Nuôi con siêu đẻ, ăn chả tốn mấy đồng, ở Nam Định nông dân nào nuôi thành công đều khá giả hẳn lên

Trước đây, do tác động của các loại thuốc trừ sâu sử dụng trên đồng ruộng, nhất là thuốc diệt ốc bươu vàng nên ốc bươu hầu như không còn xuất hiện trong tự nhiên và trên thị trường.

Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây ốc bươu được người dân các huyện tìm được cách nhân giống, nuôi thương phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trên địa bàn tỉnh Nam Định có gần 100 hộ nuôi ốc bươu thành công, trong đó có hơn chục hộ nuôi ốc quy mô lớn hàng vạn con mỗi lứa, thị trường tiêu thụ thuận lợi. Tiêu biểu như hộ anh Hồ Sỹ Hoạch, xã Xuân Châu (Xuân Trường) đã nuôi ốc bươu được gần 7 năm với diện tích hơn 7.000m2.

 

Anh Hoạch cho biết, năm 2017, trong một lần đi tham quan mô hình sản xuất giống và nuôi ốc bươu thương phẩm ở tỉnh Thái Bình, nhận thấy ốc bươu là loài dễ nuôi, dễ chăm sóc, thức ăn của ốc khá đa dạng và có sẵn ở tự nhiên như rau, cỏ, củ, quả… nên quyết tâm đầu tư nuôi.

Thời gian đầu, do chưa nắm bắt được kỹ thuật, quá trình nuôi vào mùa hè nguồn nước chưa đảm bảo yêu cầu về nhiệt độ nên ốc bị chết hàng loạt.

Không nản chí, anh Hoạch dành nhiều thời gian đi tìm hiểu thêm thực tế tại các mô hình nuôi ốc bươu hiệu quả để tích lũy thêm kiến thức, kỹ thuật.

Bước sang vụ nuôi thứ hai, anh tập trung xử lý tốt môi trường nuôi, nguồn nước, làm sạch bèo, cỏ, dùng chế phẩm sinh học xử lý đáy ao, sau đó mới bơm nước vào ao nuôi và duy trì mực nước cao 60-100cm để giữ độ an toàn cho ốc.

Nuôi con siêu đẻ, ăn chả tốn mấy đồng, ở Nam Định nông dân nào nuôi thành công đều khá giả hẳn lên- Ảnh 2.

Gia đình anh Hồ Sỹ Hoạch, xã Xuân Châu (huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) luôn đảm bảo nguồn giống ốc bươu đe (ốc nhồi) chất lượng.

Trong quá trình nuôi, anh luôn chú ý cung cấp lượng thức ăn vừa đủ, không để dư thừa làm ô nhiễm môi trường ao nuôi dẫn đến ốc dễ bị chết.

Nhờ nắm vững và áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, nuôi thả nên ốc dần phát triển và sinh trưởng tốt. Cùng với sản xuất, anh Hoạch chủ động liên kết thị trường tiêu thụ ở các tỉnh lân cận và tham gia các hội, nhóm nuôi ốc bươu trên mạng xã hội để tìm đầu ra ổn định.

 

Quá trình nuôi ốc trong vòng 3-4 tháng là có thể xuất bán ốc bươu đen-ốc nhồi với mức giá khoảng 60-70 nghìn đồng/kg. Ốc bươu sinh sản quanh năm, nhưng nếu để sinh sản tự nhiên tỷ lệ nở con đạt thấp. Để chủ động con giống và cung ứng cho thị trường, anh Hoạch đưa quy trình nuôi ốc bố mẹ sinh sản vào sản xuất.

Hàng ngày, anh Hoạch đều gom trứng cho vào thùng ấp đảm bảo nguồn giống chất lượng. Anh thường xuyên kiểm tra và điều chỉnh nhiệt độ, giữ cho thùng ấp luôn đạt độ ẩm thích hợp tạo điều kiện cho trứng phát triển tốt.

Theo anh, mùa hè ấp trứng từ 7-10 ngày là đưa ra ao nuôi ốc giống. Vào mùa đông, thời gian phải từ 15-20 ngày trứng mới nở thành con. Trong quá trình ấp trứng anh phun nước hai lần/ngày để giữ độ ẩm. Hàng năm, gia đình anh Hoạch xuất bán ra thị trường hơn 1 triệu con ốc giống.

Từ sản xuất ốc giống và nuôi ốc thương phẩm cung cấp ra thị trường, trừ chi phí, gia đình anh thu lãi trên 300 triệu đồng/năm.

Trang trại nuôi ốc bươu đen của anh Nguyễn Văn Luận ở thị trấn Xuân Trường (huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) gồm 9 ao với khoảng 100 nghìn ốc bố mẹ và 100-150 nghìn con ốc giống.

Mỗi tháng anh bán được khoảng 60-90kg trứng với giá dao động 400 nghìn đồng đến 1,3 triệu đồng/kg tùy thời điểm; 50-70 nghìn con ốc giống với giá dao động 2-5 triệu đồng/10 nghìn con và xuất bán ra thị trường khoảng 1 tấn ốc thương phẩm.

 

Mỗi năm trang trại của anh Luận doanh thu 500 triệu đồng, trừ chi phí, anh thu lãi 150-200 triệu đồng. Dẫn chúng tôi đi tham quan trang trại nuôi ốc, anh Luận cho biết, ốc bươu giờ trở thành “đặc sản”, có giá trị kinh tế cao trên thị trường.

Trong quá trình nuôi, ngoài chú trọng xử lý môi trường nước, tôi luôn giữ phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh” cho ốc. Nuôi ốc bươu cần lưu ý đến bệnh sưng vòi, là bệnh nguy hiểm nhất trên ốc, dễ gây chết hàng loạt nên phải giám sát ao nuôi thường xuyên.

Nếu quan sát thấy ốc có dấu hiệu bỏ ăn, vòi bị sưng to, có mùi hôi cần phải cách ly ngay để xử lý bệnh, tránh dịch lây lan”. Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh còn tận tình hướng dẫn kỹ thuật nuôi ốc bươu cho nhiều hộ nông dân khác ở trong và ngoài huyện.

Gia đình ông Hoàng Văn Hiền ở thôn An Phú Hưng, xã Yên Thành (Ý Yên) nhờ nuôi ốc bươu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trước khi “bén duyên” với nghề nuôi ốc bươu, gia đình ông Hiền chủ yếu nuôi lợn và nuôi thả các loại cá nước ngọt truyền thống.

Dịch tả lợn châu Phi bùng phát vào thời điểm giữa năm 2019 khiến tổng đàn lợn thương phẩm của gia đình buộc phải tiêu hủy hoàn toàn.

Lo ngại dịch bệnh có thể quay lại nên ông Hiền không tái đàn, hơn nữa chỉ nuôi cá nước ngọt truyền thống. Do hiệu quả nuôi cá nước ngọt không cao, ông quyết định chuyển hướng phát triển đầu tư con nuôi mới.

 

Năm 2021, qua tìm hiểu, ông Hiền thấy ốc bươu là con nuôi có tiềm năng nên đã mạnh dạn mua 60 nghìn ốc giống về nuôi thử. Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên đàn ốc bắt đầu sinh trưởng, phát triển tốt.

Từ những kinh nghiệm đúc kết được, ông Hiền cho biết, mùa hè, thời tiết nắng nóng, ông thả bèo tấm và trồng hoa súng, vừa làm nguồn thức ăn bổ sung, vừa che nắng cho ốc. Vào mùa đông, ốc ngủ đông nên không cần cho ăn, chỉ cần thả bèo tây để tránh rét.

Thành công từ lứa nuôi đầu tiên nên đến đầu năm 2022, ông Hiền tiếp tục đầu tư kinh phí, cải tạo thêm ao nuôi với diện tích trên 3.000m2. Hiện mô hình của ông đang duy trì nuôi thả ốc nhồi trong 21 lồng, mỗi lồng rộng 10m2; các ao còn lại để thả bèo tấm làm thức ăn cung cấp cho ốc.

Với hướng đầu tư hiệu quả, thị trường ổn định, nhiều mô hình nuôi ốc bươu đã thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Một số hộ dân ở xã Nam Toàn (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) cũng đã bắt tay vào nuôi thử nghiệm ốc bươu, bước đầu ốc phát triển khỏe mạnh, đồng đều. Tiêu biểu như gia đình ông Phạm Văn Thái ở xóm Thượng 1, xã Nam Toàn nuôi thử nghiệm ốc bươu trên diện tích ao rộng 100m2.

Do tìm hiểu kỹ về quá trình chăm sóc cũng như kỹ thuật nuôi nên ngay từ vụ nuôi thử nghiệm đã thành công. Năm 2024, ông dự định mở rộng quy mô cũng như đầu tư trang thiết bị để nuôi ốc bươu, phát triển kinh tế hộ gia đình.

 

Giá trị kinh tế khá cao, được thị trường ưa chuộng, ốc bươu không còn là đối tượng nuôi quá mới trong ngành nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Nam Định.

Có thể nói, mô hình nuôi ốc bươu là một lựa chọn hiệu quả để nhiều người dân trên địa bàn nhân rộng, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, tạo cơ hội nâng cao thu nhập cho người dân.

Tuy nhiên, để thành công từ mô hình nuôi ốc bươu đen-ốc nhồi, các hộ dân cần có kế hoạch đầu tư phù hợp cũng như cần tìm hiểu kỹ thuật nuôi chăm sóc, tránh tình trạng đầu tư ồ ạt theo phong trào, dẫn đến mất trắng, dễ lây lan dịch bệnh.