Trồng cà phê hữu cơ
Arabica là loại cà phê được trồng phổ biến tại các huyện như Lâm Hà, Di Linh, Đơn Dương của tỉnh Lâm Đồng.
Tuy nhiên, vùng đất được coi là thiên đường của cà phê Arabica tại Lâm Đồng là vùng Cầu Đất của xã Xuân Trường, TP. Đà Lạt. Cà phê Arabica được trồng tại TP. Đà Lạt với khí hậu, thổ nhưỡng và độ cao lý tưởng đã tạo ra chất lượng cà phê được nhiều người đánh giá cao.
Tại vùng Cầu Đất của TP. Đà Lạt, nhiều người dân đã có quá trình gắn bó lâu dài với cà phê Arabica.
Hiện nay, nhiều người dân đang liên kết, sản xuất cà phê Arabica theo hướng hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học mà chỉ dùng các loại chế phẩm sinh học. Mặc dù cách làm khó, quy trình khắt khe nhưng được doanh nghiệp địa phương thu mua với giá cao nên người dân vẫn đang rất “trung thành” với cách canh tác cà phê này.
Có mặt tại những vườn cà phê Arabica xanh mướt tại thôn Phát Chi, xã Xuân Trường phóng viên được ông Nguyễn Xuân dẫn đi thăm khu vườn rộng 2ha cà phê của gia đình mình.
Ông Xuân cho biết, hiện nay gia đình ông đang liên kết với doanh nghiệp địa phương trồng 2ha cà phê theo hướng hữu cơ. Toàn bộ cà phê được thu hoạch trong vườn của ông Xuân đều được hái chín 100%, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học.
“Chúng tôi liên kết với doanh nghiệp tại địa phương nên tuân thủ quy trình hữu cơ của họ, vì vậy 100% cà phê được thu hoạch là quả chín.
Việc thu hoạch 100% quả chín sẽ khiến cho nhà vườn bị tốn rất nhiều công, nhưng chúng tôi lại thu lại được cà phê chất lượng, bán được giá cao hơn so với thị trường.
Trước đây, với 2ha nhà tôi hái cả quả xanh lẫn quả chính thì chỉ mất khoảng 100 – 120 triệu đồng tiền công. Thế nhưng, khi thu hoạch 100% quả chín thì tiền thuê nhân công lên đến 150 – 170 triệu đồng.
Với 2ha cà phê của tôi, những năm trước thu hoạch đại trà, quả chín lẫn quả xanh thì chỉ được khoảng 5 tấn nhân. Tuy nhiên, năm vừa qua tôi hái 100% quả chín thì được gần 7 tấn nhân. Giá bán cho công ty được khoảng 100.000 – 120.000 đồng/kg cà phê nhân”, ông Nguyễn Xuân chia sẻ.
Trong khi đó, anh Lê Văn Phương cho biết, hiện anh đang trồng 3ha cà phê Arabica, Moka và Yellow BourBon. Các loại cà phê này cũng được anh Phương trồng theo hướng hữu cơ và liên kết, được bao tiêu bởi Công ty Cà phê Cầu Đất Bean.
Cuối năm 2023, doanh nghiệp liên kết đã mua cà phê Yellow BourBon với giá 25.000 đồng/kg tươi và mua Moka với giá 35.000 đồng/kg tươi. Nếu thu hoạch đại trà, giá chỉ khoảng 23.000 đồng/kg. Với diện tích trên, niên vụ 2023, gia đình anh Phương đã thu hoạch được khoảng 70 tấn cà phê tươi.
Đưa cà phê Cầu Đất vươn xa
Ghi nhận của phóng, nhiều vườn cà phê của người dân tại vùng Cầu Đất đang phát triển rất mạnh bên cạnh những cánh rừng. Đây cũng chính là điều kiện lý tưởng để cà phê Arabica phát triển bởi có nhiệt độ mát mẻ, độ cao phù hợp.
Trực tiếp có mặt tại các khu vườn trồng cà phê Arabica, anh Bùi Xuân Thắng, chủ doanh nghiệp liên kết, thu mua cà phê của người dân cho biết, trước đây, nhiều người dân tại khu vực này trồng cà phê nhưng cuộc sống không phát triển lên được do giá bán trồi sụt, chất lượng không cao, quy trình chăm sóc lạc hậu. Chính vì vậy, nhiều người đã bán đất, bán vườn để chuyển đến nơi khác làm việc.
Kéo những tán cà phê Arabica sai trĩu quả lên cho phóng viên xem, anh Thắng cho hay: “Tôi từng làm kinh doanh tại TP. Hồ Chí Minh. Đến năm 2014, tôi đã quyết định về về vùng Cầu Đất để mua vườn trồng cà phê.
Trước đó, tôi đã lên kế hoạch và nghiên cứu, học hỏi về trồng, canh tác cà phê. Thế nhưng, khi về làm thực tế thì đã có nhiều vấn đề mình không giải quyết được. Tôi đã dừng phải đến các nhà vườn của người dân để học hỏi canh tác và phê.
Giai đoạn tôi về Cầu Đất trồng cà phê thì cây cà phê ở đây đã bị già cỗi, mất năng suất. Vì vậy, tôi đã cùng cộng sự, liên kết với người dân lên kế hoạch cải tạo giống, xử lý mầm bệnh trong đất để phát triển vùng cà phê đầy tiềm năng này.
Thời đó, chúng tôi đã chấp nhận chi hàng trăm triệu đồng mỗi hecta để xử lý đất và giống để trồng cà phê theo hướng hữu cơ”.
Anh Thắng cũng cho hay, hiện anh đang liên kết với nhiều hộ dân tại địa phương trồng, chăm sóc cà phê theo hướng hữu cơ trên diện tích gần 30ha. Toàn bộ cà phê được chăm sóc không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật mà dùng các loại phân vi sinh, chế phẩm sinh học. Trung bình, mỗi hecta cà phê hữu cơ của người dân cho năng suất khoảng 3-3,5 tấn.
Điều đặc biệt nhất, toàn bộ diện tích cà phê hữu cơ trên được hái chín 100%, vì vậy anh Thắng luôn mua cà phê tươi cho người dân liên kết với giá cao hơn 3.000 đồng/kg tươi. Đến nay, sau nhiều năm kiên trì với cách làm hữu cơ, anh Thắng và những người dân địa phương đã sản xuất được khoảng 180 tấn cà phê nhân, được tiêu thụ ở các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU…
Chính vì cà phê được trồng theo hướng hữu cơ nên toàn bộ cà phê của anh Thắng cùng người dân được đối tác ký hợp đồng bao tiêu với giá 240 triệu đồng/tấn, mức giá này cao hơn sản phẩm cà phê truyền thống khoảng 30%.
Trong thời gian sắp tới, anh Thắng sẽ tiếp tục cùng người dân địa phương mở rộng diện tích trồng cà phê hữu cơ để đủ sản lượng cung cấp ra thị trường. Đây cũng chính là xu hướng sản xuất cà phê nói riêng và nông sản nói chung trên toàn thế giới, người dân cần phải tiếp cận và phát triển tại địa phương.