Nuôi con đặc sản “đoản thọ” ham nhai lá mì, giàu đạm ngang ngửa thịt bò, chị nông dân Tây Ninh khá giả

Có 350 chuồng nuôi dế thương phẩm, cung cấp hàng tấn dế thịt mỗi tháng, chị Nguyễn Thị Thùy Dương (xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh) vẫn không đủ dế thịt bán cho thương lái.

Chị Nguyễn Thị Thùy Dương (xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh) cho biết, hiện chị có gần 100 chuồng nuôi dế thương phẩm và bao tiêu sản phẩm 13 vệ tinh nuôi dế với 250 chuồng nuôi.

Nuôi con đặc sản "đoản thọ" ham nhai lá mì, giàu đạm ngang ngửa thịt bò, chị nông dân Tây Ninh khá giả- Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thị Thùy Dương (xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh) trong trại nuôi dế thương phẩm. Ảnh: T.Đ

Lái máy cày đi mua cây mì nuôi dế thương phẩm

16 năm trước, chị Dương lập trại nuôi dế thương phẩm khi thấy thị trường tiêu thụ rất ưa chuộng con đặc sản này.

 

“Nuôi dế cực mấy tôi cũng chịu được. Tôi tự tay lái máy cày đi mua cây mì về nuôi dế”, chị Dương vừa nói vừa lúi húi vạch đám mì trong chuồng nuôi dế thương phẩm kiểm tra đám dế đang lăng xăng chui nhủi.

Ở tỉnh Tây Ninh, đây là trại nuôi dế thương phẩm có quy mô và quy củ nhất. Tại đây, những chuồng nuôi dế thương phẩm được bê tông hóa nối dài, tươm tất. Mỗi chuồng có diện tích khoảng 4m2.

Bên cạnh đó, khu chứa 15 tủ đông dùng để dự trữ dế thịt khi giá dế thịt trên thị trường xuống thấp, và sẽ được xuất bán dế thương phẩm ra khi giá dế thịt tốt hơn.

Thật ra, theo nhiều nông dân, nuôi dế thương phẩm không cực, thậm chí là nhàn. Thêm vào đó, vốn đầu tư nuôi dế ít, vốn quay vòng nhanh (30 ngày), diện tích không cần lớn, lợi nhuận cao…

Nuôi con đặc sản "đoản thọ" ham nhai lá mì, giàu đạm ngang ngửa thịt bò, chị nông dân Tây Ninh khá giả- Ảnh 3.

Hầu hết nông dân nuôi dế thương phẩm phải biết nuôi dế sinh sản lấy trứng làm dế giống. Ảnh: T.Đ

Nhiều năm có kinh nghiệm nuôi dế, chị Dương chia sẻ, nuôi dế thành bại chỉ quyết định ở 5 ngày đầu thả giống.

 

“Sau 5 ngày thả dế giống vào chuồng nuôi, thấy dế không chết là xem như mẻ nuôi dế thương phẩm thành công”, chị Dương quả quyết.

Nuôi dế thương phẩm, chị Dương tự ấp trứng tại trại. Chị cũng tự làm ổ đẻ cho dế, bằng cách trộn xơ dừa cho vào khay. Khay được tưới nước tạo ẩm rồi cho vào chuồng nuôi. Dế cái sẽ tự lên ổ đẻ trứng.

Sau 1 ngày trong chuồng, ổ đẻ sẽ được lấy ra khỏi chuồng nuôi để thu trứng mang đi ấp.

10 ngày sau khi nở, dế con sẽ được đưa sang chuồng nuôi. Từ ngày thả dế giống đến thu hoạch dế thương phẩm là 1 tháng.

Chị Dương lưu ý, nuôi dế thương phẩm cần phải giữ vệ sinh cho chuồng sạch sẽ, thoáng mát.

Thân cây mì vừa tạo môi trường sống cho dế vừa bổ sung thức ăn tươi tự nhiên, nhưng phải thường xuyên thay mới để tránh tạo nấm bệnh cho dế. Bên cạnh việc cho dế ăn lá mì, chị Dương còn cho ăn cám công nghiệp.

Mở rộng diện tích nuôi dế thương phẩm

 

Chị Dương cho biết, thời điểm từ tháng 12 đến tháng 1 năm sau, giá dế thịt khá cao.

Hiện, giá dế thương phẩm khoảng 60.000 đồng/kg dế không trứng, và 80.000 đồng/kg dế có trứng.

Theo chị Dương, những năm qua trại nuôi dế thương phẩm hoạt động rất tốt.

Mỗi tháng, trại dế của chị Dương xuất bán 7 tấn dế tươi. Ngoài ra, mỗi ngày chị Dương còn xuất bán 200 kg dế cho chim ăn.

Bệnh cạnh bán dế tươi, chị Dương còn bán dế đông lạnh. Dế sau khi thu hoạch sẽ được luộc, hấp cho vào tủ trữ lạnh. Mỗi tháng, chị Dương bán 3 tấn sản phẩm dế loại này.

Thị trường tiêu thụ dế thương phẩm của chị Dương chủ yếu ở TP.HCM và một số tỉnh phía Bắc.

Nuôi con đặc sản "đoản thọ" ham nhai lá mì, giàu đạm ngang ngửa thịt bò, chị nông dân Tây Ninh khá giả- Ảnh 6.

Hiện, chị Dương có 13 vệ tinh nuôi dế thương phẩm với 250 chuồng nuôi. Ảnh: T.Đ

“Nhu cầu tiêu thụ dế thịt đang khá cao. Thực tế là trại nuôi dế thương phẩm của tôi chưa cung cấp đủ số lượng dế thịt cho thương lái. Tôi đang xin vay vốn để mở rộng trại nuôi dế thương phẩm”, chị Dương thổ lộ.

 

Hội Nông dân xã Tiện Thuận đánh giá, mô hình nuôi dế thương phẩm của chị Dương rất hiệu quả kinh tế, tạo nhiều công ăn việc làm cho lao động địa phương.

Hiện tại, xã Tiên Thuận có 20 hộ nuôi dế với khoảng 400 chuồng nuôi. Hội đang vận động thành lập Tổ hợp tác nuôi dế sinh sản chuẩn Việt GAP và xây dựng thương hiệu sản phẩm dế thịt OCOP.

Hiện, dế trở thành con đặc sản trong nhiều nhà hàng, quán ăn, đặc biệt là những quán có đông khách nước ngoài, khách du lịch…

Các nghiên cứu của Hiệp hội hóa chất Hoa Kỳ cho thấy giá trị dinh dưỡng trong thịt dế còn cao hơn so với thịt bò. Đặc biệt, trong thịt dế có nhiều chất sắt, hàm lượng protein nguyên chất cao nhưng ít cholesterol xấu, ít chất béo hơn thịt heo, thịt gà nên trở thành đặc sản côn trùng thơm ngon của nhiều nhà hàng, quán nhậu…

Dế mèn đẻ mỗi lần rất nhiều trứng và sau khi đẻ xong sẽ chết dần. Tuổi thọ trung bình của dế mèn từ 2 – 3 tháng tùy từng loại.

Theo các nhà dinh dưỡng học, dế mèn thậm chí còn chứa nhiều protein (chất đạm) hơn thịt bò. Cứ 100g dế thương phẩm cung cấp 21g protein trong khi đó cùng một lượng thịt bò như vậy chỉ chứa dưới 26g protein.