Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cảnh báo, La Nina có thể dẫn tới một mùa bão dữ dội hơn.
La Nina quay trở lại!
Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết, hiện tượng El Nino sẽ suy yếu dần và chuyển sang trạng thái trung tính (ENSO, tức là không có El Nino và La Nina) trong khoảng thời gian từ tháng 4-6/2024 với xác suất 75-80%. Tiếp theo, từ tháng 7-9/2024, hiện tượng La Nina sẽ xuất hiện với xác suất 55-65%.
Trong bản tin cập nhật mới nhất của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) thì sau 1 năm hứng chịu tác động mạnh từ El Nino, đến nay khi hiện tượng này dần suy yếu thì thế giới sẽ đối mặt với hiện tượng La Nina vào nửa cuối năm 2024.
El Nino (nghĩa là “Cậu bé” trong tiếng Tây Ban Nha) năm 2023-2024 đã gây thời tiết nóng, khô ở châu Á; và gây mưa lớn bất thường, lũ lụt ở nhiều vùng của châu Mỹ.
Định nghĩa hiện tượng La Nina (nghĩa là “Cô bé” trong tiếng Tây Ban Nha), cơ quan Dịch vụ Thời tiết Quốc gia Mỹ (NWS) cho biết, La Nina đề cập đến sự giảm nhiệt định kỳ của nhiệt độ bề mặt đại dương ở vùng xích đạo và phía đông Thái Bình Dương. Thông thường, các sự kiện La Nina xảy ra khoảng 3 đến 5 năm một lần, nhưng đôi khi có thể xảy ra trong nhiều năm liên tiếp.
Sự kiện La Nina gần đây nhất diễn ra từ tháng 9/2020 đến cuối năm 2022, New York Times cho biết.
Tác động của La Nina trên toàn cầu
Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết, cả El Nino và La Nina đều là những kiểu khí hậu ở Thái Bình Dương có thể có tác động toàn cầu đến thời tiết, cháy rừng, hệ sinh thái và nền kinh tế.
Riêng La Nina, dưới nghiên cứu của các nhà khoa học, hiện tượng này xuất hiện mang đến những tác động tiêu cực và tích cực cho con người và sinh vật biển. Cụ thể:
Dẫn đến mùa bão dữ dội hơn
Sự xuất hiện của La Nina đồng nghĩa với việc vùng nước lạnh ở 2 khu vực xích đạo và đông Thái Bình Dương khiến gió ở tầng trên Đại Tây Dương giảm đi. Kết quả là gió đứt trong khí quyển cũng giảm theo, điều này tạo điều kiện cho các cơn bão lớn, cuồng phong xuất hiện ở Thái Bình Dương.
Ngược lại với El Nino, việc La Nina xuất hiện sẽ khiến các vùng ở châu Mỹ khô, nóng hơn, gây hạn hán ở Nam Mỹ – trong khi các nước vùng Đông Nam Á, châu Á sẽ hứng chịu nhiều mưa, tuyết, bão hơn. NOAA cảnh báo: La Nina cũng có thể dẫn tới một mùa bão dữ dội hơn.
Xoa dịu nhiệt độ toàn cầu
Theo các nhà khoa học, La Nina có xu hướng làm dịu nhiệt độ toàn cầu khi nó xuất hiện và tồn tại, dẫu vậy, La Nina không thể nào xoa dịu được nhiều hiện tượng nóng lên toàn cầu đang diễn ra mạnh trên toàn thế giới, với nguyên nhân phần lớn đến từ biến đổi khí hậu nhân tạo.
Hỗ trợ sinh vật biển
Ngoài ra, NOAA cho biết, trong thời kỳ La Nina, vùng nước ngoài khơi Thái Bình Dương lạnh hơn và chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn bình thường. Môi trường này hỗ trợ nhiều sinh vật biển hơn và thu hút nhiều loài nước lạnh hơn, như mực và cá hồi, đến những nơi như bờ biển California, Mỹ.
Tác động của La Nina tại Việt Nam
Riêng với Việt Nam, sự xuất hiện của La Nina có thể khiến bão, áp thấp nhiệt đới xuất hiện nhiều hơn. Tại miền Trung và miền Nam của chúng ta sẽ đối mặt với mưa lớn và lũ lụt thường xuyên hơn.
Trả lời phỏng vấn của VnExpress hồi tháng 2/2024, PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà, Viện trưởng Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, cho biết các đợt La Nina điển hình xảy ra vào năm 1998-2000, 2007-2008, 2010-2011 và 2020-2022.
Trong đó, đợt rét đậm, rét hại 38 ngày vào tháng 1-2/2008 đã làm 180.000 ha lúa, gần 110.000 vật nuôi bị chết, thiệt hại ước tính 400 tỷ đồng.
Thời kỳ La Nina 2020-2022 cũng ghi nhận nhiều thiệt hại. Trong đó, năm 2020 cả nước có 16/22 loại hình thiên tai, với 14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới; 120 trận lũ quét, sạt lở đất; 265 trận giông, lốc, sét… làm 357 người chết và mất tích, tổng thiệt hại trên 39.960 tỷ đồng.
Riêng thiên tai năm 2022 ở nước ta đã làm 175 người chết, mất tích, thiệt hại kinh tế gần 19.500 tỷ đồng.