Nhiều người đã bị chính quyền đến cưỡng chế đập nhà vì… lỡ xây nhầm trên đất người khác. Câu chuyện dở khóc, dở cười trên xảy ra nhiều trên địa bàn TP.HCM.
Xin phép một đằng, xây một nẻo
Cách nay chưa lâu, anh Hồng Hải mua một miếng đất hai mặt tiền ở huyện Hóc Môn, TP.HCM rộng 300 m2, tách ra làm hai thửa, mỗi thửa 150 m2. Do chưa đủ kinh phí nên ban đầu anh đi xin phép xây dựng trước một căn nhà, với 1 trệt 2 lầu hết khoảng 2 tỉ đồng. Khi xây dựng xong, anh tiến hành thủ tục hoàn công để cấp sổ đỏ cho căn nhà thì mới phát hiện, xin phép xây dựng một đằng, nhưng thực tế xây dựng một nẻo. Xin cho thửa đất 1 thì anh lại xây dựng căn nhà trên thửa đất số 2.
Đến khi cơ quan chức năng xuống hiện trường để kiểm tra hiện trạng mới phát hiện điều trớ trêu này.
Chuyện chưa dừng lại ở đây, do xây dựng sai so với giấy phép được cấp, nên anh bị chính quyền yêu cầu tháo dỡ căn nhà.
Anh Hồng Hải “đau đớn” bên căn nhà bị tháo dỡ |
ĐÌNH SƠN |
Theo anh Hồ
ng Hải, xét về lý là anh sai vì xây dựng không đúng thửa đất được cấp phép, nhưng 2 lô đất đều của anh. Do đó, anh đã xin cơ quan chức năng cho được giữ lại ngôi nhà. Tuy nhiên, cơ quan chức năng kiên quyết yêu cầu chủ đầu tư tự tháo dỡ công trình nếu không sẽ bị cưỡng chế. Không còn cách nào khác và để tuân thủ pháp luật, anh Hải đành phải “cắn răng” đập căn nhà gần 2 tỉ đồng mới xây xong.
Một trường hợp khác ở quận 7 còn “hà
i hước” hơn khi mà hai gia đình có hai lô đất liền kề nhau đã xây dựng “lộn qua lộn lại” của nhau. Đến khi hai căn nhà này đi hoàn công, cấp sổ đỏ cơ quan chức năng mới phát hiện. Để giải quyết trường hợp này, chính quyền quận 7 đã linh động và ưu ái mời hai chủ nhà lên làm việc và viết cam kết, xác nhận việc xây dựng lộn thửa đất của nhau và từ đó có cơ sở để cấp sổ đỏ cho hai căn nhà trên.
Theo một lãnh đạo của Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận 7, theo quy định của pháp luật, hai căn nhà trên đã xây dựng sai so với giấy phép, phải tháo dỡ. Tuy nhiên, may mắn là nhà xây dựng trên đất nằm trong dự án 1/500 nên có diện tích, mật độ xây dựng, mẫu nhà giống nhau nên cơ quan chức năng chỉ yêu cầu hai bên lên làm bản cam kết xác nhận “hoán đổi” cho nhau và không có tranh chấp, khiếu kiện. Ngay sau đó, cơ quan chức năng đã làm thủ tục hoàn công, cấp sổ đỏ cho hai căn nhà trên.
Chính quyền “đá” trách nhiệm
Bà Vũ Thị Hường mua miếng đất có diện tích 112,8 m2, tại thửa đất số 29-49, tờ bản đồ số 79, phường An Phú, TP.Thủ Đức. Miếng đất được Sở Tài nguyên – Môi trường TP.HCM cấp sổ đỏ ngày 14.2.2008. Đến tháng 2.2020 bà Hường quyết định xây dựng nhà và nộp hồ sơ đề nghị cấp phép xây dựng. Tuy nhiên, 1 tháng sau bà nhận được công văn 1173/UBND-QLĐT của UBND quận 2 cũ trả lời tại thửa đất trên có 1 căn nhà đã được xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng. Do đó, UBND quận 2 cũ không có cơ sở giải quyết cấp giấy phép xây dựng theo đề nghị của bà Hường. Không chỉ vậy, UBND quận 2 cũ cũng đã có văn bản đề nghị UBND phường An Phú kiểm tra, xử lý vi phạm xây dựng công trình nêu trên (nếu có).
Khi cơ quan chức năng đi xác minh thì phát hiện căn nhà trên do bà Lê Thị Thanh Thủy (chủ thửa đất 29-50) cạnh bên xây dựng nhầm sang thửa đất 29-49. Điều đáng nói, cơ quan chức năng không hiểu vì lý do gì đã hoàn công và cấp sổ đỏ cho căn nhà và lô đất cho bà Lê Thị Thanh Thủy.
Chính vì vậy, cuối tháng 6.2020, UBND phường An Phú quyết định thành lập Hội đồng hòa giải tranh chấp quyền sử dụng đất đối với thửa đất 29-49. Ông Nguyễn Văn Hải, Phó chủ tịch UBND phường là Chủ tịch hội đồng. Đầu tháng 7.2020, UBND phường An Phú tổ chức hòa giải lần 1. Bà Hường yêu cầu hoàn trả đất trống của thửa đất theo đúng giấy tờ. Bà Thủy lại cho rằng nhà và đất của mình đã được cấp giấy chứng nhận, cập nhật tài sản trên đất, do đó không sai quy định pháp luật.
Căn nhà bà Thủy xây “nhầm” trên đất bà Hường đã được chính quyền quận 2 cũ hoàn công, cấp sổ đỏ |
C.T.V |
Trước tình cảnh éo le trên, Hội đồng hòa giải tranh chấp quyền sử dụng đất đã đưa ra 2 phương án: phương án 1 là đổi 2 nền cho nhau. Nghĩa là nền đất của bà Hường (thửa đất 29-49) mà bà Thủy lỡ xây nhà sẽ được đổi cho bà Thủy và nền đất của bà Thủy (thửa đất 29-50) sẽ đổi cho bà Hường. Ngoài ra, bà Thủy sẽ hỗ trợ thiệt hại các thủ tục hành chính trong việc hoán đổi nền, xin cấp phép xây dựng, thời gian xây dựng… Tuy nhiên, bà Hường không đồng ý. Bởi lẽ, theo bà Hường, ngoài những thiệt hại nêu trên, bà Hường còn đề nghị được bồi thường, hỗ trợ thêm phần chênh lệch diện tích đất, giá trị sử dụng.
Một phương án 2 được đưa ra là bà Hường đề nghị trả lại đúng thửa đất theo tài liệu bản đồ. Các bên liên quan thống nhất thuê đơn vị có chức năng thẩm định giá trị căn nhà, sau đó sẽ thương lượng, trao đổi lại trong thời gian sớm nhất.
Bà Vũ Thị Ánh Tuyết (người được bà Hường ủy quyền), cho biết hai bên không thương lượng được do bà Thủy đã không thẩm định giá trị căn nhà như đã nêu tại biên bản cuộc hòa giải. Bà Thủy cũng không tạo điều kiện để chúng tôi thực hiện việc kiểm định. Tại lần hòa giải thứ ba, chúng tôi đề nghị hỗ trợ 1,5 tỉ đồng cho việc xây dựng căn nhà. Đương nhiên phải đủ thủ tục pháp lý, như chi phí xây dựng, hoàn công. Đề nghị chính quyền địa phương ngăn chặn, can thiệp việc thu lợi trên phần đất thuộc quyền sở hữu hợp pháp và được pháp luật bảo vệ của chúng tôi, vì căn nhà đang được sử dụng để cho thuê.
Tuy nhiên sau 3 lần hòa giải đều bất thành và UBND phường An Phú đề nghị các bên tiếp tục nộp đơn đến cơ quan có thẩm quyền để được xem xét giải quyết. Như vậy, chính quyền đã đẩy trách nhiệm về phía người dân trong khi việc phát sinh tranh chấp này lỗi hoàn toàn từ phía bà Thủy và chính quyền phường An Phú.
Bởi, việc xây dựng nhà của người dân đã không được giám sát chặt chẽ, để người dân tự do xây dựng sai phép trên đất người khác. Một điều quá lạ lùng nữa là việc xây dựng nhầm lẫn này đã được chính quyền xác nhận và còn hoàn công, cấp sổ đỏ cho công trình. Mặt khác, dù đã có các chứng cứ, giấy tờ pháp lý chứng minh việc bà Thủy xây dựng sai phép, nhưng đến nay UBND phường An Phú (nay thuộc TP.Thủ Đức) vẫn chưa kiểm tra, xử lý vi phạm xây dựng công trình như chỉ đạo của UBND quận 2.