Năm 2013, chàng trai dân tộc Nùng Hoàng Văn Dũng (SN 1991, ở xóm Hồng Phong, xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) mới hoàn thành nghĩa vụ quân sự và chưa có việc làm.
Sau khi nghiên cứu tình hình thực tế tại địa phương, được gia đình hỗ trợ vốn, anh Dũng khởi nghiệp với 10 con dê ban đầu.
Anh Hoàng Văn Dũng (xóm Hồng Phong, xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) bắt đầu nuôi dê từ năm 2013. Ảnh: Hà Thanh
Thời điểm lúc bấy giờ, giá dê tương đối cao, khoảng 160.000 đồng/kg, trung bình mỗi con dê giống có giá hơn 4 triệu đồng.
Khác với nhiều người nuôi dê theo hình thức nhốt chuồng, anh Dũng đã tận dụng lợi thế của địa phương và nuôi dê chăn thả trên núi đá.
Lúc đầu do chưa có kinh nghiệm nuôi nên dê hay bị bệnh và chết. Nhưng dần dần do được tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi kết hợp với tích lũy kinh nghiệm nên anh Dũng đã khắc phục được tình trạng này.
Giống dê được anh Dũng lựa chọn nuôi là giống dê bách thảo lai Boer. Đây là giống dê có ngoại hình lớn, khá mắn đẻ, giá cao, đầu ra ổn định, thị trường tiêu thụ mạnh.
Giống dê lai Boer có ưu điểm là sức đề kháng cao, ít bệnh, lớn rất nhanh, cho sản lượng thịt lớn, năng suất cao.
Dê được anh Hoàng Văn Dũng, nông dân xóm Hồng Phong, xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ (tỉnh Thái Nguyên) thả tự nhiên trên núi đá. Ảnh: Hà Thanh.
Theo anh Dũng, khác với dê nhốt chuồng, dê thả núi đá có ưu điểm khả năng kháng bệnh cao, thịt chắc, ít mỡ, chất lượng thơm ngon mà chi phí lại rẻ hơn.
Ngoài chăn thả tự nhiên, anh Dũng còn cho dê mẹ ăn bột ngô vào thời điểm bắt đầu sinh sản để bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho dê mẹ và dê con.
“Sức khỏe của dê phụ thuộc rất nhiều vào khí hậu. Vào thời điểm giao mùa giữa mùa thu – đông, khi thời tiết nồm ẩm, hoặc thời tiết nắng nóng, dê hay bị mắc bệnh như viêm phổi, tụ huyết trùng.
Nhất là đối với dê nuôi nhốt không vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và làm chuồng cao ráo dê sẽ rất dễ viêm phổi. Vì vậy muốn hạn chế bệnh tật cho dê người nuôi cần phải tiêm phòng định kỳ” – anh Dũng cho biết.
Hiện nay, tổng đàn dê của gia đình anh Dũng có hơn 60 con được anh nuôi để sinh sản và bán thương phẩm. Với dê hậu bị thường có thời gian nuôi khoảng 10 tháng là được bán. Còn dê cái đã sinh sản thì tùy thuộc và nhu cầu và sở thích của người mua để bán.
Dê thịt và dê giống được anh Dũng bán cho các thương lái với giá 120.000 đồng/kg. Năm 2023 anh Dũng xuất bán ra thị trường khoảng 30 – 40 con dê thịt với trọng lượng bình quân 30kg/con và 10 cặp dê giống, thu về trên 100 triệu đồng.
Ngoài nuôi dê, gia đình anh Hoàng Văn Dũng, nông dân xóm Hồng Phong, xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ (tỉnh Thái Nguyên) còn nuôi thêm trâu bò. Ảnh: Hà Thanh.
Ngoài nuôi dê, gia đình anh Dũng còn nuôi thêm trâu, bò. Thời điểm giá cả ổn định, gia đình anh nuôi khoảng 20 con trâu, bò.
Sau một lứa vừa xuất bán, hiện tại số lượng đàn trâu bò của gia đình anh còn lại 7 con. Theo anh Dũng, chi phí đầu tư cho chăn nuôi trâu bò lớn hơn nuôi dê nhưng công chăm sóc lại ít hơn do chủ yếu nuôi nhốt.
Thông qua nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân và Ngân hàng Chính sách xã hội, vừa gia gia đình anh Dũng đã vay 165 triệu đồng để đầu tư chuồng trại, mua thêm đất phát triển chăn nuôi trâu, bò.
Với mô hình chăn nuôi dê và trâu bò như hiện nay đã mang lại nguồn thu nhập tương đối ổn định cho gia đình anh Dũng. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình hiệu quả, anh Dũng còn tích cực tham gia các công tác xã hội tại địa phương, được bà con tin tưởng, yêu mến.