống để thưởng thức.
Theo chị Huyền, mắc ten là loại quả đặc sản rừng ở Điện Biên, chị mới biết đến vài năm nay. Chị chờ mãi mới đến mùa để mua về ăn mà mỗi lần phải đặt hàng khá lâu mới có.
“Như chỗ mắc ten này tôi phải đặt mua trước 4 ngày từ một đầu mối trên Điện Biên. Mua 2kg họ không bán nên phải mua 5kg mỗi lần. Giờ ngồi tách vỏ ra để cấp đông tủ lạnh ăn dần. Bởi mùa mắc ten cũng chỉ kéo dài độ khoảng một tháng thôi. Không mua tích tủ lúc hết có muốn ăn cũng khó”, chị chia sẻ.
Anh Dương (ở Thanh Xuân, Hà Nội), người bán mắc ten trên mạng, cho biết: “Tôi nhờ người thân ở Sơn La gom quả mắc ten rồi gửi xe xuống Hà Nội bán mỗi khi đến mùa. Tôi bán cả 2 loại, loại nguyên quả và loại đã đập sẵn phần nhân bên trong. Ở thành phố mọi người đều bận rộn nên loại đập sẵn bán chạy hơn.
Thứ quả này chỉ có trong vòng khoảng 1 tháng, nhiều người tranh thủ ăn khi đến mùa, còn mua thêm trữ trong ngăn đá để ăn dần. Khi ăn chúng có hương vị rất bùi ngậy, ngon hơn hạt dẻ và vị thơm, ngọt dịu giống phô mai tươi.
Ngoài ra hạt mắc ten còn tốt cho sức khỏe. Nhất là nhà có trẻ nhỏ, chị em nấu sữa hạt, nấu cháo cho trẻ vừa tốt vừa tiện lợi. Có thể dùng hạt quả mắc ten này dùng luộc ăn ngay, hầm gà, hầm xương đều rất bùi béo”.
Theo khảo sát, trên thị trường có 3 loại mắc ten với các mức giá khác nhau. Loại nguyên vỏ xanh có giá 50.000 đồng/kg, loại có vỏ đen giá 70.000 đồng/kg, loại chỉ có phần nhân trắng bên trong giá 100.000 đồng/kg.
Các đầu mối cho biết, nhu cầu khách mua nhiều, trong khi nguồn hàng phụ thuộc hoàn toàn vào lượng quả bà con vùng bản ở Điện Biên thu hái được trong rừng. Do đó, khách thường phải đặt trước, nhanh thì 1-2 ngày có hàng, còn có đợt hiếm phải chờ tầm khoảng 1 tuần.
Trao đổi với VietNamNet , một đầu mối bán đặc sản rừng ở Tuần Giáo (Điện Biên) thừa nhận, mắc ten là loại quả rừng đặc sản ở Điện Biên được nhiều người dân Hà Nội rất chuộng ăn. Do đó, trung bình mỗi ngày chị gửi xuống Hà Nội từ 50-100 kg mắc ten để trả đơn hàng cho khách.
Người dân ở Điện Biên thường vào rừng hái quả mắc ten hoặc nhặt những quả đã rụng dưới đất về tách lấy nhân luộc ăn hoặc nấu canh. Ăn thừa mới đem đi bán nên nguồn hàng gom mua được phụ thuộc vào dân bản vào rừng hái được ít hay nhiều.
Đặc biệt, mùa thu hoạch quả mắc ten khá ngắn, chỉ kéo dài 3-4 tuần. Đến tầm khoảng cuối tháng 8 quả khi đó già, mọc mầm bên trong ăn sẽ không ngon. Dân sành ở Hà Nội thích ăn quả này, cũng sợ hết mùa nên có nhà mua tích trữ rất nhiều để ăn dần.