Mùa khai thác sứa biển bắt đầu từ tháng Giêng và kéo dài đến hết tháng 3 (âl) hàng năm. Sứa biển được mệnh danh là “vàng trắng” của người ngư dân giúp bà con có nguồn thu lớn mỗi khi vào mùa.
Ghi nhận PV Dân Việt, tại dọc bờ biển huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) những ngày này từ sáng sớm đến chiều muộn có hàng trăm thuyền ra vào tấp nập, mỗi chuyến đi đánh được hàng tấn sứa biển.
Theo ngư dân địa phương, đây là dịp cao điểm thu hoạch sứa biển, mang về thu nhập cao nên họ gọi loài hải sản này là “vàng trắng”. Các ngư dân bắt đầu ra khơi lúc 2-3 giờ sáng, đến khoảng 11 giờ cùng ngày thì cập bến, nếu lượng sứa biển nhiều thì người dân có thể tiếp tục ra khơi để săn “vàng trắng”.
Các ngư dân dùng thuyền có công suất từ 28CV đến 32CV, phạm vi đánh bắt cách bờ khoảng từ 1-2 hải lý, đánh bắt thủ công truyền thống bằng bộ lưới có chiều dài khoảng 500-1.000m, chiều rộng khoảng 5m. Mỗi chuyến đi có thể đánh bắt được 2-4 tấn sứa.
Cập bến với sứa biển đầy khoang, ngư dân Hồ Phi Kính (trú thôn Toàn Thắng, xã Thạch Trị, huyện Thạch Hà) vui mừng nói: “Mỗi ngày chúng tôi đánh bắt được từ 2-4 tấn sứa biển (tùy thời điểm), lượng sứa nhiều nên đây là lúc tôi tích cực đánh bắt để kiếm thêm thu nhập. Tuy lượng sứa lớn nhưng đánh bắt đến đâu được thương lái thu mua hết đến đó, không lo ế hàng. Hoặc người dân có thể chế biến sau đó mang ra chợ bán.
Các cơ sở thu mua với giá từ 1.000 -3.000 đồng/kg (tùy loại), hoặc bán nguyên con với giá giao động từ 30.000-50.000 đồng. Bên cạnh đó, nhiều ngư dân sau khi đi đánh bắt sứa về còn trực tiếp chế biến thành sản phẩm hoàn chỉnh rồi đưa ra bán ở các chợ, các quán hàng với giá dao động từ 20.000-30.000 đồng/kg. Trung bình sau mỗi chuyến ra khơi, trừ hết chi phí tôi còn bỏ túi từ 1 đến 3 triệu đồng”.
Thường những người đàn ông, thanh niên khỏe mạnh sẽ trực tiếp tham gia đánh bắt còn phụ nữ sẽ có nhiệm vụ chuẩn bị đầy đủ dụng cụ như: xe kéo, thùng xốp, xô chậu, khay nhựa… để nhanh chóng đưa sứa lên bờ. Số sứa này sẽ được xử lý cắt, phân loại, sơ chế ban đầu, rửa sạch qua nước biển. Sau đó chở đến cho các cơ sở thu mua và chế biến hải sản trên địa bàn.
Theo các ngư dân, năm 2024 sản lượng sứa biển thấp hơn cùng thời điểm so với các năm trước. Tuy nhiên, năm nay sứa đẹp, kích thước lớn, bán được giá cao và tiêu thụ thuận lợi hơn.
Kinh nghiệm 15 năm thu mua sứa của bà con sau đó bán ra thị trường, bà Nguyễn Thị Niên cho biết: “Mỗi ngày cơ sở của chúng tôi thu mua khoảng 30-40 tấn sứa tươi. Sau khi mua, sứa biển tươi xử lý, rửa sạch, đánh, sơ chế ban đầu tại bờ biển. Sau đó, đưa về nhà tiếp tục thực hiện thêm 4-5 công đoạn ngâm, muối, chế biến thành sản phẩm hoàn chỉnh rồi mới đưa đi tiêu thụ tại các đầu mối thị trường trong tỉnh và ngoài tỉnh”.
Nhiều năm nay, sứa biển tươi được đánh bắt và chế biến ở các xã vùng bãi ngang ven biển huyện Thạch Hà đã trở thành đặc sản, tạo được thương hiệu chất lượng thơm ngon, giòn, dai nên nhiều khách hàng trong và ngoài địa bàn tỉnh Hà Tĩnh ưa chuộng.