Cùng với cây lúa, con tôm là thế mạnh chủ lực, xã Đông Yên (huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang) có nhiều mô hình nuôi thủy sản nước ngọt cho hiệu quả kinh tế cao như nuôi cá, lươn, ếch…
Hiện toàn xã có 30 hộ nuôi ếch với sản lượng cung ứng ra thị trường từ 20-80 tấn ếch thương phẩm/năm.
Tuy nhiên, có thời điểm giá ếch giảm chỉ còn 30.000 đồng/kg, thấp hơn giá thành từ 2.000-5.000 đồng/kg khiến nông dân thua lỗ.
Sinh ra ở Vàm Cái Nước trong một gia đình nông dân, anh Phan Văn Phê luôn trăn trở về một hướng đi mới để nông sản quê nhà gia tăng giá trị, giúp người dân thoát nghèo, làm giàu trên chính đồng đất quê nhà.
Để có thêm kiến thức về nuôi trồng thủy sản, anh Phê đăng ký học lớp Trung cấp thủy sản K10-01 của Trường Trung cấp nghề vùng U Minh Thượng.
Tại đây, anh được thầy cô gợi mở nhiều vấn đề bổ ích thiết thực từ thực tế sản xuất nông nghiệp của tỉnh nhà, những trăn trở của người cán bộ tâm huyết với ruộng đồng ấy một lần nữa được đánh thức.
Anh Phan Văn Phê (bìa phải) tham quan trại nuôi ếch thương phẩm của thanh niên trong xã xã Đông Yên, huyện An Biên (tỉnh Kiên Giang). Anh Phê là người mày mò tìm cách làm ra khô ếch, góp phần giúp bà con nông dân nuôi ếch có thêm kênh tiêu thụ.
Khô ếch là sản phẩm đầu tiên được nhóm chọn để xây dựng dự án thực hiện cùng 4 người bạn cùng lớp. Anh Phan Văn Phê cho biết, để có 1kg khô ếch thành phẩm, cần có 5kg ếch tươi làm sạch, ướp với đường, tiêu, nước mắm.
Bí quyết để khô ếch không có mùi tanh và có mùi thơm đặc trưng đó là ếch sau khi rửa sạch sẽ ướp với rượu và gừng giã nhuyễn.
Cách làm khô ếch kiểu này giúp xua ruồi nhặng, tạo màu cánh gián bắt mắt cho khô ếch, giúp bảo quản được lâu mà không cần phải dùng đến hóa chất.
Anh Phê đặt tên cho sản phẩm của mình là “Khô ếch đặc sản Vàm Cái Nước Út Lúa”. “Tôi thứ Út trong nhà, thấy tôi cù lần nên ở quê ai cũng gọi là Út Lúa.
Tôi chọn tên này làm thương hiệu cho sản phẩm với hy vọng khi mọi người cầm trên tay và xem nó là món quà quê gần gũi, mộc mạc như chính những người dân quê thật thà, chân chất ở Vàm Cái Nước”, anh Phê nói.
Theo kế hoạch khởi nghiệp của anh và các bạn, dự kiến trong năm đầu tiên triển khai, dự án tập trung các công việc như liên kết với nông dân trong xã Đông Yên sản xuất và thu mua ếch nguyên liệu nuôi theo hướng an toàn; hoàn thiện quy trình sản xuất khô ếch; thiết kế bao bì sản phẩm; giới thiệu cho người thân, bạn bè, khách hàng qua kênh bán trực tiếp và mạng xã hội.
Giai đoạn tiếp theo, nhóm đăng ký để được chứng nhận sản phẩm OCOP, đồng thời kêu gọi liên kết đầu tư, tiêu thụ từ các doanh nghiệp để ổn định đầu ra. Để tạo mối liên kết sản xuất, anh Phê dự kiến sẽ vận động các hộ nuôi ếch tham gia Hợp tác xã nông dân nuôi và sản xuất khô ếch.
Qua thời gian bán trực tiếp và đăng trên mạng xã hội, khô ếch Út Lúa được bạn bè gần xa đặt mua và nhận được phản hồi tích cực.
Công ty TNHH Một thành viên OCOP Kiên Giang đã nhận lời phân phối sản phẩm khi được chứng nhận sản phẩm OCOP.
Chị Trần Thị Nga, ngụ đường Ngô Quyền, phường Vĩnh Lạc, TP Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang), cho biết: “Khô ếch của anh Phê làm thủ công nên không tanh, giữ được mùi thơm, độ ngọt tự nhiên của thịt ếch nên khi ăn thấy ngon hơn khô ếch ở tỉnh khác tôi từng ăn. Sau lần bạn bè tặng tôi quyết định lấy sản phẩm này bán trên mạng xã hội”.
Theo anh Phê, để làm được 100kg khô ếch cần nguồn vốn ban đầu giao động là 25 triệu đồng, với giá bán lẻ 500.000 đồng/kg khô ếch thành phẩm, sau khi trừ hết chi phí đầu vào, lợi nhuận anh thu về khoảng 20 triệu đồng.
Anh Phê đang kêu gọi đầu tư để tiếp tục xây dựng nơi chế biến, sân phơi, đóng gói sản phẩm đảm bảo chất lượng, bắt mắt…