Những năm gần đây, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh có xu hướng chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây phù hợp, nâng cao giá trị sản xuất. Tiêu biểu, tại xã Cầu Khởi, huyện Dương Minh Châu, (tỉnh Tây Ninh) nhiều nông dân sau khi chuyển sang trồng tre lấy măng đã đạt được hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng cây cao su.
Cây trồng tiềm năng trên đất Dương Minh Châu
Ông Nguyễn Thanh Hà- Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Cầu Khởi đưa chúng tôi tham quan những vườn tre của Hợp tác xã (HTX) đang vào vụ thu hoạch. Dưới tán tre xanh mát, những búp măng tứ quý mập mạp “đội đất” vươn lên, báo hiệu một mùa bội thu.
Theo ông Hà, trước đây cao su là cây chủ lực của địa phương và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, những năm gần đây giá mủ cao su không ổn định. Một số hộ dân sau khi thanh lý cây cao su hết tuổi đã mạnh dạn học hỏi kinh nghiệm của các địa phương khác trồng thử nghiệm măng tre tứ quý. Kết quả đáng mừng vì hiệu quả kinh tế từ trồng tre lấy măng vượt trội hơn hẳn.
HTX Cầu Khởi gồm 30 thành viên tham gia sản xuất, diện tích trên 30 ha, ngành nghề chính là sản xuất và cung ứng măng tre tươi. Măng được thu hoạch mỗi tháng khoảng 50-60 tấn, vụ nghịch mỗi ngày trung bình 2 tấn, vụ thuận thì tầm 5 tấn/ngày. HTX liên hệ đầu mối khu vực miền Trung để măng có đầu ra ổn định và lâu dài.
Đặc điểm của măng tre tứ quý là vỏ xanh, thịt trắng, càng nấu chín măng càng ngọt. Măng không chỉ là món ăn giàu hương vị, mà còn rất bổ dưỡng, đóng góp một lượng chất xơ, kali, mangan và chất chống oxy hoá cho cơ thể. Đặc biệt, hầu như tất cả các bộ phận của măng tre tứ quý đều sử dụng được.
Măng thu hoạch dạng còn vỏ hoặc luộc thành phẩm được thị trường trong và ngoài tỉnh khá ưa chuộng. Vỏ măng khi nấu chín làm thức ăn nuôi heo rừng lai, nhím, cừu… Nếu trồng đúng kỹ thuật, tre tứ quý sau hơn 7 tháng sẽ cho thu hoạch măng, sản lượng tăng dần theo các năm. Một trong những ưu điểm nổi bật của giống tre này là cho thu hoạch măng quanh năm nên nông dân có thu nhập ổn định.
Ông Hà cho biết thêm, trồng tre lấy măng cho hiệu quả kinh tế hơn nhiều loại cây trồng khác. Loại cây trồng này có nhiều ưu điểm: không mất nhiều công chăm sóc, chi phí đầu tư không cao, lại phù hợp với điều kiện canh tác tại địa phương nên rất dễ nhân rộng. Mặt khác, măng tre có thị trường ổn định, ít rủi ro nên nông dân không sợ thất thu.
Trong quá trình canh tác, phải thường xuyên phát dọn cành dư để tạo môi trường thông thoáng, vun gốc cao, giữ ẩm cho gốc tre, giữ lại gốc rễ để kích thích ra măng non… Mỗi bụi tre, chừa lại 3-4 cây để nuôi măng.
Nâng tầm sản phẩm
Theo ông Hà, măng vào mùa thuận giá sẽ rẻ hơn mùa nghịch. Măng tiêu thụ không kịp bị bỏ lại, không có máy móc để chế biến sẽ bị hư, do đó, HTX đang đề xuất xây dựng nhà xưởng chế biến măng sấy khô với tiêu chí sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm, từng bước phát triển thị trường, hướng đến xuất khẩu.
Thời gian tới, HTX Cầu Khởi tiếp tục duy trì và phát triển mô hình trồng tre lấy măng. Bên cạnh đó, HTX sẽ nghiên cứu tạo ra các sản phẩm từ măng cung ứng cho thị trường, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm để đăng ký đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP của huyện…
Ông Nguyễn Duy Khánh- Phó Chủ tịch UBND xã Cầu Khởi cho biết, hiện nay trên địa bàn xã có 3 HTX, trong đó HTX Cầu Khởi chủ yếu hoạt động nông nghiệp, tập trung ngành nghề trồng tre lấy măng và tiêu thụ măng tre cho các thành viên, hộ nông dân trên địa bàn xã. Về hiệu quả, 1 héc-ta măng tre cho thu hoạch mỗi ngày trên dưới 1 triệu đồng, giúp bảo đảm đời sống cho người dân.
HTX đang làm dự án chế biến thành phẩm măng khô, UBND xã phối hợp Liên minh HTX tỉnh để hỗ trợ dự án. Nếu có xưởng chế biến măng khô, nghề trồng tre lấy măng về lâu dài sẽ ổn định hơn. Bởi vào mùa mưa, măng có giá thấp, chuyển qua chế biến thành măng khô sẽ không ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của nông dân.
Tuy nhiên, dù hiện tại trồng tre lấy măng cho hiệu quả kinh tế cao hơn trồng cây cao su, chính quyền địa phương không khuyến khích người dân chuyển đổi ồ ạt để tránh rơi vào tình trạng “cung vượt cầu”.