Người nuôi heo thoát lỗ
Theo ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân (Bình Định), theo kế hoạch, trong năm 2024, huyện phấn đấu giữ ổn định tổng đàn heo ở mức 290.000 con.
Huyện Hoài Ân đề ra mức kế hoạch nói trên vào thời điểm giá heo đang xuống ở mức thấp, chỉ 42.000đ-43.000đ/kg hơi, người chăn nuôi số lượng nhiều theo hướng công nghiệp hầu như không có lãi, còn chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ chịu lỗ dài dài, khiến ngành chức năng huyện này lo lắng không hoàn thành kế hoạch được giao.
Thế nhưng, theo ông Nguyễn Thanh Vương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân, từ đầu năm 2024, giá heo ở Hoài Ân tăng từ 42.000đ-43.000đ/kg lên 47.000-48.000đ/kg hơi, mức giá này khiến người nuôi heo thoát cảnh thua lỗ, bắt đầu có lãi. Dù lãi ít, chỉ 300.000đ/con, nhưng cũng đủ kích thích người chăn nuôi tái đàn để bù vào lượng heo tiêu thụ vào dịp cuối năm.
“Để người chăn nuôi trên địa bàn yên tâm tái đàn, ngành chức năng huyện Hoài Ân triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhất là đối với đàn heo. Đồng thời, xây dựng kế hoạch tái đàn heo, phát triển chăn nuôi bền vững trên địa bàn huyện”, ông Nguyễn Thanh Vương chia sẻ.
Huyện Hoài Ân có lợi thế lớn trong việc tái đàn heo bởi người chăn nuôi trên địa bàn không lệ thuộc nguồn heo giống bên ngoài mà từ trang trại công nghiệp đến gia trại, nông hộ đều chủ động được nguồn heo giống.
Đàn nái sinh sản ở huyện Hoài Ân đang có khoảng gần 60.000 con. Cứ tính mỗi heo nái mỗi năm đẻ 2,2 lứa, mỗi lứa đẻ bình quân 10 con heo giống. Như vậy, mỗi năm ngành chăn nuôi của huyện Hoài Ân chủ động được khoảng 1,2 triệu heo giống, đủ cung ứng cho người chăn nuôi trên địa bàn.
Hiện, toàn huyện Hoài Ân có 32 trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn, trong đó 5 trang trại chăn nuôi công nghệ cao và 1.960 trang trại quy mô vừa và nhỏ áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, áp dụng công nghệ trong xử lý môi trường.
Nổi bật có trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao Phú Hưng tại xã Ân Mỹ (huyện Hoài Ân) có quy mô trên 2.400 nái sinh sản, hàng năm xuất chuồng 24.500 heo con giống. Hoặc như trang trại chăn nuôi của bà Trần Thị Tuyết ở xã Ân Tường Đông (huyện Hoài Ân) luôn duy trì đàn nái sinh sản 500 con và 1.000 con heo con theo mẹ cùng heo thịt.
“Heo nái sinh sản được người chăn nuôi ở Hoài Ân chọn lựa kỹ nên nguồn heo giống luôn đảm bảo chất lượng. Nhờ đó, heo nuôi tại Hoài Ân luôn được người tiêu dùng ở Thừa Thiên – Huế và Đà Nẵng đánh giá cao về chất lượng nên đây là 2 thị trường tiêu thụ chính của heo nuôi ở Hoài Ân”, ông Nguyễn Thanh Vương chia sẻ.
Người chăn nuôi nhúc nhích tái đàn
Có lẽ không ai thấu nỗi “bể dâu” của người nuôi heo như anh Nguyễn Văn Bình ở xã Ân Đức (huyện Hoài Ân, Bình Định) nên những ngày gần đây giá heo ở huyện Hoài Ân tiếp tục tăng lên 51.000đ/kg khiến anh Bình vui khôn tả.
Theo nghề nuôi heo gần 20 năm nay, trong chuồng nhà anh Bình luôn duy trì đàn heo khoảng 100 con lớn nhỏ. Anh Bình nhớ lại, vào đầu năm 2023, giá heo ở Hoài Ân đứng ở mức 47.000đ-48.000đ/kg hơi, sau đó hạ xuống chỉ còn 42.000đ-43.000đ/kg, mức giá này kéo dài đến đến gần hết năm. Đến khi còn cách Tết Nguyên đán khoảng 2 tháng, giá heo nhỉnh lên được 47.000đ-48.000đ/kg, lúc này người chăn nuôi mới bắt đầu có lãi.
“Với giá 47.000 – 48.000đ/kg, người nuôi còn có lãi 300.000đ/con. Trong giai đoạn giá heo bấp bênh, tôi phải tiết chế khẩu phần ăn cho heo mỗi bữa ăn để nuôi cầm cự. Cũng chừng ấy thức ăn nhưng tôi cho heo ăn kéo dài thời gian để chờ giá tăng, chứ nếu cho heo ăn ào ạt để heo nhanh tăng trọng, trong lúc giá đang thấp mà heo đã đủ cân lượng phải xuất chuồng, người nuôi lỗ to”, anh Bình chia sẻ.
Qua Tết, có lẽ do lượng heo thịt đã tiêu thụ hết trong dịp Tết nên vào đầu tháng 2 Âm lịch (giữa tháng 3/2024) giá heo tăng lên 51.000đ/kg. Trong giai đoạn này, giá thức ăn chăn nuôi lại giảm được 20.000đ/bao (25kg), sau khi trừ chi phí người nuôi có lãi hơn 500.000đ/con, khởi đầu năm mới khá phấn khởi cho người chăn nuôi.
“Tôi mới bán 8 con heo thịt vào ngày 16/3 vừa qua, đạt trọng lượng 80/kg/con, với giá 51.000đ/kg hơi, mỗi con heo tôi bán được hơn 4 triệu đồng. Từ khi heo con tập ăn đến khi xuất chuồng, mỗi con tiêu tốn hết 3 triệu đồng thức ăn chăn nuôi. Cộng thêm 300.000đ tiền thức ăn nuôi con mẹ từ lúc mang thai đến khi đẻ và chi phí vacxin tiêm phòng, tôi còn lãi hơn 500.000đ/con”, anh Nguyễn Văn Bình, người nuôi heo ở xã Ân Đức (huyện Hoài Ân, Bình Định) tính toán.
Hiện, trong chuồng nhà anh Bình đang có 100 con heo lớn nhỏ, đủ mọi lứa tuổi để mỗi tháng xuất chuồng khoảng vài ba chục con. Heo xuất chuồng theo kiểu “cuốn chiếu” như vậy nếu lứa này gặp lúc giá heo thấp cũng đỡ thất thu, hy vọng tháng sau xuất chuồng lứa khác giá bồng lên.
“Trong bối cảnh giá heo không ổn định, tôi không nuôi heo 1 lứa như những năm trước đây mà phải nuôi nhiều lứa nối tiếp nhau để “đón giá” nhằm tránh thất thu”, anh Bình bộc bạch.
“Những tháng đầu năm giá heo hơi trên địa bàn tăng khá, heo nuôi bằng con giống công nghiệp hiện có giá khoảng 55.000đ/kg, heo nuôi bằng con giống sản xuất trong nông hộ có giá 51.000đ/kg. Với cái giá này người chăn nuôi đã có lãi khá, nên bà con đang hồ hởi tái đàn”, ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định chia sẻ.