Nuôi thành công cá mú to bự trong ao đất, ông nông dân Kiên Giang bán 200.000-210.000 đồng/kg

Nói đến nuôi cá bống mú, mọi người thường nghĩ đến nghề nuôi cá lồng bè trên biển đang phát triển mạnh tại các xã ven biển và xã đảo.

Tuy nhiên, ông Trần Kỳ Bá, một nông dân tại ấp Ba Núi, xã Bình An, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang đã thực hiện nuôi cá bống mú trong ao đất thành công, mang lại thu nhập cho gia đình hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Ông là một trong những điển hình trong thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi tại huyện Kiên Lương trong thời gian qua.

Ông Trần Kỳ Bá chia sẻ: “Trước đây do đã có kinh nghiệm từ nuôi cá bống mú trên biển nhiều năm, nên qua tìm hiểu, nghiên cứu, tôi nhận thấy mô hình nuôi cá bống mú trong ao đất là phù hợp với thực tế của địa phương, nên gia đình đã mạnh dạn đầu tư vào thực hiện.

Để bắt tay thực hiện mô hình, tôi đã chủ động tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, các chương trình chuyển giao khoa học – kỹ thuật, các hội thảo liên quan đến nuôi trồng thủy sản do Hội Nông dân, trung tâm khuyến nông địa phương tổ chức”.

Nuôi thành công cá mú to bự trong ao đất, ông nông dân Kiên Giang bán 200.000-210.000 đồng/kg- Ảnh 1.

Ông Trần Kỳ Bá bên một ao nuôi cá mú tại xã Bình An, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang. Anh Kỳ Bá bán cá mú giá 200.000-210.000 đồng/kg.

“Một trong những thuận lợi nữa đó là trước đây tôi đã từng có kinh nghiệm trong nuôi cá mú trên biển, cộng với các kiến thức mới được tiếp thu, học tập, gia đình tôi bắt đầu triển khai thực hiện mô hình nuôi cá mú được hơn 15 năm nay.

Hiện gia đình có 8 ao nuôi cá mú, mỗi ao 100m2, hằng năm thả khoảng 10.000 con cá mú giống, đến vụ thu hoạch, trừ đi hao hụt còn khoảng 7.300 con.

Với trọng lượng trung bình 0,8kg/con khi xuất bán. Với giá khoảng 200.00-210.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư thả nuôi gia đình tôi thu lời trên 300-400 triệu đồng mỗi năm”, ông Trần Kỳ Bá chia sẻ thêm về hiệu quả của mô hình.

Theo ông Bá, để nuôi đạt năng suất, quá trình chăm sóc cá cũng rất công phu. Thời điểm cá dễ phát sinh dịch bệnh và hao hụt nhiều nhất là từ khi nhập cá giống về đến nuôi được khoảng 3 tháng.

Trong giai đoạn này người nuôi phải thường xuyên theo dõi quá trình sinh trưởng của cá cũng như nguồn nước nuôi trong ao phải đảm bảo theo tiêu chuẩn thì cá mới khỏe và phát triển được. Đối với giải đoạn thả giống, ngoài việc phải chọn được những con giống khỏe mạnh, kích cỡ đồng đều từ 5-15cm, công đoạn chuẩn bị ao rất quan trọng.

Ao thả phải được làm sạch không có tạp chất bẩn trong nguồn nước trước khi thả nuôi; tiếp đó đến việc xử lý nguồn nước thích hợp với sự sinh trưởng của cá,… Vấn đề này ông thường tham khảo với cơ quan chuyên môn hoặc những người đã nuôi đạt hiệu quả trước, sau đó tích lũy kinh nghiệm để áp dụng.

Đối với nguồn thức ăn, ông Bá cho biết, ngoài thức ăn chính là cá phân cắt nhỏ, phù hợp với kích thước của từng giai đoạn phát triển của cá, cá con khi mới đem về nuôi phải cho ăn bằng thức ăn xay nhuyễn cộng với tấm, cám nấu.

Khoảng 1 tuần phải thay nước ao nuôi 1 lần từ 30-50% lượng nước hiện có trong ao. Trong khi nuôi phải thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường nước, giữ các chỉ số nước ổn định bảo đảm cho cá phát triển bình thường với độ mặn từ 10-23‰; pH từ 7.5-8.5 là thích hợp nhất. Sau 10 tháng thả nuôi, khi cá đạt trọng tượng từ 800 gram đến 1,3kg/con thì có thể xuất bán.

Kết quả đạt được từ mô hình nuôi cá bống mú trong ao đất đã giúp gia đình ông Trần Kỳ Bá có được nguồn thu nhập ổn định và tăng dần theo từng năm. Từ đó, đời sống kinh tế của gia đình ông ngày được nâng lên.

Không những thế, ông Bá còn tích cực hỗ trợ người dân địa phương xung quanh phát triển mô hình nuôi này, góp phần phát triển kinh tế chung của địa phương.

Bà Lê Thị Dung, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình An, huyện Kiê Lương (tỉnh Kiên Giang)  cho biết: Nghề nuôi cá bống mú trong ao đất là ngành nghề có triển vọng rất lớn tại huyện Kiên Lương vì là địa phương giáp biển.

Hiện nay, tại xã Bình An có trên 30 hộ nuôi cá bống mú trong ao đất với diện tích trên 30ha. Nhờ chi phí đầu tư vừa phải, cá ít bị bệnh, rất phù hợp ở vùng đất ven biển. Mô hình nuôi cá bống mú trong ao đất của ông Trần Kỳ Bá được xem là điển hình.

Từ hiệu quả đó, tại xã Bình An trước đây chỉ có vài hộ nuôi thành công, hiện nhiều hộ khác đến học hỏi kinh nghiệm nuôi. Đây có thể được xem là mô hình điển hình để bà con nông dân nơi đây chuyển đổi vật nuôi phù hợp nhằm mang lại thu nhập cao, phát triển kinh tế gia đình, góp phần vào sự phát triển chung của huyện trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay.