Phấn đấu phát triển diện tích cây ca cao lên 600ha vào năm 2025, Châu Đức (Bà Rịa – Vũng Tàu) kỳ vọng sẽ trở thành một trong những vùng nguyên liệu ca cao lớn của tỉnh và khu vực trong tương lai.
Ông Lê Văn Quang (bên trái), Giám đốc HTX Thương mại – Dịch vụ – Nông nghiệp Bà Rịa-Vũng Tàu giám sát chặt chẽ khâu chăm sóc ca cao theo quy chuẩn organic tại huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Trồng ca cao theo hướng hữu cơ
Châu Đức từ lâu đã phát triển cây ca cao, tập trung chủ yếu tại các xã Xà Bang, Kim Long, Quảng Thành, Láng Lớn, Bình Giã… Tuy nhiên, do khó khăn đầu ra nên cây ca cao dần được thay thế bởi các loại cây trồng khác.
Với lợi thế về điều kiện thổ nhưỡng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Châu Đức lần thứ VI đã xác định cây ca cao là một trong những cây chiến lược cần tập trung ưu tiên phát triển. Trong đó, phát triển vùng ca cao theo hướng hữu cơ, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Hợp tác xã Thương mại – Dịch vụ – Nông nghiệp Bà Rịa-Vũng Tàu có 5 thành viên, hoạt động ở 27 lĩnh vực, ngành nghề. HTX tập trung vào các dịch vụ hỗ trợ phát triển sản xuất sơ chế biến các sản phẩm từ hạt ca cao, cung cấp giống cây trồng, vật tư nông nghiệp…
Đồng thời, HTX cũng đã liên kết với 76 hộ nông dân tham gia chuỗi sản xuất 116ha ca cao, trong đó có 5ha ca cao canh tác theo quy trình organic.
Với 2ha ca cao sản xuất theo quy trình organic, nông dân Trần Như Phong, ở ấp Tân Thành (xã Quảng Thành) chia sẻ, vào HTX, nông dân thay đổi thói quen canh tác, từ khâu làm đất, tưới nước, chăm sóc đúng quy trình đến bón phân, trừ sâu bệnh bằng các loại chế phẩm sinh học, ghi chép nhật ký canh tác…
“Mỗi năm, vườn ca cao của tôi cho thu hoạch khoảng 17 tấn trái tươi/ha; ca cao được HTX liên kết thu mua toàn bộ nên nông dân chúng tôi yên tâm sản xuất”, ông Phong cho biết thêm.
Ông Lê Văn Quang, Giám đốc HTX cho biết, khi trồng ca cao hữu cơ, nông dân không sử dụng bất cứ loại phân bón hay thuốc trừ sâu hóa học nào mà sử dụng phân bón có nguồn gốc hữu cơ như phân chuồng đã hoai mục, cỏ rác ủ mục. Để ca cao đạt năng suất cao, nông dân được HTX hướng dẫn kỹ thuật tỉa cành, tạo tán, tưới nước, quản lý sâu bệnh…
“Năm 2024, HTX sẽ mở rộng diện diện tích cây ca cao lên 200ha theo kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu ca cao của huyện Châu Đức; trong đó vận động, khuyến khích nông dân phát triển diện tích ca cao theo VietGAP và quy chuẩn organic để xuất khẩu.
Hiện sản phẩm ca cao của các thành viên HTX và nông dân được DN bao tiêu 100%. Đặc biệt, vỏ ca cao cũng được HTX tận dụng để ủ phân, giúp cải thiện đất trồng, giảm chi phí phân bón, góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường”, ông Quang cho biết.
Đưa ca cao Châu Đức vươn xa
Với việc canh tác theo phương pháp organic, sản phẩm hạt ca cao lên men của HTX đảm bảo được yêu cầu thu mua của Công ty TNHH OCA Việt Nhật để xuất sang thị trường Nhật Bản, Hà Lan, Singapore.
Theo bà Nguyễn Thị Thu, Giám đốc Công ty TNHH OCA Việt Nhật, ngoài xuất hạt ca cao thô, công ty còn đầu tư dây chuyền để chế biến chocolate, bột ca cao nguyên chất, ngũ cốc, sinh tố ca cao, trà, rượu ca cao… nhằm đa dạng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường xuất khẩu.
Tháng 2/2024, công ty đã xuất 4 tấn hạt ca cao sang thị trường Hà Lan và 1.000 lít rượu ca cao lên men đi Singapore. Công ty đang có kế hoạch xuất ca cao sang thị trường Nhật Bản và Mỹ.
Ca cao ở Châu Đức được xếp vào nhóm có hương vị ngon nhất thế giới. Tuy nhiên, khi nói về các sản phẩm từ ca cao Việt Nam thì nhiều người chưa biết đến.
Với mong muốn đưa sản phẩm từ những hạt ca cao hương vị Châu Đức đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước và quốc tế, công ty đã liên kết với HTX thực hiện quy trình chăm sóc vườn cây, thu hoạch trái tươi, lên men hạt ca cao rất nghiêm ngặt, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
“Theo kế hoạch của UBND huyện Châu Đức, đến năm 2025, toàn huyện có 600ha cây ca cao; trong đó tập trung hỗ trợ, khuyến khích DN, HTX, nông dân phát triển, mở rộng diện tích canh tác cây ca cao theo quy chuẩn organic để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
HTX Thương mại – Dịch vụ – Nông nghiệp Bà Rịa-Vũng Tàu, HTX Ca cao Châu Đức và các DN đã góp phần cùng địa phương hoàn thành mục tiêu mở rộng vùng nguyên liệu, nâng cao chất lượng cây ca cao, đồng thời đưa thương hiệu ca cao Châu Đức vươn tầm thế giới”, ông Đỗ Chí Khởi, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cho hay.