Anh Đinh Văn Cường, nông dân thôn Vân Minh, xã Gia Viễn, huyện Cát Tiên đang bắt đầu mùa bán trứng ốc bươu đen. Đây là một vật nuôi còn khá mới mẻ với anh Cường cũng như với nông dân thôn Vân Minh, xã Gia Viễn.
Anh cho biết, năm 2023, Hội Nông dân vận động gia đình anh nuôi thử nghiệm ốc bươu đen. Ban đầu, anh thả 13 ngàn con giống cỡ nhỏ. Sau 6 tháng nuôi dưỡng, ốc đã trưởng thành, có ốc thương phẩm và ốc cho sinh sản.
Anh Cường nhận xét: “Trước đây, ao gia đình vốn nuôi cá rô phi. Tuy nhiên, chi phí cám cao, thu nhập thấp nên khi Hội Nông dân vận động chuyển sang nuôi ốc, gia đình đã chuyển qua nuôi thử. Cá nhân tôi đánh giá, nuôi ốc hiệu quả hơn, ít công hơn, tận dụng được thức ăn kiếm quanh vườn, không tốn chi phí cám”.
Theo anh Đinh Văn Cường, ốc bươu đen rất dễ ăn. Ốc ăn đủ mọi thứ như lá sắn, quả hư, lá cây súng… mọc trong hồ. Người chăn nuôi gần như không cần chăm sóc quá nhiều, quan trọng là giữ cho môi trường nước sạch để ốc phát triển.
Ao của gia đình anh Cường có nước tự nhiên từ đầu nguồn Vườn Quốc gia Cát Tiên chảy về. Vì vậy, nguồn nước sạch, giúp ốc bươu đen không bệnh, nhanh lớn.
Nuôi ốc bươu đen tại gia đình anh Đinh Văn Cường, xã Gia Viễn, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng.
Anh Đinh Văn Cường còn thả bèo lục bình trên hồ, giúp lọc nước, tạo môi trường mát, ẩm cho ốc phát triển. Anh cho biết, ngoài thu ốc thương phẩm, ốc bươu đen còn có thể sinh sản để bán trứng. Đơn giản, người nuôi chỉ cần cắm cái cọc gỗ trên mặt ao để ốc bò lên đẻ trứng. Sau đó, gom trứng lại, bỏ thùng xốp ấp nở ốc con.
Hiện tại, nhu cầu tiêu thụ ốc bươu đen khá lớn. Anh Đinh Văn Cường đang bán ốc bươu đen với giá 60 ngàn đồng/ kg cho bà con quanh vùng. Ốc khi thu hoạch đạt khoảng 20 con/kg. Còn với trứng ốc, 1 kg trứng khoảng 8 ngàn con, có giá 70.000 đồng. Anh cho biết, bà con nhiều gia đình có ao đều mua ốc bươu đen giống về thả, cải thiện bữa ăn trong từng gia đình.
Tương tự với anh Đinh Văn Cường, ông Nguyễn Văn Thông, Thôn 4, xã Quảng Trị, huyện Đạ Tẻh chia sẻ, ao ốc của gia đình ông cũng đang cho thu nhập ổn định. Trước đây, gia đình chủ yếu thả các loại cá trắm, rô phi nuôi trong ao đất nhưng hiệu quả kinh tế chưa đạt do giá cám tăng. Sau đó, từ nguồn vốn hỗ trợ của Hội Nông dân, ông đã xuống giống hai lồng ốc bươu. Hiện tại, ao nuôi ốc của gia đình đã mở rộng, cho thu nhập ổn định hơn nuôi cá.
Theo ông Thông, nuôi ốc bươu đơn giản, thức ăn tận dụng từ những thứ có sẵn nên gần như không tốn kém chi phí chăm sóc. Đặc biệt, ốc bươu chỉ bỏ vốn mua một lần giống rồi sau đó tự nhân rộng nên phù hợp với điều kiện thực tế của người dân vùng nông thôn có sẵn ao, hồ.
Ông Nguyễn Đình Lưu – Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Gia Viễn, huyện Cát Tiên cho biết, năm 2023, Cát Tiên đã triển khai nuôi ốc bươu đen thí điểm tại một số nông hộ.
Kết quả cho thấy, con ốc bươu đen rất thích hợp với thời tiết và khí hậu Cát Tiên, sinh trưởng nhanh, hao hụt ít, cho hiệu quả kinh tế ổn định.
Năm 2024, Cát Tiên tăng cường hỗ trợ nông dân nuôi ốc bươu đen với chi phí 30 triệu đồng/mô hình. Hiện tại, riêng xã Gia Viễn đã có sáu nông hộ đăng kí.
Ông Nguyễn Đình Lưu nhận xét, ốc bươu đen vẫn là vật nuôi mới với người dân Cát Tiên. Tuy nhiên, sự phát triển của các mô hình đã cho thấy đây là vật nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao. Việc đa dạng hóa vật nuôi trên cùng diện tích ao sẽ giúp người nông dân có thêm thu nhập, đồng thời đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường.
Còn ông Trần Hùng Cường – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đạ Tẻh cho biết, từ năm 2021 tới nay, huyện đã hỗ trợ triển khai thí điểm nuôi ốc bươu đen tại một số hộ dân trên địa bàn các xã Quốc Oai, An Nhơn, Quảng Trị và Đạ Lây. Đến nay, các mô hình phát triển tốt, mang lại hiệu quả cao, được nhiều nông hộ mở rộng.
Ông Cường đánh giá, con ốc bươu đen là vật nuôi thích hợp với môi trường nông thôn Đạ Tẻh, nông dân làm quen rất nhanh kỹ thuật nuôi, cho kết quả tốt. Tuy nhiên, nông dân còn băn khoăn về vấn đề đầu ra khi nuôi ốc nhiều hơn, sản lượng tăng thêm.
Theo ông Cường, nhu cầu thị trường với ốc bươu đen rất rộng, khi đạt sản lượng cao sẽ có đầu ra quy mô lớn. Đa dạng hoá vật nuôi với con ốc bươu đen sẽ góp phần giúp người nông dân Đạ Tẻh tăng thu nhập từ diện tích ao có sẵn.