Cách trung tâm xã Tân Lâm chừng 10 km, giáp với xã Đinh Trang Thượng, giữa vùng đất đá, dẫn chúng tôi thăm quan vườn nhãn Hương Chi 4 năm tuổi của gia đình ông Nguyễn Văn Hoán.
Ông Nguyễn Văn Hoán chia sẻ: Năm 2019, ông tìm đến một số mô hình trồng nhãn Hương Chi cho hiệu quả cao ở tỉnh Đắk Lắk để học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc. Sau khi có kiến thức, ông mua 700 cây giống nhãn này về trồng thay thế vườn cà phê già cỗi cho năng suất thấp trên diện tích 1ha.
Nhờ áp dụng tốt các biện pháp chăm sóc, nên vườn nhãn sinh trưởng, phát triển tốt. Sau khi trồng được 2 năm, ông Hoán bắt đầu vận dụng kỹ thuật để cho nhãn ra hoa, đậu quả, áp dụng phương pháp “ép” cho nhãn ra trái quanh năm.
Ông Nguyễn Văn Hoán bên vườn nhãn Hương Chi đang cho thu hoạch.
Cũng theo lão nông này, trồng nhãn đòi hỏi phải tuân thủ quy trình sản xuất mới có kết quả như ý muốn. Trước khi nhãn đậu quả, phải cắt tỉa cành để cây tập trung những cành cho ra quả, bón thêm phân để giúp cây phân hóa mầm hoa. Trong giai đoạn nhãn ra quả cũng cần chăm sóc tỉ mỉ, phòng trừ bệnh nấm cho cây. Cách bón phân, xử lý thuốc phải bài bản, đúng thời điểm. Cái này phải dựa vào kinh nghiệm thực tế cây đang phát triển.
Cũng theo ông Hoán, để đạt hiệu quả kinh tế cao, ông đã chăm sóc, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc cây nhãn ra trái quanh năm. Cứ xoay vòng, trung bình mỗi tháng sẽ có 50 cây nhãn được cho thu hoạch. Nhờ vậy đầu ra sản phẩm rất ổn định, sản lượng tới đâu bán hết tới đó và không bị thương lái ép giá.
Nhãn Hương Chi có vị ngọt nhẹ, vỏ mỏng, thịt dày, hương thơm nên được mọi người ưa chuộng. Bình quân mỗi cây nhãn sẽ được ông để từ 20 – 25 kg/cây, với giá bán khoảng 25.000 đồng/kg, mỗi tháng gia đình thu về từ 25 – 30 triệu đồng.
Ông Trần Đại Chiến – Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Lâm cho biết, đây là cây trồng bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao so với các loại cây trồng khác tại địa phương. Nhãn Hương Chi tỏ ra thích nghi tốt với đất đai, khí hậu ở Tân Lâm.
Thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ nghiên cứu, tìm giải pháp nhân rộng mô hình trồng nhãn Hương Chi, giúp người dân trên địa bàn có thêm lựa chọn trong chuyển đổi cây trồng hiệu quả.
Thời gian qua nhiều nông hộ trên địa bàn xã Tân Lâm đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từ đó giúp phát triển kinh tế hộ gia đình. Nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả và cho thấy phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương. Đây sẽ là tiền đề để chính quyền địa phương định hướng cho người dân, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số tìm hiểu, từng bước phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, xóa đói giảm nghèo.