Con vật này xưa ăn cho vui khi còn “đói nghèo trong rơm rạ”, nay đàng hoàng “ngự” mâm đặc sản

Bây giờ thì con dế trở thành món ẩm thực đặc sản hiếm hoi không phải nhà hàng nào cũng có. Loài côn trùng bé nhỏ ấy giữa thời cao lương mĩ vị có thừa lại được chế biến thành những món ăn hảo hạng. Nào là dế chiên giòn, dế xào sả ớt, dế chiên bột, rồi dế rang muối ớt, dế kho tiêu.

Mấy hôm nay miền Bắc, miền Trung mưa to. Bãi sông Lam đang dần chìm trong nước lụt. Chú em “bắn” qua Zalo mấy tấm ảnh chụp dế. Hàng chục con dế vàng hươm, béo tròn, đu mình trên cành cây dại giữa bãi tránh lụt. Ngắm nhìn mấy bức ảnh đó, bất chợt ký ức tuổi thơ ùa về.

Tháng tám, tháng chín là mùa đúc dế. Thời tiết cuối thu se se lạnh, trời trở heo may. Đó cũng là mùa sinh sôi nảy nở của loài côn trùng đã được ông Tô Hoài tạc thành tượng đài văn chương bất tử trong truyện “Dế Mèn phiêu lưu ký” mà hồi học lớp 3, tôi đã từng đọc say mê đến nỗi hì hục đóng tập, chép lại toàn bộ câu chuyện trước khi trả lại bạn cuốn sách hiếm hoi.

Mùa heo may. Trời lành lạnh. Bọn trẻ trong xóm rủ nhau đi bắt dế ngoài bãi từ sớm tinh mơ. Sương đẫm trên cỏ.

Con vật này xưa ăn cho vui khi còn "đói nghèo trong rơm rạ", nay đàng hoàng "ngự" mâm đặc sản- Ảnh 1.

Dế tránh lụt.

Những chú dế ăn sương còn nhởn nhơ chưa muốn về tổ. Chúng đâu biết có những cô cậu bé đang căng mắt tìm kiếm, rình mò.

Nhiều con chưa kịp chui xuống hang thì “phập”, nhát thuổng cắm xuống như một bức tường sắt chắn ngay lối thoát.

Dế ta loay hoay một lúc, co chân đạp cát tung ra khỏi miệng hang nhưng đành bất lực, chấp nhận làm “tù binh” bọn trẻ.

Mặt trời lên. Những con dế may mắn thoát nạn chui hết vào hang ẩn nấp. Những cái hang mới đào, cát đùn lên từng đụn trên miệng hang.

Đụn cát nào to, biết ngay chủ nhân đang ẩn nấp trong hang là một dế bự, rất cường tráng, chẳng hề kém cạnh so với Dế Mèn của cụ Tô Hoài.

Bọn trẻ chúng tôi gọi là dế cụ, để ám chỉ rằng nó là to nhất. Cả bọn hè nhau, huy động xô chậu và cả mũ lá xuống lạch múc nước lên đổ vào miệng hang.

 

Nước chưa kịp chảy đã bị cát nuốt chửng. Nhưng bọn trẻ không nản. Cuối cùng thì đất cát cũng đã có vẻ no nước.

Còn gì sung sướng hơn khi trước miệng hang, nước chưa kịp ngót bỗng xuất hiện hai cái “cần ăng ten” như hai sợi tóc rung rinh nhô lên rồi một mảng nâu bóng lộ dần.

Cụ dế vừa lóp ngóp ngoi lên chưa kịp thở đã bị bọn trẻ chộp ngay lập tức.

Khi mặt trời lên cao độ con sào, cuộc săn dế kết thúc. Bọn trẻ hè nhau “thu quân”.

Giờ thì trong đầu chúng chỉ nghĩ đến món dế nướng thơm lừng. Ở nhà quê, chỉ cần vậy thôi là bọn trẻ đã cảm thấy sung sướng lắm.

Những con dế mang về rửa sạch, cắt cánh, rút cái “bình vôi” (ruột và dạ dày dế) ra khỏi bụng rồi lùi vào bếp. Trong chốc lát, mùi dế tỏa ra nức mũi.

Dế thui chín rồi, lôi ra khỏi bếp, hai tay tráo đi tráo lại cho đỡ nóng, miệng thổi phù phù cho bay hết tro bếp. Và, cái động tác cuối cùng mới hấp dẫn làm sao.

Nhón răng cắn dế từng tí một để mà nhấm nháp, mà thưởng thức được lâu hơn cái vị thơm, béo ngậy của nó cho bõ công đúc dế cả buổi.

Bây giờ thì dế trở thành món ẩm thực đặc sản hiếm hoi không phải nhà hàng nào cũng có.

Loài côn trùng bé nhỏ ấy giữa thời cao lương mĩ vị có thừa lại được chế biến thành những món ăn hảo hạng. Nào là dế chiên giòn, dế xào sả ớt, dế chiên bột, rồi dế rang muối ớt, dế kho tiêu.

Nhưng tất cả vẫn không qua mặt được món dế nướng lùi tro bếp của bọn trẻ ngày xưa.

Bởi cách ăn uống đậm chất tự nhiên ấy chính là hồn quê, hình ảnh đó không thể nào phai trong tâm trí những ai đã từng trải qua cái thời “cả dân tộc đói nghèo trong rơm rạ”.