“Nhà đinh” là danh từ mô tả những căn nhà nằm trong diện giải tỏa tại Trung Quốc nhưng chủ nhà cương quyết không di dời, họ sẽ bám trụ giữa công trình mới xây dựng như những chiếc đinh không thể gỡ ra.
Chủ nhà “lì lợm”
Năm 2010, một trường hợp “nhà đinh” nổi tiếng đã được ghi nhận ở thành phố Quảng Châu. Thời điểm đó, Trung Quốc chuẩn bị đăng cai Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD), dự kiến tổ chức tại thành phố Quảng Châu. Nhân cơ hội này, thành phố biển đã tiến hành sửa sang, xây mới nhiều công trình trong đó có một cây cầu bắc qua sông Hải Châu Dũng.
47 hộ gia đình được vận động di dời để lấy 8.000m2 đất xây cầu. Chính quyền thành phố đưa ra phương án đền bù tương đối hào phóng. Bên cạnh tiền đất, mỗi hộ gia đình còn được phân một căn nhà hướng biển. Vốn là một làng chài nghèo với điều kiện sống khó khăn, các cư dân ở đây vô cùng phấn khởi với sự thay đổi mới. Họ nhanh chóng ký giấy đồng thuận để chuyển tới nơi ở mới.
Cô Lương liên tục từ chối yêu cầu đền bù của thành phố Quảng Châu vì nhiều lý do khác nhau. Ảnh: Sohu
Duy chỉ có một hộ gia đình nhà cô Lương không đồng ý ký giấy.
Cô Lương sở hữu một căn nhà cấp bốn rộng 44m2 nhưng có 14m2 lấn chiếm trái phép, tức là diện tích thực chỉ 30m2. Dù được chuyển sang căn nhà mới rộng rãi, khang trang hơn, nhưng cô này vẫn một mực từ chối vì cho rằng nhà hướng biển không hợp phong thủy.
Phía thành phố cử nhân viên tới thuyết phục cô Lương, giới thiệu nhiều căn nhà đền bù khác nhau nhưng đều bị từ chối. Một lần, nhân viên giới thiệu cho cô Lương căn biệt thự khang trang ở ngay gần vị trí nhà cũ nhưng cô lại phàn nàn rằng mình “không thích nhà hình vuông và hình lục giác, phạm phong thủy”.
Lần khác, đích thân lãnh đạo thành phố dẫn cô đến xem một căn chung cư cao cấp nhưng vẫn bị khước từ vì khu dân cư này gần nhà xác bệnh viện. Ánh sáng không tốt, trang trí không đẹp, nhà hướng ra sông gây đau nhức xương khớp, tất cả đều có thể là lý do từ chối những căn nhà đền bù của cô Lương.
Sau 5 lần bị từ chối yêu cầu bồi thường, thành phố quyết định từ bỏ đàm phán và xây cầu “xẻ đôi” qua nhà cô Lương. Ảnh: southcn.com
Chính quyền thành phố đi tới quyết định đền bù tiền mặt cho gia đình cô Lương. Chủ nhà tỏ ý hài lòng với lời đề nghị này. Mức đền bù ban đầu được đưa ra là 2 triệu NDT song cô Lương lại kiên quyết đòi 8 triệu NDT (tương đương 27 tỷ đồng).
Con số không tưởng này đã khiến tất cả choáng váng. Phê duyệt mức đền bù khủng không chỉ gây tổn thất ngân sách mà còn gây phẫn nộ cho những hộ dân đã di dời trước đó. Lúc này chính quyền thành phố Quảng Châu đã quyết định không thỏa hiệp nữa…
Kết cục đau đớn sau 10 năm
Năm 2015, chính quyền thành phố Quảng Châu hoàn thành giải tỏa cho 46 hộ dân, ngoài trừ căn nhà của gia đình cô Lương. Căn nhà cấp 4 vẫn nằm ở đó còn cây cầu bắc qua sông bị xẻ đôi, lọt thỏm một căn nhà bên dưới.
5 năm sau, cây cầu bắc qua sông Hải Châu Dũng chính thức được thông xe. Mỗi ngày có hàng ngàn lượt xe di chuyển trên cầu gây tiếng ồn lớn. Cô Lương thú nhận kể từ ngày cầu thông xe, gia đình cô không một ngày nào thật sự được nghỉ ngơi.
Từng đám người tụ tập đến xem căn nhà được mệnh danh là “con mắt Hải Châu”. Ảnh: southcn.com
Căn nhà của cô Lương bị bỏ hoang, nằm lọt thỏm giữa cầu. Ảnh: southcn.com
Vị trí kỳ lạ của căn nhà giờ đây là một điểm check-in nổi tiếng với cái tên “con mắt Hải Châu” do nhìn từ trên cao giống như một con mắt. Ngày nào cũng có người đến đây tham quan, chụp ảnh, tò mò về vị chủ nhân lì lợm nổi tiếng của căn “nhà đinh”.
Tới năm 2021, do không thể chịu nổi tiếng ồn xe cộ và những vị du khách đến làm phiền, gia đình cô Lương đã phải dời đi nơi khác sinh sống. Căn nhà cấp 4 hiện vẫn nằm giữa cầu, bỏ hoang không có người ở và được chính quyền thành phố trang trí thêm những khóm hoa xung quanh.