Nhiều vườn cây “tiền tỷ” ở Bến Tre bị cháy lá, cây kiệt sức, nghi ngờ do 4 nguyên nhân này

Theo một số nhà vườn tại xã, bệnh cháy lá trên cây sầu riêng đã xảy ra từ trước Tết Nguyên đán 2024. Ghi nhận tại vườn sầu riêng 5 công đất của bà Trương Thị Bé Bảy, ấp Phụng Hiệp, xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách, có khoảng 60% cây sầu riêng trong vườn bị bệnh cháy lá.

Theo bà Bảy, tình trạng sầu riêng cháy lá xuất hiện từ trước Tết Nguyên đán, sau đó cây bị suy kiệt, thậm chí là chết cây. Nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của thời tiết. Cây bị kiệt sức nên không thể để trái nhiều như những năm trước.

Nhiều vườn cây "tiền tỷ" ở Bến Tre bị cháy lá, cây kiệt sức, nghi ngờ do 4 nguyên nhân này- Ảnh 1.

Vườn sầu riêng của bà Trương Thị Bé Bảy bị cháy lá hàng loạt.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Đặng Văn Dũng, hiện toàn xã có khoảng hơn 200ha sầu riêng. Bệnh cháy lá ít xảy ra tại các vườn sầu riêng tơ hơn những vườn lâu năm. Qua theo dõi, trên địa bàn xã có khoảng trên 60% diện tích sầu riêng bị cháy lá. Khi xảy ra cháy lá, cây đang mang hoa thì không thể nuôi trái được. Có hộ phải lặt bông bỏ, có trái nhỏ thì cũng cắt bỏ để nuôi cây.

Trưởng trạm khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp khu vực Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc Nguyễn Quỳnh Thiên cho biết: Hiện tình trạng bệnh cháy lá trên cây sầu riêng đã giảm, nhưng vẫn còn do ảnh hưởng của thời tiết. Những ngày qua, đơn vị đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tập huấn cho nông dân phòng, trị bệnh cháy lá và chăm sóc vườn sầu riêng.

 

Hiện tượng cháy lá trên cây sầu riêng có nhiều nguyên nhân gây ra. Nguyên nhân đầu tiên là do đất trồng bị thiếu chất hữu cơ, làm cho đất thiếu độ tơi xốp dẫn đến rễ cây thiếu trầm trọng lượng oxy trong đất. Nguyên nhân thứ hai là do chỉ số pH thấp.

Nguyên nhân thứ ba, có thể do cây bị “stress” vì nhà vườn sử dụng quá nhiều chất ức chế sinh trưởng (Paclobutazol) kết hợp với xiết nước tạo khô hạn trong quá trình xử lý ra hoa. Thứ tư là do cây bị nhiễm nấm bệnh.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Đặng Văn Dũng cho biết: Những cây sầu riêng tơ, chưa cho trái thì không bị bệnh. Tuy nhiên, những cây đang mang trái thì bị cháy lá nhiều. Trong quá trình xử lý nghịch vụ, nhà vườn cắt nước để sầu riêng ra hoa, sau đó mở mủ đậy gốc sầu riêng, đây là giai đoạn thiếu nước cộng với nắng nóng gay gắt dẫn đến lá sầu riêng bị cháy và rụng. Từ đó, trái sầu riêng không lớn được, thậm chí trái rụng hoặc cây mang trái rồi chết.

Để phòng và trị bệnh cháy lá trên cây sầu riêng, các cơ quan chuyên môn khuyến cáo nhà vườn không nên hoặc hạn chế tối đa sử dụng thuốc diệt cỏ trong vườn sầu riêng. Đồng thời, không nên cuốc đất xung quanh gốc sầu riêng sau khi dỡ mủ xử lý ra hoa nghịch vụ. Những vườn có xử lý ra hoa vụ nghịch thì nên lặt bỏ hết hoa, trái hoặc bỏ một phần hoa, trái nếu cây có dấu hiệu bệnh và suy kiệt. Khi tưới, người dân cần tưới đủ nước cho cây, bón bổ sung phân trung vi lượng; bón phân hữu cơ + nấm Trichoderma và những vi sinh vật đối kháng khác như: Streptomyces, Pseudomonas…

Hiện nay, các ngành chức năng và địa phương đang tập trung quyết liệt, hướng dẫn người dân chăm sóc vườn sầu riêng với hy vọng sẽ mau chóng khắc phục được thiệt hại, giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất.