1. Loại rau càng cua
Thành phần dinh dưỡng của loại rau càng cua gồm: 92% là nước cùng 8% là các vitamin, khoáng chất như beta caroten (tiền vitamin A), sắt, kali, magie, vitamin C.
Dẫn nguồn bác sĩ y học cổ truyền Lê Thị Thảo Quyên cho biết, trong Đông y, rau càng cua vị đắng, tính bình, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, hoạt huyết, tan máu ứ, kháng viêm, giảm đau, hạ nhiệt.
“Rau càng cua là loại rau thường được sử dụng để điều trị các bệnh về đường hô hấp. Với công dụng chống viêm, giảm đau, rau càng cua có thể được dùng trị sốt, ho, đau đầu, cảm lạnh, viêm khớp. Ăn rau càng cua có thể hỗ trợ trong việc điều chỉnh và cân bằng axit uric trong máu cũng như giúp phòng ngừa bệnh gout”, BS Quyên chia sẻ.
Trong một nghiên cứu sử dụng dịch thiết của rau càng cua trên chuột đã làm giảm nồng độ axit uric đến 44% trong máu so với 66% của allopurinol (Thuốc làm hạ nồng độ axit uric trong máu thường được sử dụng trên lâm sàng). Kết quả này cho thấy ăn rau càng cua có thể giúp phòng ngừa được bệnh gout. Nhiều tài liệu còn ghi nhận rau càng cua là loại rau góp phần làm giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.
Ngoài ra, rau càng cua cũng có thể được sử dụng như loại thực phẩm để tăng cường sức khỏe, giảm cân và hỗ trợ tiêu hóa.
Nhiều nước trên thế giới xem rau càng cua là loại rau “thần dược” vì nó có khả năng trị nhiều loại bệnh. Ở Philippines, người ta dùng lá càng cua đắp để điều trị ung nhọt và vết loét. Người dân Trung Quốc và Brazil dùng nước ép rau càng cua để trị bệnh viêm kết mạc. Người Java lại dùng loại rau này để trị sốt rét, đau đầu…
2. Loại rau dền
Rau dền cơm và dền đỏ ở Việt Nam trồng rất phổ biến, được bán với giá rất rẻ và chỉ được coi là thứ rau dân dã. Tuy nhiên, loại rau này rất được thế giới ưa chuộng, nhất là vùng Trung Quốc, Ấn Độ và Hy Lạp. Nó được thế giới ca ngợi là loại rau trường thọ bởi công dụng đứng đầu bảng các nhóm rau.
Rau dền có vị ngọt, tính mát, có tác dụng lợi tiểu, sát trùng, giải độc. Trong lá rau chứa hàm lượng vitamin A, B, C, nhiều protid đặc biệt là lysin với hàm lượng cao hơn bắp, lúa mì và đậu tương.
Rau dền luộc ăn và uống cả nước giúp thông tiểu, nhuận trường, chữa táo bón, kiết lỵ, dị ứng, mẩn ngứa, côn trùng đốt. Sử dụng hoa và hạt rau dền có tác dụng chữa phong nhiệt, mắt mờ. Tại Nigeria, rau dền cơm được bào chế thành dịch truyền vào máu để thanh lọc máu. Một số trung tâm nghiên cứu trên thế giới còn bào chế rau dền cơm thành loại em bôi điều trị viêm nhiễm mắt, thuốc động kinh và thuốc chống co giật.
3. Loại rau sam
Loại rau dại mọc như cỏ đó chính là cây sam. Đây là loại rau dân dã đồng quê được mệnh danh là “nông dân” vì rất dễ sống, mọc đầy ở trong vườn, ven đường, bờ ruộng và cả những nơi khô cằn nhất.
Loại rau sam bề ngoài mọng nước, thân bò sát mặt đất với màu hơi hồng đỏ, trơn nhẵn với các lá mọc đối thành cụm tại các đốt hay đầu ngọn, hoa sam màu vàng hoặc đỏ rất đẹp.
Rau sam có vị đặc trưng, thanh và hơi chua. Dù được gọi là rau, nhưng ở Việt Nam, người ta thường chỉ coi cây sam như là cây dại và chỉ dùng như một loại rau ăn lá rất hạn chế, thậm chí ở nhiều nơi còn dùng làm thức ăn cho bò.
Ở nhiều nước châu Âu, rau sam rất được yêu thích. Họ dùng trong các món ăn khá phổ biến, người Hà Lan dùng rau sam làm dưa chua, người Pháp cũng rất thích rau sam và chế biến thành nhiều món ăn ngon, hoặc ở Mỹ có món rau sam trộn dầu giấm…
Chính vì những thành phần bổ dưỡng trên, mà rau sam được coi là một loại thảo dược quý chữa nhiều bệnh như chữa mụn nhọt lở loét, đau răng, chữa trị mẩn ngứa ngoài da, viêm nhiễm đường tiết niệu, các chứng lỵ, giun sán đường ruột, đầy bụng, trướng bụng…
Đặc biệt, trong Y học cổ truyền Trung Quốc xem cây rau này là “vị thuốc trường thọ” và được sử dụng để chữa nhiều bệnh.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ và Úc, trong rau sam có chứa nhiều axít béo omega-3 hơn các loại rau ăn lá khác. Nó là một trong số rất ít các loài cây có chứa EPA omega-3 chuỗi dài, có tác dụng rất tốt trong việc ngăn ngừa bệnh tim mạch và tăng cường sức miễn dịch của cơ thể. Đây cũng là loại rau chứa nhiều loại vitamin (chủ yếu là vitamin A, C và một số vitamin B cùng các carotenoit), cũng như các chất khoáng dinh dưỡng như magiê, canxi, kali và sắt…
Rau có vị ngọt nhạt, tính mát, tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu còn dùng chữa cảm sốt, đau bụng, dùng ngoài giã nhuyễn đắp trị rắn cắn, mụn nhọt, sưng lở. Mọi người có thể ăn kèm rau với mắm kho hoặc luộc, nấu canh.
4. Loại rau tầm bóp
Ở Việt Nam, quả tầm bóp được xem như là một quả dại, mọc lan ở khắp các ruộng lúa ở vùng nông thôn. Nhưng ở Nhật Bản, đây là một thứ quả khá đắt. Tính theo giá thành ghi trên bao bì, 1kg quả tầm bóp có giá bán lên tới 700.000 đồng, thậm chí còn đắt đỏ hơn giá của nhiều loại hoa quả nhập khẩu về Việt Nam như cherry Mỹ, hồng California, mận Mỹ,… Quả tầm bóp tại Nhật thường được người dân mua về ăn hoặc nấu canh.
Theo Đông y, cây tầm bóp vị đắng, tính mát, không độc, tác dụng thanh nhiệt lợi thấp, khu đàm, chỉ khái, nhuyễn kiên tán kết. Quả tầm bóp vị chua, tính bình tác dụng thanh nhiệt, tiêu đờm. Ở Ấn Độ, người ta sử dụng toàn thân cây tầm bóp làm thuốc lợi tiểu. Nó còn có tác dụng trong điều trị bệnh đái tháo đường.
Theo nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học ở Mỹ, trong rau tầm bóp có chứa chất chống ung thư và khả năng kháng viêm tiêu diệt các siêu vi khuẩn trong cơ thể cực kỳ mạnh mẻ.