Được một người bạn mách, ông Phạm Ngọc Thư (xóm Ó, xã Yên Lạc, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) bắt tay vào nuôi rắn hổ mang bành từ những năm 2007 – 2008, khi đang là cán bộ y tế học đường.
Là người rất sợ rắn nên khi bạn bè mách nước, ông Thư tương đối do dự. Ban đầu ông chỉ mua vài con về nuôi thử nghiệm, sau đó nhân đàn ngày một nhiều thêm. Đến nay, đàn rắn của gia đình ông đã lên tới hơn 800 con.
Theo ông Thư, kỹ thuật chăm sóc rắn hổ mang bành không quá khó khăn, chỉ cần đảm bảo điều kiện chuồng trại mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông và thi thoảng vệ sinh sạch sẽ.
Hiện ông Thư đang áp dụng hai hình thức nuôi là chuồng bệt và chuồng tầng. Ưu điểm của chuồng tầng là diện tích ít nhưng lại có thể nuôi số lượng lớn và việc chăm sóc rắn cũng dễ dàng hơn.
Rắn hổ mang là loài chịu được nhiệt độ cao, nhưng nhiệt độ phù hợp nhất để con rắn phát triển là từ 20 – 28 độ C. Nếu thời tiết lạnh dưới 20 độ C, rắn không tiêu hóa được nên sẽ không ăn.
Ông Phạm Ngọc Thư (xóm Ó, xã Yên Lạc, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) bắt đầu nuôi rắn hổ mang bành từ khoảng những năm 2007, 2008. Ảnh: Hà Thanh
Hiện, gia đình ông Thư nuôi khoảng 800 con rắn hổ mang bành. Ảnh: Hà Thanh
“Trước đây, nguồn thức ăn của rắn chủ yếu là con cóc, nhưng do cóc ngày càng hiếm nên giờ tôi chuyển sang cho ăn vịt con thải loại mua từ các từ lò ấp về” – ông Thư chia sẻ.
Hiện nay, ông Thư chủ yếu nuôi rắn sinh sản do có ưu điểm chi phí thức ăn ít hơn. Nếu như rắn thương phẩm khoảng 3 – 4 ngày là phải cho ăn một lần thì rắn sinh sản khoảng 5 – 7 ngày mới phải cho ăn.
Về cơ bản rắn hổ mang rất ít khi mắc bệnh, chỉ thỉnh thoảng mắc bệnh phổi vào mùa đông và đi ngoài vào mùa hè. Để khắc phục, chỉ cần cho uống kháng sinh trộn với thức ăn là ổn. Thời gian chăm sóc rắn cũng ít vì mấy tháng mùa đông rắn không ăn nên tương đối nhàn.
Nếu ngoài tự nhiên, thời gian động dục và sinh sản của rắn hổ mang thường vào mùa nóng, khoảng từ tháng 4 trở đi.
Tuy nhiên, ông Thư có cách giúp điều chỉnh thời gian động dục và sinh sản của rắn sớm hơn bằng việc thắp điện, ủ ấm trong chuồng vào mùa đông để kích thích rắn ăn. Khi rắn ăn vào mùa lạnh cũng đồng nghĩa với việc rắn sẽ đẻ sớm hơn so với thời tiết ngoài tự nhiên.
Rắn hổ mang bành có ưu điểm rất ít khi mắc bệnh. Ảnh: Hà Thanh
Ngoài nuôi rắn, ông Thư còn bắt tay vào nuôi dúi thử nghiệm khoảng hơn 1 năm nay. Ảnh: Hà Thanh
Mỗi năm rắn hổ mang chỉ đẻ trứng một lần, mỗi lần đẻ từ 20 – 25 quả trứng. Ông Thư đang bán trứng rắn sang Vĩnh Phúc để xuất bán đi Trung Quốc, với giá trung bình 50.000 đồng/quả.
Nếu giá cả ổn định, trung bình mỗi năm gia đình ông Thư có thu nhập vài trăm triệu đồng từ nuôi rắn. Hiện nay bên cạnh mô hình nuôi rắn, ông Thư còn mới đưa vào thử nghiệm mô hình nuôi dúi. Sau hơn 1 năm, gia đình ông Thư đang có khoảng 40 con dúi, trong đó có 30 dúi cái và 10 dúi đực.
Dúi là con vật đẻ quanh năm không phân biệt mùa, quy trình chăm sóc cũng tương đối đơn giản. Ngoài tre nứa, ông Thư còn cho dúi ăn kết hợp thêm mía, bột ngô và cơm. Đặc biệt, thức ăn của dúi không thể thiếu xương giúp bổ sung canxi giúp răng dúi chắc khỏe.
Con dúi cũng rất ít khi mắc bệnh, tuy nhiên cần chú ý nếu nhiệt độ quá cao trên 35 độ C, dúi mẹ rất dễ bỏ con và ăn con, đồng thời chất lượng dúi con khi sinh ra sẽ không đảm bảo.
Theo ông Thư, so với các mô hình nuôi gà lợn như trước kia, mô hình nuôi rắn và dúi như hiện nay của gia đình ông ít rủi ro mà mang lại hiệu quả kinh tế tương đối cao.
Ông Lại Tiến Biên – Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Lạc đánh giá: Qua thời gian theo dõi, Hội Nông dân xã Yên Lạc nhận thấy mô hình nuôi rắn hổ mang bành của gia đình ông Phạm Ngọc Thư rất hiệu quả, đầu ra tương đối ổn định, mang lại thu nhập kinh tế cao. Đến nay, mô hình nuôi rắn của gia đình ông Thư đã được cấp phép về chăn nuôi động vật hoang dã.
“Cùng với đó, gia đình ông Thư cũng đang thí điểm mô hình nuôi dúi sinh sản, bước đầu mang lại hiệu quả. Do đó, trong thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ hỗ trợ để gia đình hoàn tất thủ tục hồ sơ đăng ký chăn nuôi động vật hoang dã đối với mô hình nuôi dúi này” – ông Lại Bích Liên cho biết thêm.