Anh Lê Xuân Nam (SN 1977) ở thôn Râm, xã Tự Lạn (Việt Yên – Bắc Giang) được nhiều người biết đến với mô hình nuôi vịt hiện đại. Quá trình nuôi anh còn cho vịt nghe nhạc hằng ngày.
Theo báo Bắc Giang , trước đây, anh Nam từng nuôi lợn nái sinh sản, gà đẻ trứng rồi mới chuyển sang nuôi vịt.
Anh Nam kể ngày bắt đầu nuôi heo đẻ chừng 20 con. Do nuôi gần nhà nên anh thường mở đài thật to để đỡ buồn, nhiều lúc quên tắt, cứ để đấy. Dần dần, anh thấy đàn heo không bị xô lệch, không chạy loạn, thịt cũng ngon hơn đàn khác. Sau đó, anh Nam cũng thử cho gà nghe nhạc. Bình thường gà hễ thấy người là bay tứ tung, nhưng khi được nghe nhạc lại thuần tính.
Năm 2020, anh chuyển hướng nuôi vịt vì thấy tiềm năng lớn. Tuy nhiên, đúng vào năm này, dịch Covid-19 ập đến, giá vịt lên xuống thất thường khiến nhiều trại nuôi vịt lớn ở Bắc Giang buộc phải giảm đàn, những hộ chăn nuôi nhỏ rơi vào tình trạng thua lỗ. Trang trại của anh Lê Xuân Nam cũng chung cảnh ngộ.
“Thời điểm dịch căng thẳng, việc chăn nuôi cũng buồn theo. Có bao nhiêu vốn liếng đã đầu tư hết vào đàn vịt, tôi không đành, cũng không thể buông bỏ. Vốn mê chăn nuôi, tôi cố gắng gượng, tìm mọi cách duy trì trại vịt”, anh Nam kể với Dân Trí.
Trong một lần cho vịt ăn, anh Nam tình cờ phát hiện đàn vịt phản ứng với tiếng nhạc. Liên tưởng lúc nuôi lợn, gà cho nghe nhạc nhiều năm trước, anh bỗng chột dạ, biết đâu áp dụng cách này vào nuôi vịt sẽ hiệu quả. Từ đó, người đàn ông ở Bắc Giang quyết định thay đổi nhịp sinh học của đàn vịt.
Nghĩ là làm, anh Nam bắt đầu áp dụng phương pháp nuôi vịt theo cách lạ đời đó. Anh đầu tư, lắp thêm hệ thống loa trong khu vực chuồng nuôi, hằng ngày mở nhạc dân ca cho đàn vịt nghe.
“Vịt từ lúc bắt về đến lúc xuất bán được nghe các loại từ chèo, cải lương, quan họ đến nhạc sàn, chỉ giảm âm lượng vào buổi tối. Con nào con nấy khỏe mạnh, ăn tốt”, anh Nam hào hứng kể với Tuổi Trẻ.
Theo đó, việc cho ăn có sổ theo dõi hằng ngày, trên cơ sở số lượng vật nuôi, ngày tuổi, anh tính toán lượng cám vừa đủ để thức ăn không dư thừa, tránh lãng phí, phát sinh mầm bệnh. Với máy cho ăn tự động, anh chỉ việc đứng ở kho cám, cho thức ăn vào máy. Bằng cảm biến hiện đại, máy đẩy thức ăn qua các đường ống rồi đưa vào khay đựng trong các chuồng nuôi.
Hệ thống nước uống tự động cũng vậy, khi vịt khát sẽ tự uống nước thông qua các núm uống được kết nối với vòi lắp đặt trong chuồng.
Chỉ với chiếc điện thoại và loa bluetooth, gần như cả ngày anh không cần vào chuồng vịt.
Hiện tại, với trang trại rộng hơn 3.000 m2, anh Nam nuôi hơn 30.000 con vịt. Mỗi năm, trang trại cho thu hoạch 3-5 lứa, cung cấp khoảng 500-600 tấn vịt ra thị trường. Với giá dao động 40.000-50.000 đồng/kg, doanh thu một năm của trang trại hiện khoảng 3 tỷ đồng.
Vịt từ trại của anh Nam không những được tiêu thụ mạnh trên địa bàn tỉnh Bắc Giang mà thương lái ở các tỉnh lân cận cũng tìm đến mua. “Mùa nóng tôi bán cho khách ở Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh… đến mùa rét thì thương lái ở Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng cũng tìm đến”, anh nói.
Năm 2023 mô hình nuôi vịt nghe nhạc của anh Lê Xuân Nam nhận giải khuyến khích Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bắc Giang lần thứ 10, rất nhiều bà con trong tỉnh đã đến học tập cách làm của anh Nam.
Chia sẻ kinh nghiệm nuôi vịt, anh cho biết người nuôi vịt cần chú ý tiêm đủ 6 mũi vắc-xin dịch vụ phòng mỏ thụt, tả, cúm, bại huyết. Trang trại nên đặt xa khu dân cư, xây dựng hầm biogas. Máy móc chuyển cám vịt, phun sương làm mát, quạt điều hòa nên mua ở nơi uy tín, không ham đồ rẻ, tự động hóa, nhiệt độ từ 24 – 25 độ C.
Hiện gia đình anh Lê Xuân Nam là một trong những hộ thành công với mô hình nuôi vịt “độc lạ” đã áp dụng. Không chỉ làm giàu cho gia đình, trang trại của anh Nam còn giải quyết việc làm cho gần 10 lao động địa phương.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Thân Đăng Phương – Phó chủ tịch Hội Nông dân thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang – cho biết từ khi là hội viên nông dân trẻ, anh Lê Xuân Nam luôn cố gắng phát triển kinh tế của gia đình cũng như chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, giúp đỡ bà con về kỹ thuật, cùng làm kinh tế.
Ông đánh giá mô hình chăn nuôi vịt nghe nhạc từ năm 2020 đến nay không chỉ giúp gia đình anh nông dân này làm giàu mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động. Thu nhập khoảng 7 triệu đồng/người/tháng, bao ăn ở.