Trại nuôi rắn ri voi của anh Khanh được biết đến là trại rắn có quy mô “khủng” nhất tại tỉnh Tiền Giang.
Hiện anh sở hữu số lượng rắn ri voi bố mẹ lên đến 1.500 con. Anh Khanh kể, năm 2011 khi vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, loay hoay chưa biết làm nghề gì để trang trải cuộc sống nên anh chọn làm nông nghiệp.
Ban đầu, anh chọn nuôi thỏ, nhưng gặp thất bại liên tục. Tình cờ, qua báo, đài, anh biết được mô hình nuôi rắn ri voi đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê nhà, anh đánh liều vay vốn đầu tư khởi nghiệp.
“Khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự ra, thấy người trạc tuổi trong xóm kéo nhau đi làm công nhân, nhưng bản thân tôi lại thích làm nông nghiệp, chăn nuôi.
Thấy nuôi rắn ri voi tiềm năng, tôi quyết định vay vốn để nuôi, chấp nhận rủi ro bởi kinh nghiệm là con số không!”, anh Khanh kể.
Anh Nguyễn Văn Nhựt Khanh, nông dân nuôi rắn ri voi thành công ở xã Tân Hội, thị xã Cai Lậy, (tỉnh Tiền Giang) kiểm tra đàn rắn con trong một hồ xi măng.
Cầm số tiền gần 80 triệu đồng trong tay, anh mua hơn 100 con rắn ri voi giống về nuôi thử nghiệm và xây dựng trại.
Nhờ kiên trì, chịu khó học hỏi đúc rút kinh nghiệm trong quá trình nuôi, anh dần nắm rõ tập tính của loài rắn này và cho rắn sinh sản thành công, nhân đàn lên.
Quyết tâm gắn bó với con rắn, cũng như dự định dài hơi phát triển mở rộng, chấp nhận không có thu nhập từ mô hình thời điểm ban đầu.
Bởi rắn con đều được anh giữ lại toàn bộ để tăng đàn. Hiện anh Khanh nhân đàn thành công, luôn duy trì số lượng hơn 1.500 con rắn bố mẹ.
Ưu điểm của rắn ri voi dễ nuôi, nhẹ công chăm sóc, ít bệnh. Tuy nhiên, khâu chọn giống quan trọng, phải chọn nuôi con đồng đều, nhanh nhẹn, không dị tật.
Hiện trại anh Khanh có trên 20 hồ nuôi, mật độ nuôi thưa từ 10-15 con/m2 để rắn phát triển tốt. Anh tận dụng dây ni lông cho vào bể làm giá thể trú ngụ cho rắn.
Ngoài ra, anh Nguyễn Văn Nhựt Khanh còn tạo môi trường tự nhiên bằng cách thả tàu dừa, lục bình, rau, bèo,… vào hồ.
“Bởi rắn là loài chui rúc, nên khi nuôi trong môi trường nhân tạo phải tạo giá thể cho rắn cảm thấy thoải mái, mới mau lớn, đạt hiệu quả.
Dây ni lông khi cho vào bể cũng phải ngâm nước vài tiếng để dây sạch mới cho vào”, anh Nguyễn Văn Nhựt Khanh nói.
Thức ăn của rắn cũng được anh Nguyễn Văn Nhựt Khanh kiếm mua hoặc bắt ngoài tự nhiên, chủ yếu cho rắn ăn cá da trơn, ếch, nhái…
Riêng các loại cá có vảy, phải đánh vảy thật sạch mới cho rắn ăn để không ảnh hưởng đường tiêu hóa. Cách 5-7 bữa mới cho rắn ăn 1 lần nên rất tiết kiệm thức ăn.
“Rắn rất dễ nuôi bởi là loài hoang dã nên sức đề kháng rất mạnh. Cơ bản là tự ăn, tự lớn, không cần can thiệp gì nhiều. Có hao hụt cũng chỉ từ 2-3% thôi”, anh Khanh cho biết.
Để rắn khỏe mạnh, phải đảm bảo nguồn nước sạch. Khoảng 1 tháng thay nước 1 lần, thường xuyên vệ sinh, phun xịt khử khuẩn để hạn chế nấm gây bệnh.
Do nuôi công nghiệp nên rắn thường bị nấm. Do vậy phải phun xịt chuồng trại thường xuyên.
Nếu rắn ri voi nhiễm bệnh thì phải xử lý muối, thuốc tím… Rắn nuôi khoảng 1,5 năm, đạt trọng lượng 1kg có thể cho sinh sản từ 7-8 con, rắn càng lớn sẽ cho sinh sản càng nhiều.
Rắn con thường không được rắn bố mẹ chăm sóc, phải tự tìm thức ăn. Để rắn nhanh lớn, ít hao hụt, anh Khanh bắt ra nuôi trong bể riêng và cho ăn thức ăn thích hợp.
Hiện mỗi năm anh xuất bán cho thương lái ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây với số lượng hơn 5.000 con rắn ri voi giống, giá rắn giống là 70.000-80.000 đồng/con (loại 1 tuần tuổi).
Riêng rắn ri voi thịt anh chỉ xuất bán số lượng gần 100 kg/năm với giá rắn ri voi thịt là 550.000 đồng/kg. Nhờ đó anh thu lãi trên 600 triệu đồng từ mô hình nuôi rắn ri voi bán giống, bán thịt.
Anh Khanh còn phát triển thêm mô hình nuôi rắn ri cá, trùn quế, lươn thương phẩm… Sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ kỹ thuật cho những người trẻ ở địa phương muốn khởi nghiệp từ các loại vật nuôi này.