Anh Biển đã dùng ngôi nhà sàn hiếm hoi còn sót lại của bản Thái để nuôi chim bồ câu. Chuyện anh Biển bỏ nuôi lợn, nuôi gà chuyển sang nuôi chim bồ câu cũng đầy tình cờ…
Ngôi nhà sàn vui nhộn nhất Tây Bắc
“Ngôi nhà sàn vui nhộn nhất đất Tây Bắc” là danh hiệu do bà con người Thái dành cho gia đình anh Biển. Nơi này cả ngày nghe tiếng chim bồ câu “gù” nhau.
Âm thanh đó như được khuếch đại bởi tiếng giao tiếp của mấy trăm con chim bồ câu trưởng thành, khiến ai đi qua cũng không khỏi tò mò. Hôm chúng tôi đến, anh Biển đang đứng ngắm đám bồ câu trong nhà sàn.
Từ xa nhìn lại, không ai nghĩ, ngôi nhà sàn rộng cả mấy trăm m2, được làm bằng gỗ quý lại là nơi ở của chim bồ câu.
Theo bậc thang lên nhà sàn gặp anh Biển, những âm thanh của bản nhạc đồng ca kia nghe càng rõ hơn. Anh Biển đi xem các ổ chim bồ câu mà nhàn tản như một ông giáo về hưu.
Không ai nghĩ, anh đang chăm sóc cả nghìn con chim bồ câu lớn nhỏ. Trong chuồng, đám bồ câu thấy người lạ bay nháo nhác.
Anh Biển nhìn đàn bồ câu, giọng vui khó tả: “Ngày nào tôi cũng ở với chúng từ sáng tới khuya. Chăm chúng, mình cũng biến mình thành một thành viên trong thế giới của loài chim này”.
Ngôi nhà sàn bề thế của gia đình anh Biển biến thành nơi ở của đàn chim bồ câu. Mô hình nuôi chim bồ câu trên nhà sàn của anh Biển ở bản Mé Ban, phường Chiềng Cơi, TP Sơn La, tỉnh Sơn La) . Ảnh: X.T
Anh Quàng Văn Biển cho biết, nuôi chim bồ câu nhàn hạ lại rất dễ bán. Chim non đến ngày xuất chuồng là thương lái tranh nhau vào mua. Theo kinh nghiệm anh Biển đúc rút được đó là: “Muốn nuôi thành công, mình cũng phải tự biến mình thành một thành viên của gia đình bồ câu, am hiểu chân tơ kẽ tóc của loài vật mà mình muốn nuôi mới có hy vọng mang lại thành công lớn”.
Nom thấy bóng ông chủ, đám bồ câu sà xuống đòi ăn.
Trong chuồng, anh Biển để sẵn cả mấy chục cái máng ăn và bình uống nước. Đám bồ câu cứ bu quanh lấy máng ăn chỉ chờ anh Biển đổ thức ăn vào là chen chúc tranh nhau ăn.
Trong nhà sàn la liệt chim bồ câu, trên vách nhà sàn thì vô số các ô chuồng.
Phía trong đó đám bồ câu vừa đẻ đang nằm im re. Dường như chúng cũng biết bố mẹ được ăn là sắp đến lượt chúng đánh chén. Từng ô nhỏ được anh Biển phân ra rất đều.
Chim non, chim đẻ trứng, chim sắp trưởng thành đều ở trong đó. Đại gia đình chim bồ câu nom sinh sôi vô cùng nhanh.
Cứ cái đà này, chẳng mấy chốc, đàn chim của anh Biển lên đến cả vạn con. Như đoán được tâm tư của người khách lạ, anh Biển chia sẻ: “Sau hơn một tháng là tôi lại xuất bớt chim non đi. Chỉ những con nào mình chọn làm giống mới phải chăm sóc”.
Theo đó, những con muốn làm giống, anh Biển phải tách chúng khỏi mẹ. Ngày ngày anh trở thành “bảo mẫu” thay bố mẹ cho chúng ăn uống.
Chỉ khi làm như vậy, các con chim sau này mới nhận chủ. Nếu không thì mỗi khi chúng sinh sản, chủ trang trại đến gần là chúng sẽ tự hủy đi đám trứng.
Kinh nghiệm nuôi chim bồ câu này có được là nhờ những ngày tháng anh Biển ở lì trong chuồng bồ câu tìm hiểu về chúng.
Nuôi chim bồ câu được 4 năm, anh Biển đã thuộc nằm lòng đặc tính sinh hoạt của loài chim này. Con chim cái đẻ ngày nào, anh Biển phải nắm rõ. Bởi lẽ, chim cái đẻ xong là ấp, sau 4 ngày, anh Biển phải “soi” trứng.
Quả trứng nào có thể nở, anh đều biết, quả nào không nở sẽ loại ngay. Nhờ vậy mà đám chim mẹ sẽ sinh sản đúng quy trình, không để lãng phí lứa nào.
Anh Biển đã thành công nuôi cả nghìn con chim bồ câu trên nhà sàn. Ảnh: X.T.
Anh Biển cũng nghĩ ra cách cho đàn chim ăn bằng thức ăn chế biến sẵn. Theo anh Biển, chim ăn chay sẽ sinh trưởng và phát tốt hơn so với việc ăn mặn.
Thức ăn của chúng gồm có ngô nghiền và các loại rau, anh Biển cho vào máy tạo viên rồi mang phơi khô. Anh đã từng thử cho đám chim này ăn cám công nghiệp.
Ban đầu chúng phát triển nhanh, nhưng sau đôi năm con nào con nấy béo trục, béo tròn, bị lấp mề không thể sinh sản được.
Từ đôi chim non ban đầu thành đại gia đình bồ câu
Cái duyên đưa anh Biển đến với nghề nuôi chim bồ câu cũng hết sức tình cờ. Cách đây 4 năm, con dâu anh mang thai.
Con trai anh có mua đôi chim bồ câu non về tầm bổ cho vợ. Anh Biển là người gánh trách nhiệm thịt chim.
Nhìn đôi chim non chưa đủ lông đủ cánh sắp bị cho vào nồi, anh Biển thương quá liền làm cái chuồng cho chúng ở. Không ngờ việc này lại đưa tới một cái nghề hoàn toàn mới mẻ là nuôi chim bồ câu.
Bẵng đi mấy tháng, ngày con dâu anh Biển sinh hạ cũng là ngày mà đôi chim bồ câu kia ấp được 2 con chim non.
Anh Biển lại tiếp tục chăm nom lũ chim. Mỗi sáng thức giấc nghe đám chim gù nhau, anh Biển thấy sướng tai.
Cứ thế, chỉ sau 1 năm, từ đôi chim ban đầu đã lên tới mấy chục con chim bồ câu. “Cứ sau 40 ngày chim bồ câu lại đẻ một lứa. Chúng đẻ đều như vắt tranh vậy” – anh Biển chia sẻ.
Đàn chim bồ câu sinh trưởng và sinh sản quá nhanh, chẳng mấy chốc cái chuồng nhỏ mà anh Biển đóng cho chúng chật chội.
Sẵn cái nhà sàn mà mấy bữa trước anh Biển dùng để nuôi gà, anh liền chuyển thành chim bồ câu.
Chẳng mấy chốc đàn bồ câu sinh sôi nảy nở lên tới hàng trăm con. Thấy chúng sinh trưởng phát triển tốt, nên anh Biển mới sực tỉnh: “Tại sao mình lại không nuôi chim bồ câu ngay trong nhà sàn này, thay vì phải vật lộn với đám ngan, đám vịt suốt bao năm mà toàn lỗ…”.
Đến giờ, anh Biển đã có tới 200 đôi bồ câu sinh sản. Một đôi chim bố mẹ mỗi năm đẻ tới 9 lứa. Chúng dường như không bị mắc bệnh và nuôi con vô cùng khéo.
Với giá bán chim non hiện tại là 130.000 đồng/đôi thì trung bình 1 năm, 1 cặp chim bố mẹ cho thu nhập hơn 1 triệu đồng. Từ ngày chuyển sang nuôi chim bồ câu, gia đình anh có cuộc sống sung túc hơn hẳn.