Loài cây tưởng thơ mộng ở miền Tây thế mà Long An coi là vấn nạn, còn đặt hàng chế tạo máy để vớt

Tại cuộc họp báo thông tin về tình hình phát triển kinh tế – xã hội quý I và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm quý II năm 2024 do UBND tỉnh Long An tổ chức mới đây, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An Đinh Thị Phương Khanh cho biết, vớt lục bình là “bài ca muôn thuở” của Long An.

Loài cây tưởng thơ mộng ở miền Tây thế mà Long An coi là vấn nạn, còn đặt hàng chế tạo máy để vớt- Ảnh 1.

Nhiều năm liền, tỉnh Long An kêu gọi ra quân vớt lục bình nhưng tình hình lục bình xâm chiếm sông, kênh, rạch vẫn diễn ra trầm trọng. Ảnh: T.Đ

Thiếu đồng bộ nên vớt lục bình chưa hiệu quả

Lâu nay, tình trạng lục bình xâm lấn làm tắc nghẽn dòng chảy xảy ra ở nhiều đoạn sông, kênh, rạch tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Long An, gây rất nhiều khó khăn cho các phương tiện đường thủy lưu thông.

 

Mặt khác, tình trạng lục bình lấn chiếm kênh, rạch còn gây ô nhiễm môi trường và thiếu nước sinh hoạt.

Hiện tại, các địa phương bị lục bình xâm chiếm nhiều là TP.Tân An, huyện Bến Lức, Đức Huệ, nhất là các huyện thuộc Đồng Tháp Mười.

Theo bà Khanh, liên quan tới chuyện vớt lục bình, tỉnh đã làm nhiều năm, nhưng chưa hiệu quả. Việc vớt lục bình trên sông để khai thông dòng chảy là “bài ca muôn thuở” ở Long An.

Việc UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo hàng năm vào tháng 4, các huyện, thị xã ra quân đồng loạt vớt lục bình trên địa bàn, theo bà Khanh chỉ đơn thuần là… hoạt động chứ không thể chấm dứt tình trạng lục bình xâm chiếm sông, rạch do thiếu đồng bộ.

Bà Khanh cho rằng, để chấm dứt tình trạng lục bình dày đặc trên các sông, kênh, rạch, không chỉ các huyện, thị xã ở Đồng Tháp Mười mà cả các tỉnh lân cận Long An, như Tiền Giang, Đồng Tháp… cũng phải đồng loạt vớt lục bình.

Loài cây tưởng thơ mộng ở miền Tây thế mà Long An coi là vấn nạn, còn đặt hàng chế tạo máy để vớt- Ảnh 3.

Vớt lục bình để khơi thông đường thủy cho ghe tàu trên địa bàn tỉnh Long An. Ảnh: T.Đ

Thậm chí, tỉnh Long An phải đóng tất cả các cống sông, rạch “để nước đứng một chỗ thì mới mong giải quyết vấn nạn lục bình”.

“Hiện, do các địa phương chưa làm đồng bộ nên lục bình cứ theo dòng chảy trên sông hết chỗ này đến chỗ kia. Vừa vớt chỗ này xong, quay lại chỗ cũ đã thấy có lục bình”, bà Khanh thổ lộ.

Được biết, trước đây, mỗi năm, tỉnh Long An tốn khoảng 2 tỷ đồng chi phí trục vớt, xử lý lục bình trên sông nhằm khai thông dòng chảy.

Tuy nhiên, từ sau năm 2018 trở lại đây, tỉnh chỉ đạo các địa phương tự cân đối nguồn kinh phí dự phòng và kinh phí sự nghiệp môi trường được cấp hàng năm để huy động các phương tiện, lực lượng đẩy mạnh công tác vớt lục bình trên sông, kênh, rạch.

Chế tạo máy vớt lục bình

 

Tại cuộc họp báo trên, liên quan đến việc vớt lục bình trên sông, ông Nguyễn Minh Hải, Giám đốc Sở KH – CN tỉnh Long An cho biết, Sở KH-CN được phân công, phối hợp các sở, ngành để vớt lục bình trên sông, kênh, rạch. Nhiệm vụ của Sở là nghiên cứu làm ra thiết bị vớt lục bình. Tuy nhiên, cái máy vớt lục bình đầu tiên đã không thành công.

“Hiện, Sở đang làm đề tài ứng dụng phương tiện cơ giới vào việc vớt, diệt lục bình cấp bộ do tỉnh đặt hàng. Về tiến độ, đến hôm nay sắp hoàn thành thiết bị. Nếu được nghiệm thu và thương mại hóa thì đây là cơ hội để cung cấp thiết bị trục vớt lục bình”, ông Hải cho biết.

Trước đó, vì nạn lục bình khá nhiều trên kênh rạch, cản trở lưu thông nên tháng 12/2015, tỉnh Long An ký hợp đồng chế máy vớt lục bình với một đơn vị ở TP.HCM, chi phí đầu tư hơn 3 tỉ đồng.

Tuy nhiên, trong quá trình chế tạo, đơn vị thi công liên tục xin gia hạn hợp đồng do máy trục trặc, bị nghiêng khi chạy và không thể băm nhỏ được lục bình. Máy vớt lục bình được gia hạn đến tháng 4/2017 nghiệm thu nhưng tiếp tục không đạt yêu cầu nên phải thanh lý hợp đồng.

Loài cây tưởng thơ mộng ở miền Tây thế mà Long An coi là vấn nạn, còn đặt hàng chế tạo máy để vớt- Ảnh 6.

Năm 2015, tỉnh Long An đã thuê chế tạo máy vớt lục bình nhưng không thành công. Ảnh: T.Đ