Vợ chồng không ngủ chung: Dấu hiệu lạnh nhạt hay ‘chìa khóa’ mở ra cánh cửa hôn nhân viên mãn?

Lý do các cặp đôi ngủ riêng sau khi kết hôn

Một trong những nguyên nhân vợ chồng không ngủ chung dễ hiểu nhất là khi độ tuổi các cặp đôi chạm ngưỡng 40-50, nôm na là “hôn nhân tuổi xế chiều”. Đó là khi tuổi tác và sức khoẻ đã không còn bảo đảm, ít nhiều ảnh hưởng đời sống gối chăn. Bên cạnh đó, việc đi vào giấc ngủ cũng trở nên khó khăn hơn trước. Không phải ai ai cũng có thể chịu được tiếng ngáy to, hay thói quen trở mình của người bạn đời. Lúc này dễ hiểu ngủ riêng là cứu cánh duy nhất.\

Vợ chồng không ngủ chung: Dấu hiệu lạnh nhạt hay 'chìa khóa' mở ra cánh cửa hôn nhân viên mãn? - Ảnh 1
Ảnh minh họa: Internet

 

Thế nhưng đâu là lý do khiến các cặp đôi dù mới kết hôn, còn rất trẻ lại sẵn sàng bỏ qua những lời đồn đoán và dị nghị của người ngoài, chọn phương cách “mỗi người một nơi” khi đêm về? Dễ thấy đó là do thói quen ngủ khác biệt của từng người.

Thêm một nguyên do nữa, đó là giờ giấc làm việc và sinh hoạt của hai người khác biệt nhau. Vì đặc thù công việc từng người, xảy ra việc “người thì đi sớm – kẻ thì về muộn” cũng là điều dễ hiểu. Đó là chưa kể đến thói quen và sở thích của phần lớn các “đức lang quân” là thích thức khuya xem bóng đá hay các bà vợ thích cày phim Hàn khi đêm về. Do đó, ngủ riêng là lựa chọn thích hợp để không ảnh hưởng đến người bạn đời.

 

Vợ chồng không ngủ chung mang lại lợi ích gì?

Không phải ai kết hôn cũng giữ được nhịp sống và ngủ nghỉ như khi còn độc thân. Không ít trường hợp than phiền, hay thậm chí là đâm đơn ly dị chỉ vì không thể yên giấc cùng đối phương hoặc chí ít là không quen với việc có người nửa đêm trở mình hay tiếng ngáy quá to khiến bản thân mất giấc, đâm ra sức khoẻ và tâm lý xảy ra vấn đề. Về lâu về dài hôn nhân bị ảnh hưởng là điều không thể tránh khỏi. Nếu “đối phó” bằng cách đợi đến nửa đêm mới bỏ ra ngoài, thử tưởng tượng xem người bạn đời sẽ suy nghĩ gì khi tỉnh giấc và phát hiện người kia không bên cạnh: “Anh ấy/cô ấy có người khác? Mình không còn đủ sức hấp dẫn? Anh ấy không còn yêu mình?”…

Vợ chồng không ngủ chung: Dấu hiệu lạnh nhạt hay 'chìa khóa' mở ra cánh cửa hôn nhân viên mãn? - Ảnh 2
Ảnh minh họa: Internet

Nhiều người cho rằng việc ngủ riêng đã giúp cho chất lượng cuộc sống hôn nhân của họ đi lên rõ rệt. Không chỉ tần suất tranh cãi giảm đi, mà chính việc cải thiện giấc ngủ, khi tâm lý sảng khoái và tỉnh táo hơn, cũng cải thiện năng suất làm việc. Đó là chưa kể đến mặt tâm lý, việc “xa cách” nhau vô tình đã khiến bản thân trở nên bí ẩn và hấp dẫn hơn trong mắt người bạn đời. Đó như một thứ gia vị thêm thắt cho đời sống hôn nhân vốn dĩ đã có thể nguội lạnh ít nhiều sau thời gian dài kết hôn. Ngủ riêng lúc này được xem như một phương cách giúp hâm nóng lại tình cảm, đặc biệt là các cặp đôi đang bắt đầu xảy ra vấn đề hay có dấu hiệu hôn nhân bế tắc.

Tuy vậy, đi đến cùng chúng ta vẫn phải giải một bài toán chung cho hôn nhân: đó là sự quan tâm và thời gian bạn dành cho người bạn đời của mình là bao nhiêu? Và dĩ nhiên, sẽ không có một công thức chung hay biện pháp hữu hiệu duy nhất cho từng gia đình, việc ngủ chung – ngủ riêng cũng thế.