Trồng lan rừng, vườn đẹp như phim, nuôi thêm lợn rừng, một hội viên, nông dân Bắc Kạn giàu lên

Ngoài chăm sóc vườn lan rừng, ông Bảo (Phùng Chí Kiên, thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn) chăn nuôi lợn lai thương phẩm năm 2 lứa; nuôi lợn rừng năm một lứa. Nhu cầu tiêu thụ thịt lợn rừng lớn nên ông còn thu mua thêm về giao cho các khách hàng đặt mua.

Những năm qua, trên địa bàn phường Phùng Chí Kiên, thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn xuất hiện nhiều hội viên, nông dân năng động, sáng tạo, vươn lên làm giàu, xoá đói giảm nghèo.

Tiêu biểu là gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi- ông Lê Tuấn Bảo, sinh 1957 ở Tổ 10, phường Phùng Chí Kiên thu nhập mỗi năm hơn 600 triệu đồng từ mô hình kinh tế tồng hợp gồm trồng lan rừng, nuôi lợn rừng và nuôi lợn lai thương phẩm.

Ông Lê Tuấn Bảo đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền.

Trước đây ông Bảo tận dụng diện tích đất vườn đồi của gia đình để trồng rau, trồng cây màu và chăn nuôi lợn, gà thương phẩm.

Nhưng nhiều năm nay, khi nhiều hộ dân trong vùng trồng rau, màu xuất bán nên ông chuyển sang tìm mua các giống hoa lan rừng người dân tìm ở rừng về rồi tự nhân giống.

Ông Bảo nhân giống hoa lan rừng theo kỹ thuật, kinh nghiệm mà ông đã đi học hỏi tại nhiều hộ trồng lan rừng ở trong và ngoài tỉnh.

Vườn lan rừng của gia đình ông với nhiều loại hoa lan khác nhau và luôn duy trì khoảng 300 chậu phong lan đẹp, quý hiếm trong vườn.

Ông Bảo trồng lan rừng theo kiểu, cứ gặp khách thích mua và được giá là ông xuất bán. Thu nhập từ bán hoa lan rừng sau khi trừ chi phí, ba năm nay, mỗi năm ông thu 24 triệu đồng.

Ông Bảo chăm sóc vườn hoa lan rừng của gia đình tại tổ 10, phường Phùng Chí Kiên, TP Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn.

Ngoài chăm sóc vườn lan rừng, ông Bảo chăn nuôi lợn lai thương phẩm năm 2 lứa và nuôi lợn rừng năm một lứa xuất bán vào dịp Tết cuối năm.

Nhu cầu tiêu thụ thịt lợn rừng lớn nên ông còn thu mua thêm về giao cho các khách hàng đặt mua. Bình quân 3 năm nay ông xuất bán 5 tấn thịt lợn hơi giống lợn lai trắng và lợn rừng.

Cùng với đó gia đình ông chăn nuôi thêm gà thịt từ các giống gà ta, gà ri, gà ri lai,… duy trì gần trăm con trong chuồng chủ yếu phục vụ gia đình làm cỗ và quán ăn sáng.

Khai thác lợi thế nhà có mặt tiền rộng ngay trung tâm thành phố nên ông Bảo mở quán ăn sáng bán phở, cháo, mì, làm cơm đặt, làm cỗ đặt, tạo việc làm cho 10 lao động địa phương với thu nhập từ 300 – 400 nghìn đồng/ người/ngày công.

Thu nhập thêm từ chăn nuôi và dịch vụ cho gia đình ông trong ba năm nay, mỗi năm trên 600 triệu đồng.

Theo ông Bảo xây dựng và phát triển kinh tế mô hình nông nghiệp rất vất vả, rủi ro cao nên cần kiên trì, sáng tạo, học hỏi kỹ thuật chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh, thường xuyên cập nhật thông tin nhu cầu thị trường mới đạt hiệu quả kinh tế cao.

Ông Vũ Đại Phong – Chủ tịch Hội Nông dân phường Phùng Chí Kiên (TP Bắc Kạn) cho biết: Với sự cần cù, chịu khó, sáng tạo, ông Lê Tuấn Bảo đã xây dựng và phát triển mô hình kinh tế tổng hợp đạt hiệu quả cao.

Là hội viên nông dân tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế, ông Bảo còn tích cực tham gia các phong trào thi đua của Hội Nông dân tổ chức; gia đình ông tích cực hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh cho nhiều người dân khi có nhu cầu”.

Với những nỗ lực và đóng góp của gia đình, năm 2022 và 2023 gia đình ông Lê Tuấn Bảo đạt hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh và được nhận Bằng khen của Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn vì có thành thích xuất sắc trong Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”.