Ngồi ươm cây mai vàng làm giống, bán “giá hạt rẻ”, chị nông dân Long An thu tiền lẻ để dồn cục tiền

Nghề trồng mai ở xã Tân Tây phát triển hơn 10 năm và được công nhận làng nghề năm 2020. Mai vàng Tân Tây có những đặc điểm rất riêng như bộ đế đều, phát triển nhanh; dáng đẹp;…

Chính điều này làm cho mai vàng Tân Tây được giới chơi cây kiểng săn đón, có cây giá hàng tỉ đồng.

Những người trồng mai vàng ở đây không chỉ bán mai lớn mà còn ươm cây mai giống. Mỗi năm, gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc Nữ (ấp 4) cung cấp cho thị trường trên 15.000 cây mai giống với giá bán 8.000 đồng/cây.

Để có mai giống chất lượng, được thị trường đón nhận cũng như khẳng định thương hiệu mai giống của Làng nghề trồng mai Tân Tây, nông dân phải cẩn thận trong từng công đoạn ươm trồng.

Ngồi ươm cây mai vàng làm giống, bán "giá hạt rẻ", chị nông dân Long An thu tiền lẻ để dồn cục tiền - Ảnh 1.
Bà Đặng Thị Đa, xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An có thu nhập trên 75 triệu đồng/năm nhờ ươm cây mai vàng và bán giống mai vàng.

 

Bà Ngọc Nữ chia sẻ: “Thoạt nghe, ai cũng nghĩ ươm mai giống đơn giản nhưng để cây giống đạt chất lượng, khẳng định được thương hiệu đòi hỏi người trồng phải có kinh nghiệm. Sau tết là thời điểm mai nở rộ, hạt mai chín và rụng, tôi nhặt về phơi khô, ươm giống…”.

Theo bà Ngọc Nữ, đây là công đoạn bắt đầu, cũng là khâu quan trọng nhất bởi nếu chọn hạt mai giống không đạt chuẩn thì cây mai vàng sẽ không phát triển.

 

“Tôi chọn hạt mai từ những cây mai vàng khỏe mạnh, hoa đẹp, sức sống bền bỉ. Khi đem hạt mai giống ngâm nước, thấy hạt chìm thì chọn ươm, hạt nổi thì loại bỏ”, bà Ngọc Nữ tiết lộ.

Ươm mai giống trải qua nhiều công đoạn như chọn hạt giống mai, đất trồng, bầu ươm, gieo hạt,…Trong đó, hạt mai được chọn từ những cây mai tốt, khỏe và không mang mầm bệnh, hạt có màu đen bóng.

Đất trồng sử dụng đất pha cát, phân chuồng, xơ dừa, tro trấu trộn; đồng thời, phải phơi nắng trong một ngày để ngăn ngừa nấm, mầm bệnh.

Khi gieo hạt mai giống vào bầu ươm nên đặt hạt cách hạt 2-3cm để dễ dàng tách cây con. Đặc biệt, trong quá trình vào chậu, người trồng phải chọn cây có rễ phát triển đều, cân đối, trường hợp không có rễ hoặc rễ không đều phải bỏ.

Bà Đặng Thị Đa (ấp 4, xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An) tận dụng gần 100m2 đất trống quanh nhà để ươm mai giống, cung cấp cho thị trường trên 20.000 cây giống/năm, bán với giá 7.000 đồng/cây. Sau khi trừ chi phí, bà có thu nhập trên 75 triệu đồng/năm.

Bà Đa bộc bạch: “Nhà có nhiều gốc mai cổ thụ rất đẹp, do đó, tôi lấy hạt mai từ những cây mai này để ươm giống. Ươm mai giống không mất nhiều thời gian, công chăm sóc mà chủ yếu tận dụng thời gian rảnh mới làm. Nhờ ươm mai giống, gia đình có thu nhập ổn định”.

Khách mua cây mai giống của Làng nghề trồng mai Tân Tây đến từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó, nhiều nhất là các tỉnh miền Tây.

 

Khi mua mai giống, khách hàng được nhà vườn nhiệt tình tư vấn kỹ thuật trồng và cách chăm sóc. Trưởng ban Đại diện Làng nghề trồng mai Tân Tây – Nguyễn Văn Hoàng cho biết: “Hiện làng nghề có trên 300 hộ trồng mai, với diện tích gần 500ha. Trong đó, có trên 30 hộ ươm mai giống và bán mai giống.

Mai giống ở làng nghề được thương lái ưa thích vì bộ đế đẹp, đều và cây khỏe. Bình quân, hàng năm, làng nghề cung cấp ra thị trường trên 400.000 cây mai giống, giá bán dao động từ 7.000-9.000 đồng/cây”.

Ươm mai giống không phải là nghề chính của người dân Làng nghề trồng mai Tân Tây nhưng nghề này đang đem lại thu nhập ổn định cho nhà vườn. Điều này càng khẳng định giá trị của cây mai vàng trên vùng đất Tân Tây.