Măng vầu có nhiều ở huyện Văn Chấn, Trấn Yên và thị xã Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái). Hằng năm vào mỗi độ tháng Giêng, khi mưa xuân bắt đầu lất phất cũng là lúc măng vầu bắt đầu nhú lên từ lòng đất. Đây cũng là lúc người dân lại rủ nhau lên rừng tìm và đào măng vầu ngọt.
Theo một số người dân ở đây cho biết, măng vầu ngon nhất là khoảng thời gian từ tháng 12 đến giữa tháng 3 âm lịch, đó là lúc những củ măng to, tròn và siêu ngọt.
Tuy nhiên, khi măng nhú cao lên khỏi mặt đất và bắt đầu có sấm, măng sẽ có vị đắng. Do đó, người dân chủ yếu lựa chọn những củ măng vẫn còn vùi sâu trong đất hoặc mới vừa nhú lên khỏi mặt đất.
Những ngày trung tuần tháng 3, chúng tôi theo chân chị Hoàng Thị Giang Nhiên (người dân tộc Tày, ở thôn Noong Tài, xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) lên rừng đào măng.
Khi những cơn mưa phùn còn chưa kịp dứt, chúng tôi leo lên khu vực núi cao, dốc, trơn trượt, len lỏi qua những khóm cây rừng rồi men theo những lối mòn mà người dân nơi đây đi tìm măng trước đó. Phải mất một khoảng thời gian khá lâu chúng tôi mới đến được khu vực được cho là có nhiều măng.
Chị Nhiên cho hay, để tìm và đào được măng vầu cũng tương đối vất vả, cần phải tinh mắt mới biết măng mọc ở đâu.
Với những cây măng đã nhú lên khỏi mặt đất, việc tìm kiếm dễ dàng hơn hẳn. Còn với những củ măng còn nằm sâu dưới lòng đất, cần để ý những chỗ có vết đất nứt nhỏ là chỗ măng chuẩn bị nhú lên khỏi mặt đất.
Khi đã xác định được vị trí, người dân sẽ dùng thuổng và dao để đào và cắt măng, đưa lên khỏi mặt đất.
“Việc đưa măng lên là khó khăn nhất, còn khó hơn cả lúc đào măng, nếu không cẩn thận măng sẽ rất dễ bị gãy.
Trong quá trình đào, phải chú ý không đào sát vào củ măng mà phải đào thành vòng rộng, tránh để thuổng cắt vào măng khiến măng bị đứt sẽ mất ngon và không còn đẹp mắt” – chị Nhiên chia sẻ.
Sau khi đã tìm và đào được số lượng măng kha khá, chúng tôi lại theo chân người dân xuống núi, quay trở lại con đường trơn trượt khi đi, mang theo chiến lợi phẩm là những củ măng trắng nõn nà.
Sau khi đem măng về, nếu để ăn, măng sẽ được sơ chế bằng cách bóc vỏ, làm sạch rồi luộc chín mới có thể để được lâu. Còn nếu mang ra chợ bán thì sẽ để nguyên cả vỏ cho măng tươi lâu hơn.
Theo chị Nhiên, cây vầu là loài cây bản địa, dễ chăm sóc và rất ít khi bị sâu bệnh. Hiện nay, gia đình chị đang có khoảng 5.000m2 diện tích trồng lấy măng do bố mẹ để lại từ xưa. Ngoài việc lấy măng về ăn, vợ chồng chị còn lấy măng để bán cho thương lái với giá bán từ 10.000 – 15.000 đồng/kg.
Măng vầu đầu mùa có vị ngọt đậm và giòn hơn hẳn nên có thể được bán với giá 40.000 đồng/kg. Còn thời điểm rộ thì măng vầu có giá bán trung bình từ 15.000 – 25.000 đồng/kg.
Bên cạnh việc thu hoạch măng vầu, hàng năm gia đình chị còn chọn những cây măng to, khỏe để lại làm cây bố mẹ nhằm duy trì phát triển cho những năm sau.
Chị Hà Thị Tâm, quê Yên Bái hiện đang sinh sống và làm việc tại Bắc Giang cho biết: “Hằng năm cứ mỗi dịp Tết Nguyên đán, tôi lại có dịp về thăm bố mẹ.
Khi đó tôi sẽ cùng các anh chị lên rừng tìm măng hoặc nếu không có thời gian thì tôi sẽ ra chợ mua măng vầu về làm quà cho họ hàng bên nhà chồng.
Ai ăn cũng khen ngon và yêu thích món măng vầu này. Măng vầu có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như xào tỏi, hầm xương, nướng hoặc luộc cả vỏ trên bếp củi rồi chấm mẻ ăn sẽ có vị ngon ngọt đặc trưng…”.