Bà Lê Thị Cái – Ở xóm 3, thôn 5, xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận) là một ví dụ về chuyển đổi cơ cấu cây rau.
Bà Cái xuất thân trong gia đình nghèo, quanh năm đeo bám ruộng vườn để kiếm sống. Sớm nhận thấy canh tác lúa chỉ đảm bảo được gạo ăn nên năm 2015 bà Cái quyết định chuyển đổi 3 sào lúa sang trồng thanh long.
Tuy nhiên đến khi thu hoạch thì trái thanh long mất giá, đời sống gia đình bà Cái vốn đã khó lại càng khó khăn hơn.
Không khuất phục trước hoàn cảnh, bà Cái chủ động tìm tòi, học hỏi, đưa một số loại cây ngắn ngày vào trồng thử nghiệm trên diện tích đất của gia đình.
Năm 2018, thấy cây ngò gai bản địa dễ trồng, năng suất khá, đầu ra ổn định nên bà chủ động tìm xin giống về trồng xen canh trong vườn thanh long.
Ban đầu bà trồng thử 500m2, sau đó mở rộng lên 1 sào, đến năm 2020 tăng lên 3 sào và sản xuất ổn định cho đến nay.
Bên ruộng rau ngò gai (rau mùi tàu) tốt um, bà Lê Thị Cái, nông dân xóm 3, thôn 5, xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận) đang cắt thứ rau thơm này để bán.
Để cây ngò gai phát triển tốt, bà Cái thu dọn toàn bộ gốc, cành thanh long.
Tận dụng trụ bê tông có sẳn, bà mua lưới cách nhiệt giăng trên đầu trụ để che nắng, giữ ẩm cho ngò phát triển.
Bà cho biết, so với các giống ngò hiện có trên thị trường thì ngò gai bản địa không những dễ trồng mà còn dễ chăm sóc, có thể sử dụng cây con hoặc hạt để nhân giống.
Ruộng trồng rau ngò gai-thứ rau gia vị có mùi thơm của gia đình bà Cái, nông dân xóm 3, thôn 5, xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận).
Trước khi gieo hạt rau ngò gai tiến hành làm đất, xử lí cỏ dại và lên liếp theo qui cách.
Lên liếp trồng rau ngò gai theo cách sau: liếp cách liếp 40cm, mặc liếp rộng 1,5m và cao 15cm so với mặt đất để hạn chế tình trạng ngập úng vào mùa mưa, độ dài liếp tùy thuộc vào diện tích của vườn; bình quân mỗi sào bà lên 20 liếp.
Sau khi tiến hành gieo hạt chỉ cần tưới nước phun sương để giữ ẩm cho các liếp, kết hợp nhử thuốc ngừa sâu ăn hạt; chỉ sau 10_15 ngày thì hạt ngò nảy mầm và sau 3 tháng thì có thể thu hoạch…
Bà Cái cho biết: “Bên cạnh ưu điểm dễ trồng, dễ chăm sóc, cây rau ngò gai bản địa còn có đặc tính kháng bệnh cao, ít bị thối nhũn, chết cây…”.
“Hơn nữa nhờ phủ lưới cách nhiệt nên ngò không bị cháy nắng, sinh trưởng và phát triển tốt, ít bị cỏ dại và sâu bệnh tấn công nên hạn chế đáng kể việc bón phân, phun thuốc.
Bình quân chi phí phân, thuốc mỗi tháng cho 3 sào ngò chưa đầy 1 triệu đồng…”, bà Lê Thị Cái cho biết thêm.
Không chỉ ít chi phí đầu tư, một điểm mạnh nữa của cây ngò gai bản địa là sau khi thu hoạch cây có thể tái phát triển từ gốc và cho thu hoạch đến 4 lần, nhờ vậy với 3 sào ngò bà Cái thu hoạch thường xuyên.
Đặc biệt, thị trường tiêu thụ đối với cây trồng này cũng khá ổn định với giá dao động từ 15.000_22.000 đồng/kg tùy từng thời điểm.
Với mức giá này, cộng với năng suất thu hoạch bình quân 30kg ngò/3 sào/ngày, bà Cái thu nhập mỗi ngày từ 450_660 nghìn đồng.
Vị chi mỗi tháng bà thu nhập từ 13,5 triệu_ gần 20 triệu đồng; trừ chi phí còn lãi từ 12,5_gần 19 triệu đồng, cao hơn nhiều so với canh tác lúa (gấp 10 lần).
Chính nhờ những ưu điểm vượt trội, kĩ thuật canh tác phù hợp, thị trường tiêu thụ ổn định, bán với giá khá cao, cây ngò gai bản địa đã đem đến cho bà Lê Thị Cái cuộc sống sung túc, thoát khỏi cảnh nghèo khó, vươn lên trở thành hộ khá giả ở địa phương.
Gần đây, mô hình thâm canh ngò của bà đã được nhiều hộ dân trong xã học hỏi, nhân rộng; không ít hộ đã mạnh dạn chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng ngò gai, góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên cùng diện tích đất, cải thiện thu nhập cho gia đình.