Tiên phong nuôi loại mãng xà ở Sóc Trăng, anh Bình đã xây dựng được cơ sở chuyên canh rắn hổ mang rộng 400m2 với hơn 1.500 chuồng rắn, sức chứa được 10.000 con rắn giống và rắn thương phẩm.
Dắt chúng tôi tham quan trại nuôi rắn, hàng ngàn chuồng rắn được xây dựng theo dạng hộc nhỏ, thiết kế lưới mắt nhỏ giúp không gian thoáng, bên trong đổ lớp đất kho dày khoảng 5cm để rắn trú ngụ.
Để thành công, bắt buộc phải đầu tư nuôi riêng từng con, dù chi phí đầu tư mỗi chuồng nuôi trung bình 100.000-150.000 đồng, nhưng hiệu quả cao hơn so nuôi tập trung nhiều con trong một khu lớn.
Theo anh Bình, lựa chọn nuôi các loại vật nuôi hoang dã để phát triển kinh tế là hướng đi riêng biệt, ít “đụng hàng”, nên trước đây anh đã từng nuôi ba ba, nuôi trăn. Nhưng được một thời gian thì thị trường bão hòa, khó khăn đầu ra nên dẫn đến thu nhập không cao.
Tình cờ biết được mô hình nuôi rắn hổ mang nên anh tìm hiểu và quyết định chuyển đổi sang mô hình nuôi rắn.
“Sau khi tìm hiểu, tôi nhận thấy khi đó ở miền Tây chưa có nhiều người nuôi, nhu cầu tiêu thụ tại nhà hàng, quán ăn nhiều. Vậy nên tôi quyết định cải tạo chuồng trăn, tìm mua rắn giống nuôi thử nghiệm”, anh Bình kể.
Năm 2015, anh mua 70 con giống tại trại nuôi ở tỉnh Vĩnh Long với giá 100.000-120.000 đồng/con. Nhưng do chưa có kinh nghiệm, cũng như nguồn giống trôi nổi nên rắn giống chết hơn một nửa.
Không nản lòng, với kỹ thuật được đúc kết trong quá trình nuôi, anh còn miệt mài tìm tòi, cập nhật thông tin trên mạng và đến các trại nuôi rắn để học hỏi. Từ đó xây dựng chuồng nuôi hợp lý và áp dụng kỹ thuật phù hợp hơn trong quá trình nuôi và thành công.
Anh Bình kiểm tra rắn hổ mang đang nuôi trong trang trại của gia đình tại xã Mỹ Tú, huyện Mỹ Tú, (tỉnh Sóc Trăng). Vì rắn hổ mang là động vật hoang dã nên anh Bình phải làm thủ tục đăng ký nuôi với ngành kiểm lâm.
Từ số lượng vài chục con giống ban đầu, đến nay anh đã nhân đàn thành công, sở hữu đàn rắn lên đến hàng chục ngàn con, trong đó hơn 1.300 con rắn bố mẹ và hơn 3.000 con rắn giống.
Theo anh Bình, rắn hổ mang nhẹ công chăm sóc, là loại động vật hoang dã nên ít dịch bệnh, thị trường tiêu thụ mạnh, giá trị kinh tế cao, thu lợi nhuận cao…
Do rắn hổ mang là động vật hoang dã nên khi nuôi cần phải đăng ký với Chi cục kiểm lâm để đảm bảo tính an toàn, xây dựng chuồng nuôi đạt chuẩn theo quy định, đảm bảo an toàn cho cả người nuôi và mọi người xung quanh…
Là vật nuôi khá nguy hiểm, nên các khu chuồng nuôi được anh xây dựng biệt lập với các hộ dân lân cận. Mỗi khu đều được xây dựng kiên cố bằng bê tông, có cửa khóa chắc chắn. Rắn giống được nuôi trong chuồng, riêng rắn bố mẹ được nuôi trong hộc che chắn kỹ bằng lưới sắt mắt nhỏ.
Nơi rắn ở phải khô ráo, thoáng mát, không bị dột nước, đảm bảo nhiệt độ ổn định 30-32 độ C. Anh Bình còn phân chia thành các khu nuôi riêng biệt để dễ quản lý và chăm sóc, với tổng cộng 4 khu vực chuồng nuôi, như khu nuôi dưỡng rắn giống, nuôi rắn thương phẩm, nuôi rắn giống bố mẹ, nuôi rắn sinh sản.
Rắn hổ mang là loài dễ nuôi, ít công chăm sóc. Khoảng 5 ngày cho rắn ăn một lần bằng thịt vịt con hoặc bổ sung cá rô phi. Mỗi con rắn nặng 1,5-2kg tốn 0,2-0,3kg mồi ăn.
Tuy nhiên, người nuôi cần chú ý bổ sung men tiêu hóa thường xuyên cho đàn rắn, tránh bệnh đường ruột. Sau khi cho ăn phải tiến hành vệ sinh chuồng trại sạch sẽ.
Theo anh Bình, môi trường ở miền Tây rất thích hợp nuôi rắn hổ mang vì thời tiết nóng nên thời gian ngủ đông của rắn được rút ngắn hơn so với các tỉnh phía Bắc. Mỗi năm, anh chỉ cho rắn ngủ đông hơn 1 tháng. Hết thời gian ngủ đông, anh sẽ cho rắn ăn khoảng 5-6 cữ mồi thì bắt đầu cho giao phối.
Để nhân đàn, anh chọn cách tự phối giống chứ không mua từ bên ngoài vừa tiết kiệm chi phí, lại quản lý được chất lượng. Vào tháng 9, tháng 10 âm lịch, khi thấy đàn rắn có dấu hiệu bỏ ăn, di chuyển nhiều thì đem cho phối giống.
Sau khoảng 45 ngày, mỗi rắn cái đẻ 20-25 trứng. Ổ trứng được đem ấp ở khu riêng, khi nở lại tiếp tục được chuyển sang khu nuôi rắn con. Rắn nuôi chừng 5 tháng đạt 0,5-0,6kg được đưa lên khu nuôi thương phẩm.
Hiện thương lái thu mua rắn loại 1 trọng lượng từ 1,6kg trở lên với giá 600.000-650.000 đồng/kg. Mỗi năm, trang trại của anh Bình bán ra thị trường gần ba tấn rắn thịt, hàng nghìn rắn giống. Sau khi trừ chi phí, anh thu lãi gần 1 tỷ đồng.
Bằng sự gan dạ và nhẫn nại, anh Bình đã thành công khi thuần phục được loài vật nuôi nguy hiểm này để tăng lợi nhuận “khủng” cho gia đình.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Tú, (tỉnh Sóc Trăng) trại rắn của anh Bình tuân thủ các quy định về chăn nuôi động vật hoang dã, an toàn và biệt lập. Đây là mô hình kinh tế hiệu quả của địa phương, đem thu nhập cao cho nông dân.