Hiện Hà Nội và Tp.HCM xử lý 35-40% bất động sản gặp vướng mắc, còn hàng trăm dự án tại 2 thành phố này và các địa phương vẫn chờ được tháo gỡ khó khăn.
Cụ thể, tại Tp.HCM có 143 dự án bất động sản, Hà Nội 246 dự án, Hải Phòng 4 dự án, Bình Định 16 dự án, Cần Thơ 34 dự án… đang nằm chờ tổ công tác của Thủ tướng, các bộ, ngành và địa phương gỡ vướng.
Theo Bộ Xây dựng, trong năm 2023 và 2 tháng đầu năm 2024, tổ công tác đã làm việc với TPpHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Thuận, Bình Định và một số doanh nghiệp bất động sản để nghe báo cáo, nắm thông tin, trao đổi, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện dự án.
Trong năm 2023, tổ công tác đã nhận được 142 văn bản báo cáo khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội và người dân liên quan đến 191 dự án bất động sản.
Trong đó có: 129 văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đôn đốc, hướng dẫn và đề nghị xem xét, giải quyết theo thẩm quyền; 13 văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị xem xét giải quyết, hướng dẫn địa phương, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao.
Trong 2 tháng đầu năm nay, tổ công tác nhận được 4 văn bản báo cáo khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp liên quan đến 4 dự án bất động sản.
Tổ công tác đã xem xét, xử lý 4 văn bản, trong đó có 3 văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đôn đốc, hướng dẫn và đề nghị xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Một văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị xem xét giải quyết, hướng dẫn địa phương, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền.
Về kết quả tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản trên cả nước thời gian qua, Bộ xây dựng cho biết tại Tp.HCM có khoảng 77 dự án bất động sản được gỡ vướng, và 143 dự án đang tiếp tục được bộ, các bộ liên quan và địa phương gỡ vướng. Còn tại Hà Nội có 404 dự án đã được rà soát, phân loại khó khăn, vướng mắc.
Trong đó có 81 dự án được Hà Nội đưa ra khỏi danh sách chậm triển khai, 10 dự án đã thu hồi đất, chấm dứt hoạt động, 67 dự án được kéo dài thời gian gia hạn sử dụng đất 24 tháng do nguyên nhân khách quan.
Tương tự trong thời gian qua Hải Phòng đã gỡ vướng cho 11 dự án, Cần Thơ đã gỡ vướng cho 17 dự án.
Tỉnh Bình Định đã có văn bản chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho 26 dự án, trong đó có 19 dự án khu đô thị, 7 dự án nhà ở xã hội.
Bộ Xây dựng cho hay, hầu hết vướng mắc chưa được giải quyết do các Luật Đấu thầu, Nhà ở và Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) chưa có hiệu lực thi hành. Ngoài ra, một số địa phương chưa thành lập tổ công tác theo quy định. Nhiều tổ chức, người thực thi pháp luật không dám quyết định, giải quyết chậm vì sợ sai, sợ trách nhiệm, theo Bộ Xây dựng.
Từ giữa năm 2022, thị trường bất động sản bắt đầu lao dốc khi hàng loạt dự án phải dừng hoặc hoãn tiến độ, thanh khoản kém. Năm ngoái, gần 1.300 doanh nghiệp địa ốc giải thể vì khó khăn. Giai đoạn khó khăn nhất hiện đã qua, song theo giới chuyên môn, thị trường vẫn tồn tại nhiều thách thức, như thiếu nguồn cung mới, mất cân đối giữa các phân khúc, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay.
Xử lý vướng mắc cho các dự án là một trong số giải pháp giúp thị trường này nhanh hồi phục. Vì thế, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương đẩy nhanh việc gỡ vướng, và báo cáo tổ công tác trước ngày 30/6. Ngân hàng Nhà nước cần có giải pháp thúc đẩy cho vay tín dụng với các doanh nghiệp địa ốc.