Hiệu quả kinh tế cao nhờ nuôi ruồi lính đen
Từ năm 2019, anh Lê Phước Sang (ở thị trấn Mỹ Thọ, TP.Cao Lãnh, Đồng Tháp) đã thử nghiệm mô hình nuôi ruồi lính đen kết hợp chăn nuôi trang trại, với quy mô khoảng 70m2. Anh Sang cho biết, để nhân cấy được đàn ruồi lính đen là việc vô cùng khó khăn bởi sinh vật này khó thích nghi với thời tiết nóng nên thời gian đầu thử nghiệm, đàn ruồi bị chết nhiều. Để khắc phục tình trạng thời tiết nóng, anh sử dụng quạt phun sương làm mát cho ấu trùng phát triển tốt. Ngoài ra, anh đi nhiều nơi để tìm và chọn lọc nguồn con giống có chất lượng nhằm đảm bảo việc nuôi cấy.
Qua 1 năm thử nghiệm, việc nuôi rồi lính đen đã đi vào “guồng quay” ổn định nên anh Sang mở rộng diện tích nuôi ruồi lính đen lên khoảng 5.000m2. Hiện anh sử dụng ấu trùng ruồi lính đen làm thức ăn cho gà, vịt với tổng đàn hơn 2.000 con. Anh Sang cũng tận dụng ấu trùng trộn với cám, sau đó ép ra viên làm thức ăn cho đàn cá trê, cá rô…
Tương tự, mô hình nuôi ruồi lính đen làm thức ăn cho vật nuôi của anh Lê Minh Hiền (ở ấp Phước Hữu, xã Long Phước, TP.Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) mấy năm nay cũng rất thành công. Hiện trang trại nuôi ruồi lính đen của anh Hiền có diện tích khoảng 200m2, với mỗi lần nuôi khoảng 1 gram trứng sẽ ra được 300kg ấu trùng thương phẩm trong vòng 12 ngày.
Với số lượng nuôi là 300kg ấu trùng ruồi lính đen/12 ngày, với cách phối trộn thủy phân ấu trùng ruồi lính đen, thủy phân cá cộng với bã đậu và vi sinh, anh Hiền có thể thay thế hoàn toàn thức ăn công nghiệp cho đàn vịt 1.400 con, 400 con gà và hàng trăm con cá các loại đang được nuôi tại trang trại của gia đình.
Ngày 18/3/2024, Bộ NNPTNT đã ban hành văn bản thông báo ý kiến của Bộ trưởng Bộ NNPTNT đồng ý triển khai phương án nuôi, quy trình chăn nuôi và quản lý, kiểm soát hoạt động nuôi ruồi lính đen tại Công ty TNHH Entobel Bà Rịa – Vũng Tàu và Công ty TNHH Entobel Đồng Nai.
Từ cách phối trộn thức ăn này, anh Hiền nhẩm tính chưa đến 3.000 đồng/kg thức ăn, rẻ hơn trên 50% chi phí 1kg cám công nghiệp đang tăng cao như hiện nay.
Anh Hiền so sánh, với khoảng 1.000 con vịt nuôi thương phẩm, với giá cám công nghiệp như hiện nay, người chăn nuôi tốn khoảng 80 triệu đồng tiền cám công nghiệp cho vịt từ khi nuôi đến khi xuất chuồng. Còn với cách nuôi từ ấu trùng ruồi lính đen thủy phân này chỉ tốn khoảng 35 triệu đồng tiền chi phí thức ăn.
Bà Đinh Thị Phương Khanh – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Long An cho biết, để chủ động được nguồn thức ăn chăn nuôi trong nước, các địa phương, doanh nghiệp cần ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong đó nuôi ruồi lính đen là một trong những cách làm hiệu quả, giúp người chăn nuôi giảm chi phí sản xuất.
Các nước châu Âu và Mỹ rất ưa chuộng ruồi lính đen vì năng suất sinh học cao tới 10.000 tấn protein/ha. Việt Nam có điều kiện phù hợp với nuôi loài côn trùng này. Tỉnh Long An cũng có chủ trương cho các hộ dân và doanh nghiệp phát triển nuôi ruồi lính đen.
Tiềm năng phát triển ruồi lính đen quy mô công nghiệp
Theo Cục Chăn nuôi, ấu trùng ruồi lính đen hiện đang được sử dụng khá phổ biến để làm thức ăn cho lợn, gà và chim cút, thay thế bột cá, bột đậu nành. Ấu trùng ruồi lính đen cũng có thể thay thế bột cá trong khẩu phần cho nhiều đối tượng nuôi cá nước mặn và nước ngọt như các loại cá da trơn, cá hồi vân, cá rô phi, cá trê lai… Ngoài ra, vỏ cứng của nhộng ruồi lính đen còn là nguồn chitin sử dụng trong dược phẩm.
Trên thị trường hiện nay, trứng ruồi lính đen có giá từ 5 – 6 triệu đồng/kg; ấu trùng ruồi lính đen giá 10.000 – 15.000 đồng/kg. Chính vì vậy, ruồi lính đen được ví là côn trùng bạc tỷ, là mô hình chăn nuôi có tiềm năng đem lại giá trị kinh tế cao.
Ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, ruồi lính đen đã được chính thức cho phép nuôi theo quy định Nghị định 46/2022 hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các chủ trang trại, cơ sở chăn nuôi và doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi ruồi lính đen đúng quy trình, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Theo ông Chinh, gọi là ruồi, nhưng đây là loại côn trùng mà khi trưởng thành, nó không ăn bất cứ thức ăn gì. Do vậy ruồi lính đen rất an toàn và đã được nhiều quốc gia trên thế giới đưa vào nuôi để xử lí chất thải và làm thức ăn chăn nuôi, tách chiết protein, dầu…
Ruồi lính đen đã được Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) công nhận là giống côn trùng được ưu tiên xử lý rác thải hữu cơ rất hiệu quả và nó cũng thải ra lượng hữu cơ, làm phân bón giàu dinh dưỡng.
Điểm nhấn của phương pháp sử dụng ấu trùng ruồi lính đen để xử lý rác thải hữu cơ đó là không gây ra mùi hôi, nguồn nước thải, gây hiệu ứng nhà kính và làm giảm thể tích chất thải đến 90%. Một ưu điểm khác của phương pháp này là giảm thiểu đáng kể chi phí thu gom, vận chuyển và chôn lấp chất thải hữu cơ, bởi thức ăn của loài sinh vật này chủ yếu từ các loại rau, củ, quả, thức ăn thừa, chất thải của vật nuôi…
Đặc biệt, ấu trùng của ruồi lính đen là nguồn thức ăn hấp dẫn và giàu dinh dưỡng để nuôi gà, lợn, cá… Theo nghiên cứu, trong ấu trùng ruồi lính đen chủ yếu là thành phần của amino acid, hàm lượng chất béo, hàm lượng chất khoáng khá đầy đủ và khá cao, thích hợp cho việc làm thức ăn chăn nuôi gà. Độ đạm trong ấu trùng tươi chiếm từ 20 – 22%, có hệ vi sinh vật cộng sinh trong đường tiêu hóa và hàm lượng canxi cao thuận lợi làm thức ăn cho động vật.
Hiện nay, một số doanh nghiệp FDI đang thăm dò về việc nuôi ruồi lính đen cho sản xuất thức ăn chăn nuôi. Entobel – dự án khởi nghiệp (startup) mảng sản xuất thức ăn chăn nuôi từ côn trùng đã gọi vốn thành công 30 triệu USD. Startup này đã xây dựng nhà máy sản xuất và chế biến côn trùng tại tỉnh Đồng Nai với công suất hàng năm lên tới 1.000 tấn bột thức ăn chăn nuôi.
Về kỹ thuật nuôi ruồi lính đen, ông Tống Xuân Chinh cho biết: Sắp tới Cục Chăn nuôi sẽ xây dựng thông tư hướng dẫn kỹ thuật nuôi ruồi lính đen, nhằm đảm bảo bà con nông dân, cơ quan nhà nước có công cụ giám sát, quản lý, nuôi ruồi lính đen hiệu quả.