Nuôi vịt chạy đồng là một trong những mô hình chăn nuôi du canh mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân. Tuy nhiên, để đạt năng suất cao nhất, bà con cũng cần nắm vững kỹ thuật nuôi vịt thả đồng. Siêu thị thiết bị chăn nuôi sẽ chia sẻ đến bà con kỹ thuật nuôi vịt chạy đồng tiết kiệm chi phí và đạt năng suất cao qua bài viết sau đây.
Chuẩn bị chuồng trại
Trước khi nhận vịt về nuôi 7 ngày, bà con phải dọn sạch nền chuồng, tường lưới, cần quét vôi nền chuồng và tường cao 0,8 – 1m. Chuồng và các dụng cụ chăn nuôi phải được cọ rửa sạch sẽ, xử lý theo quy trình vệ sinh thú y, quét vôi đặc, khử khuẩn bằng Formol và để trống chuồng trước khi nuôi đàn mới tối thiểu 15 – 20 ngày.
Bà con nên chọn nơi cao ráo, ven ruộng, ao, hồ để thuận tiện cho vịt tắm và bơi lội. Chuồng làm bằng tre, lá sẵn có ở địa phương giúp giảm chi phí đầu tư. Chuồng nên có mái che và cao khoảng 1m để tránh gió lùa.
Chọn vịt con mới nở
Chọn vịt con là bước khởi đầu quan trọng, vì vịt con khỏe mạnh sẽ mau lớn, chạy đồng giỏi, tỷ lệ mắc bệnh và hao hụt thấp. Bà con phải chọn vịt “nóng”, tức là vịt mới nở vừa ráo lông, mắt sáng, lông đuôi thẳng, rốn khô, chân láng, chứng tỏ vịt nở đúng ngày. Bà con cần quan sát thật kỹ và tránh chọn vịt “nguội”, tức là vịt khô chân, rốn ướt, chéo mỏ vì rất khó nuôi và tốn kém chi phí chăn nuôi.
Xác định mùa vụ và thời điểm cho vịt chạy đồng
Để giảm bớt chi phí cho chăn nuôi, việc tận dụng các loại thức ăn tự nhiên sẵn có trên đồng ruộng bằng cách xác định đúng thời điểm của các vụ lúa trong năm là rất quan trọng. Ở nước ta thường kết hợp nuôi vịt chăn thả vào 2 thời điểm chính của các vụ lúa là:
- Giai đoạn lúa đang sinh trưởng: Cho vịt chạy trên đồng ruộng để chúng ăn ốc, cua, ruốc, hến, côn trùng, dế, nhện và trừ rầy cho lúa.
- Giai đoạn thu hoạch: Cho vịt chạy trên đồng ruộng để chúng ăn thóc còn sót lại và các động vật thuỷ sinh sau khi thu hoạch.
Hướng dẫn kỹ thuật nuôi vịt chạy đồng đạt năng suất cao
Ngày đầu tiên
Ngày đầu tiên trứng vịt nở, bà con thả vịt con xuống nền, vì nếu cách độ ẩm đất lâu, da chân vịt dễ bị khô, bước chân đi không linh hoạt sẽ rất khó nuôi. Sau đó thả vịt vào chuồng theo số lượng 100 – 150 con. Khoảng 10 giờ sau khi nở, bà con cho vịt con ăn tấm trộn với hành xắt nhuyễn. Khối lượng hành xắt nhuyễn bằng 1/3 khối lượng tấm. Ban đêm, bà con kiểm tra và đừng để vịt nằm đè lên nhau, vì sẽ khiến vịt yếu bị ngộp chết hoặc què chân.
Để úm vịt con trong giai đoạn này, bà con dùng đèn bão hoặc đèn điện treo cách nền chuồng 0,3 – 0,5m, đảm bảo cường độ chiếu sáng 5 – 6W/m3 chuồng nuôi, chiếu sáng 24/24 giờ đến tuần tuổi thứ 3.
Ngày 2 đến ngày 6
Ngày thứ 2, bà con tiếp tục cho vịt con ăn với liều lượng như ngày thứ nhất, kết hợp thả vịt tắm nắng, uống nước sạch ở trên bờ. Ngày thứ 3 đến ngày thứ 6, bà con có thể lùa vịt con xuống mặt nước cạn, sạch khoảng 5 phút rồi lùa lên lại cho vịt quen với việc uống nước và tập rỉa lông.
Thả vịt mỗi ngày khi trời nắng ấm và lùa về khi trời nắng gắt, nếu để muộn quá, vịt không quen rỉa lông, nước thấm vào lông, vịt con có thể bị lạnh, yếu và chết (vịt con bị chết đến 2/3 bầy cũng vì lý do này). Giai đoạn này, bà con cần đảm bảo nhiệt độ chuồng ở mức 31 – 32°C, sau mỗi ngày giảm 1°C, 10 ngày nhiệt độ đạt 25°C.
Ngày 7 đến ngày 15
Vịt được 1 tuần tuổi sẽ rất lanh lẹ, đuổi bắt được côn trùng. Vì thế, bà con cho vịt chạy đồng thường xuyên hơn khi trời nắng ấm và có chỗ bóng mát cho vịt lên nghỉ ngơi, rỉa lông. Thức ăn trong giai đoạn này bao gồm gạo lứt, bắp xay, cám và trộn thêm một ít hành xắt nhuyễn nếu trời lạnh. Nếu thấy vịt thở “khò khè” vào ban đêm, bà con phải tăng thêm lượng hành vào thức ăn. Ngoài ra, bà con cần bổ sung thêm tép tươi, tôm, cua, còng nghiền nhuyễn trộn vào thức ăn và gọi vịt đến ăn khoảng 4 – 5 lần/ngày để vịt quen âm thanh (ngay cả tiếng dao băm trên thớt), biết có thức ăn ngon, vịt sẽ tranh nhau đến ăn. Điều này giúp bà con đỡ khó nhọc trong quá trình chăn dắt sau này.
Lưu ý: Bà con không nên cho vịt ăn bằng thau hoặc máng hẹp. Nếu nền không bằng phẳng, bà con phải trải tấm nilon khi cho vịt ăn để chúng không bị xước mỏ, tránh để con khỏe mạnh giành ăn với con yếu hơn làm vịt lớn không đều.
Từ 15 ngày trở đi
Vịt đạt 15 ngày tuổi trở đi có thể tập ăn lúa theo tỉ lệ 3 gạo, 1 lúa. Khi vịt ăn giỏi, bà con tăng 1/2 gạo lứt và 1/2 lúa. Vịt trên 1 tháng rưỡi tuổi mới có khả năng tìm và ăn lúa rơi vãi ở đồng ruộng. Từ 25 đến 30 ngày tuổi, vịt bắt đầu mọc lông vũ, trên 1 tháng tuổi thì vịt bể tiếng và mọc lông ống. Vịt đã lớn thì cần chuồng rộng, thoáng, yên tĩnh.
Như vậy, đối với kỹ thuật nuôi vịt chạy đồng, bà con cần tìm hiểu kỹ càng trong từng giai đoạn từ chuẩn bị chuồng/trại đến chăn nuôi. Đặc biệt là quan sát kỹ và kiểm tra sức khỏe đàn vịt hàng ngày để đảm bảo vịt phát triển nhanh, khỏe mạnh và mang hiệu quả kinh tế cao.