Trồng cây lá to, tốt um, nông dân một xã ở Ninh Thuận yên tâm đã có người mua

Xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) từng là “thủ phủ” của cây thuốc lá với sản lượng và chất lượng thuộc “top” đầu cả nước. Tuy nhiên, do thị trường và chính sách đầu tư thiếu đồng bộ nên diện tích cây thuốc lá thu hẹp dần.

Thế nhưng, 5 năm trở lại đây loài cây này dần “hồi sinh” và phủ xanh nhiều vùng đất khô cằn, mang lại thu nhập ổn định cho nông dân địa phương.

“Hồi sinh” thủ phủ thuốc lá ở Ninh Thuận

Trồng cây lá to, tốt um, nông dân một xã ở Ninh Thuận yên tâm đã có người mua- Ảnh 1.

Nông dân thu hoạch thuốc lá ở xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận. Ảnh: Đức Cường

Sau nhiều năm trồng những loạt cây trồng khác, gia đình ông Chamaleá Cảnh dân tộc Raglai ở thôn Mỹ Hiệp, xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) đã chuyển 7 sào (7.000 mét vuông) đất sản xuất nông nghiệp sang trồng cây thuốc lá.

Theo ông Cảnh, trồng cây thuốc lá ít sâu bệnh gây hại, thời gian cho thu hoạch nhanh hơn.

Đặc biệt, sản phẩm làm ra được doanh nghiệp thu mua tận nơi với giá cả ổn định nên hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn so với nhiều cây trồng khác.

“Trồng thuốc lá chỉ 4 tháng là cho thu hoạch nên mỗi năm có thể làm 3 vụ. Nếu được chăm sóc tốt, sản lượng có thể từ 2,5 – 3 tấn/ha.

Với giá bán từ 51.000 đồng/kg (khô) thì mỗi hecta trồng cây thuốc lá có thể thu về trên dưới 120 -150 triệu đồng. Trừ hết chi phí, nông dân có thể thu lãi ít nhất 30%….”, ông Cảnh cho hay.

Trồng cây lá to, tốt um, nông dân một xã ở Ninh Thuận yên tâm đã có người mua- Ảnh 2.

Nông dân Chamaleá Cảnh (bên trái) thu hoạch thuốc lá tại thôn Mỹ Hiệp, xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Đức Cường.

Cũng theo ông Cảnh, riêng vụ thuốc lá đang thu năm nay, 7 sào (7.000 mét vuông) của gia đình cho thu hoạch với năng suất hơn 2 tấn.

“Với giá 51.000 đồng/kg gia đình dự kiến thu lời khoảng 30 – 40 triệu đồng sau 4 tháng chăm sóc, hơn hẳn các cây trồng truyền thống ở địa phương…”, ông Cảnh phấn khởi nói.

Cách đó không xa, nông dân Tà Yên Thành Ao cũng đã có thu nhập ổn định nhiều năm nay nhờ chuyển đổi 1ha đất nông nghiệp sang trồng cây thuốc lá.

Nông dân Tà Yên Thành Ao cho biết, xã Mỹ Sơn từng là thủ phủ của cây thuốc lá nên hầu hết người dân đã có kinh nghiệm trồng và chăm sóc loại cây này.

Ngoài ra, thuốc lá cũng có thể được trồng luân canh với các loại rau màu khác từ đó tăng hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích sử dụng đất, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Trồng cây lá to, tốt um, nông dân một xã ở Ninh Thuận yên tâm đã có người mua- Ảnh 4.

Cây thuốc lá là cây giảm nghèo hiệu quả của nhiều nông dân ở xã Mỹ Sơn. Ảnh: Đức Cường

“So với trồng mỳ hay mía một năm chỉ thu hoạch một lần thì trồng thuốc lá có thể thu hoạch 2 – 3 vụ trong năm. Cây trồng ít sâu bệnh và giá cả ổn định nên nông dân không lo được mùa mất giá, được giá mất mùa như những cây trồng thời vụ khác…”, anh Ao cho hay.

Liên kết với doanh nghiệp để sản xuất thuốc lá

Hiện nay, vùng nguyên liệu thuốc lá ở xã Mỹ Sơn đã phát triển lên đến 100 ha, chủ yếu là giống thuốc lá Madole phục vụ cho xuất khẩu. Giống thuốc lá mới này rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết ở xã Mỹ Sơn nên chất lượng lá thuốc nguyên liệu tốt nhất so với cả nước.

Trồng cây lá to, tốt um, nông dân một xã ở Ninh Thuận yên tâm đã có người mua- Ảnh 5.

Thuốc lá sau thu hoạch được nông dân phơi khô tại ruộng. Ảnh: Đức Cường

Để phát triển kinh tế từ cây thuốc lá, hiện nông dân địa phương này đã chủ động liên kết với doanh nghiệp để phát triển vùng nguyên liệu thuốc lá mang tính bền vững và định hướng mở rộng vùng nguyên liệu lên 200ha vào năm 2025.

 

Cụ thể, nông dân liên kết được doanh nghiệp tư nhân hỗ trợ vốn 37 triệu đồng/ha và được khấu trừ vào cuối vụ. Sản phẩm thuốc lá làm ra được doanh nghiệp thu mua đảm bảo cho nông dân đạt 30% lợi nhuận trên tổng mức đầu tư và đi kèm chính sách chia sẻ rủi ro trong quá trình chăm sóc nên nông dân rất yên tâm sản xuất.

“Tất cả có công ty lo về vốn, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Nông dân chỉ bỏ công chăm sóc đến kỳ thu hoạch thì công ty thu mua với giá ổn định nên rất yên tâm…”, nông dân Tà Yên Thành Ao cho hay.

Ông Châm Ngọc Hoàng Lan, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) cho biết, hiệu quả kinh tế của cây thuốc lá ở xã Mỹ Sơn đã được kiểm chứng trên đồng ruộng là cơ sở để bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Nhờ cây thuốc lá mà nhiều nông dân có điều kiện vươn lên để phát triển kinh tế.

Trồng cây lá to, tốt um, nông dân một xã ở Ninh Thuận yên tâm đã có người mua- Ảnh 7.

Cây thuốc lá được đánh giá rất phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận. Ảnh: Đức Cường

“Đặc biệt, việc liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp cũng mở ra hướng đi mới giúp nông dân yên tâm sản xuất hơn, góp phần phát triển kinh tế để giảm nghèo bền vững trong đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương…”, ông Lan cho hay.

Trồng cây lá to, tốt um, nông dân một xã ở Ninh Thuận yên tâm đã có người mua- Ảnh 8.

Cây thuốc lá đang được nhân rộng nhờ hiệu quả trong việc liên kết sản xuất tại xã Mỹ Sơn. Ảnh: Đức Cường