Với người dân trên núi Cấm, một ngọn núi nổi tiếng ở xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, loài cá chành dục không còn xa lạ.
Nhưng du khách từ xa tới tham quan, du lịch tại núi Cấm sẽ khá tò mò khi biết đến loài thủy sản chuyên sống ở vùng núi cao này.
Dù nhiều lần tới lui núi Cấm, nhưng tôi cứ nửa tin nửa ngờ khi nghe người dân địa phương nhắc tới loài cá suối có tên cá chành dục.
Dân trên núi quen gọi cá tầm dục hay “vùn vụt”. Bởi lẽ, chúng di chuyển khá nhanh trong nước, rất khó bắt được. Cách hữu hiệu nhất để bắt được loại cá chành dục này là đi câu.
Cá chành dục-cá đặc sản trên núi cao
Anh Lê Gia Giang (người dân sống trên núi Cấm) cho hay: “Cách đây 20 năm, cá chành dục sống khá nhiều ở các nhánh suối.
Lúc mới đến, tôi cứ nghĩ đây là cá lóc con. Dần dà, nghe người lớn tuổi nói là cá chành dục thì mới phân biệt được.
Thời trước cá chành dục này rất nhiều, cứ lấy dây chì bẻ làm lưỡi câu, tìm ít mồi trùn rồi đến ô suối nào đó ngồi một lát là kiếm được 5-7 con cá cho bữa cơm nghèo.
Hồi đó, dân trên núi ít quan tâm đến loài cá này. Về sau, nhờ thịt cá chành dục ngon, người ta dùng để đãi khách phương xa nên dần dần cá chành dục trở thành cá đặc sản”.
Theo lời anh Giang, không ai lý giải được nguyên nhân cũng như thời gian xuất hiện loài cá kỳ lạ này trên núi Cấm.
Chỉ biết, cá chành dục phân bố khá rộng trên “nóc nhà miền Tây”, từ những con suối rì rào chảy quanh năm hay ô nước sâu, hố bom nằm rải rác trong rừng.
Giống như ốc núi, cua núi, cá chành dục khi trở thành món đặc sản có mức giá bán khá cao, lên đến 400.000 – 500.000 đồng/kg, nhưng người dân không có để bán.
Hiện nay, muốn bắt được vài con cá chành dục, có khi phải đi câu cả ngày, mà vẫn không đủ số lượng cung cấp cho du khách.
Số lượng cá đặc sản “hiếm có khó tìm” ngày càng hạn chế
“Cá chành dục có kích thước khá nhỏ. Mới nhìn, chúng chẳng khác cá lóc con bao nhiêu. Tuy nhiên, phần vây bụng, vây lưng của chúng có màu sắc khá đặc biệt, thường đỏ, có khi hơi ngả sang màu cam.
Tôi từng câu dính con cá chành dục lớn cỡ nửa cùm tay, đen trùi trũi. Kích thước cá chành dục cỡ đó được cho là hiếm, bởi người ta đi câu thường xuyên nhưng chỉ dính toàn cá nhỏ. Cá chành dục có vây đẹp, nên một số người nuôi làm cá kiểng” – anh Giang tiếp lời.
Vì là loài cá đặc sản duy nhất sống ở suối ở suối, các mạch nước trên núi Cấm, nên cá chành dục trở nên độc đáo trong mắt du khách.
Nhiều người hiếu kỳ thử lên núi Cấm để đi câu cả ngày, nhưng không bắt được con cá chành dục nào. Thực tế, việc câu được loài cá lạ mắt này không đơn giản, đòi hỏi phải có kinh nghiệm, biết được vị trí suối có nhiều cá sinh sống.
Cá chành dục dần khan hiếm, người dân không giới thiệu với du khách như món đặc sản địa phương. Thỉnh thoảng, bạn phương xa tới thăm thì họ dẫn đi câu cá chành dục để thưởng thức thú tiêu dao trên núi. Nếu dính được cá thì chế biến rồi thưởng thức luôn một thể.
Anh Tạ Thanh Phong (ngụ ấp Thiên Tuế) chia sẻ: “Cá chành dục ăn rất ngon, cách chế biến không quá cầu kỳ. Nói chung, người ta chế biến như cá lóc.
Tuy nhiên, thịt cá chành dục thơm, dai và có vị đặc trưng. Nó giống như việc cùng là cá da trơn, nhưng thịt cá bông lau ngon hơn cá tra, cá ba sa.
Muốn đãi bạn nồi canh chua cá chành dục, tôi phải đi câu 3-4 ngày mới đủ. Bởi vậy, chẳng ai giới thiệu loại này như cua núi, ốc núi vì nguồn cung không ổn định. Hơn nữa, nếu cứ cố tìm bắt để bán cho khách, thì chẳng mấy chốc, núi Cấm không còn loài cá đặc sản này sinh sống”.
Cá chành dục từng xuất hiện nhiều tại các nhánh suối tren núi Cấm, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.
Những người hay đi câu cá chành dục cho biết, loài này khá hung dữ. Với các loài cá khác, việc cá đớp mồi và bị hụt dính một lần đã rất sợ, tuyệt đối không dám đớp mồi lần thứ 2.
Nhưng cá chành dục lại khác, vừa bị rơi ngược xuống suối, lại quăng câu thì chúng sẽ tiếp tục đớp mồi. Do đó, người đi câu kiên trì sẽ bắt được cá chành dục.
“Tôi nghe nói, có người thử nuôi cá chành dục để bảo tồn loài thủy sản này, nhưng không biết thành công hay không.
Riêng tôi hạn chế đi câu, bởi nguồn thu từ cá chành dục không nhiều, mà chúng thì càng lúc càng ít đi. Hy vọng việc thuần dưỡng cá chành dục sẽ thành công, để du khách có dịp được thưởng thức hương vị độc đáo của loài cá suối độc nhất trên đỉnh núi Cấm hùng vĩ này” – anh Phong thật tình.