Cá điêu hồng hay còn có tên gọi khác là diêu hồng, rô phi đỏ là loài cá nước ngọt được thị trường tiêu thụ khá mạnh có giá trị kinh tế cao
Chuẩn bị ao nuôi
Bà con nên chọn ao nuôi gần những nơi có nguồn nước ngọt tốt, để thuận lợi cho việc lấy nước và thoát nước trong quá trình nuôi và vệ sinh ao nuôi. Diện tích ao nuôi phù hợp nhất là trên 1000m2 và cố độ sâu tối thiểu là 1,5m.
Tuy nhiên lưu ý, làm bờ bao quanh ao nuôi cao hơn đỉnh lũ hằng năm khoảng từ 0,5m trở lên. Đường cống thoát nước cần đặt ở đáy ao để rút nước khi thu hoạch hoặc bà con có thể xử lý thuốc, đường kính của cống đảm bảo thay đổi nước theo triều đạt 10 – 15% lượng nước ao trở lên để có thể điều tiết nước theo thủy triều.
Xử lí ao nuôi bằng vôi bột (khoảng 10 – 15kg vôi/100m2) để khử chua cho ao và diệt các loại cá tạp. Sau khi khử ao bằng vôi nên phơi ao khoảng 2 – 3 ngày.
Chuẩn bị cá giống
Khi chọn cá giống để nuôi, bà con nên chọn giống ở các cơ sở cá giống uy tín. Nên chọn những con cá giống khỏe mạnh, bơi lội nhanh nhen không có dấu hiệu bị bệnh, không bị trầy xước, viêm lở loét… Những có có màu sắc nhợt nhạt, bơi lội lờ đờ, kích cỡ quá bé so với đàn nên được loại ra ngay từ lúc đầu.
Có 2 cách vận chuyển cá giống: Vận chuyển kín bằng túi nilon có bơm ôxy, mật độ vận chuyển 500 con/ túi nylon (10 lít nước) hoặc vận chuyển hở: vận chuyển bằng thùng phi nhựa có sục khí trong quá trình vận chuyển, mật độ vận chuyển 800 con/10 lít nước.
Mật độ thả cá điêu hồng là khoảng 45 – 90 con/m3.
Kỹ thuật nuôi và chăm sóc cá điêu hồng
Cá điều hồng sống chủ yếu ở nước ngọt, nước lợ và nước nhiễm mặn ít từ 5 – 12‰. Nhiệt độ cá điêu hồng sống và phát triển tốt nhất từ 25oC – 35oC (cá diêu hồng không chịu nhiệt độ 11 – 12oC nếu kéo dài ngày ). Cá sống đa dạng mọi tầng nước , nước có hàm lượng Oxy thấp. Độ pH cá diêu hồng từ 5-11. Nhưng phát triển tốt nhất là 6.5 – 7.5
Trước khi thả cá cần tắm cá diêu hồng bằng nước muối; hòa 200 – 300g muối vào 10 lít nước sạch, tắm cá khoảng 10 – 15 phút loại bỏ các vi khuẩn bám trên cá.
Trong quá trình nuôi cá điêu hồng, mỗi giai đoạn, bà con cần lựa chọn những loại thức ăn phù hợp để cá có thể phát triển một cách tốt nhất. Thức ăn chủ yếu của cá điêu hồng là bột ngô, khoai, sắn, gạo, cám, các loại thức ăn xanh như rau muống, bèo trứng, cá, bèo tấm, rau thái nhỏ, các loại động vật như tôm cá nhỏ, giun ốc đã xay nhỏ và các loại phế phẩm (bã bia, bã rượu, lòng trâu bò….)
Ngoài ra, bà con có thể cho cá ăn thêm thức ăn công nghiệp. Lượng thức ăn công nghiệp cho cá điêu hồng ăn mỗi ngày nên bằng 4-5% trọng lượng của cá và chia đều cho ăn vào 2 buổi sáng chiều. Việc này sẽ giúp cá hấp thu dinh dưỡng tối ưu nhất.
Việc chăm sóc, quản lý sức khỏe đàn cá là rất quan trọng, quyết định đến sức khỏe, sức sống, sức tăng trưởng của cá. Do đó, trong quá trình nuôi, bà con cần hằng ngày kiểm tra các chỉ tiêu môi trường nước pH, NH3, DO để phát hiện kịp thời những trường hợp nguồn nước không thuận lợi cho sức khỏe của cá, có kế hoạch di chuyển bè nuôi đến những khu vực có nguồn nước an toàn.
Định kỳ nên trộn các dưỡng chất vào thức ăn cho cá như vitamin C, Premix khoáng, men tiêu hóa, men vi sinh, chế phẩm từ thảo dược (như chế phẩm từ tỏi) để cá hấp thu tốt dưỡng chất trong thức ăn tốt hơn và tăng cường sức đề kháng cho cá;
Định kỳ 15 ngày/lần, trộn thuốc vào thức ăn cho cá để diệt các nội ký sinh trùng bám trên đường ruột của cá (liều dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất). Mỗi lần nên cho cá ăn thuốc từ 1 – 2 ngày và cho ăn thuốc vào cữ ăn buổi sáng.
Khi sử dụng đa dạng thức ăn nên rất dễ làm nguồn nước dơ bẩn nên phải thường xuyên thay nước và mỗi lần thay khoảng 1/3 hoặc 2/3 nước trong ao.
Những bệnh thường gặp và cách phòng trị bệnh cho cá điêu hồng
Bệnh xuất huyết: Bệnh do vi khuẩn Aemomas hydrophia hoặc Edwardsiellatarda gây ra. Cá có dấu hiệu toàn thân bị xuất huyết, hậu môn sưng lồi, bụng trương to, có dịch vàng hoặc hồng, đầu và mắt cá sưng và lồi ra.
Biện pháp đề phòng là tránh thả cá nuôi và hạn chế thay nước lúc giao mùa. Nên định kỳ bón khử trùng nơi cho ăn.
Cách trị là bón vôi và khử trùng nước, có thể trộn thuốc kháng sinh vào thức ăn cá, tỷ lệ tuỳ theo tình trạng bệnh.
Bệnh do ký sinh trùng: Các bệnh do ngoại ký sinh trùng có tác động mạnh đến cá con trong quá trình ương. Thực tế cho thấy, nhiều cơ sở ương giống có tỉ lệ hao hụt từ 50 – 70% chủ yếu là do cá con bị bệnh đốm trắng (trùng quả dưa tấn công), bệnh do trùng mặt trời và tà quản trùng, bệnh do sán lá đơn chủ, bệnh do giáp xác ký sinh (Argulus và Ergasilus).
Để phòng trị hiệu quả ao ương hoặc môi trường nuôi cá cần phải có sục khí. Khi phát hiện cá bị bệnh cần bón Formol nồng độ 25 – 30ml/m3 trị thời gian dài và nồng độ từ 100 – 150 ml/m3 nếu trị trong 15 – 30 phút; CuSO4 (phèn xanh) nồng độ 2 – 5 g/10m3 trị thời gian dài và từ 20 – 50 g/10m3 trị trong 15 – 30 phút, cách ngày trị một lần; muối ăn dùng để phòng và trị bệnh cho cá, nồng độ 1 – 3% trị thời gian dài và 1 – 2% trị trong 10 -1 5 phút.
Cá trương bụng do thức ăn: Nguyên nhân chủ yếu là do ăn thức ăn tự chế của cá không được nấu chín, không đảm bảo chất lượng làm cá không tiêu hoá được thức ăn, bụng cá trương to, ruột chứa nhiều hơi. Lúc này bà con cần là kiểm tra chất lượng và thành phần thức ăn để điều chỉnh lại cho thích hợp. Nếu trường hợp nặng, thường xuyên có thể thay đổi thức ăn. Trong thức ăn nên bổ sung men tiêu hóa (các probiotic…)
Thu hoạch
Trước khi thu hoạch bà con cần tăng cường sức khỏe cho cá bằng cách cho cá ăn vitamin C liên tục từ 3 – 5 ngày (liều sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất) sau đó ngưng cho cá ăn 1 – 2 ngày trước khi thu hoạch.
Nếu quy trình chăm sóc tốt đúng kỹ thuật nuôi cá diêu hồng thì khoảng 5-6 tháng cá diêu hồng có thể đạt trọng lượng khoảng 0.4 – 0.5 kg lúc này có thể thu hoạch hoặc thu tỉa cá lớn trước.
Việc thu hoạch và cân cá cần phải được thực hiện một cách nhẹ nhàng, tránh cá bị sây sát, tuột nhớt.