Chọn chồng cho mình hay chọn cha cho con?

Cay đắng, mất niềm tin vào hôn nhân là tâm lý chung của nhiều chị em khi bước qua đổ vỡ. Nỗi đau ấy đã khiến họ rất ngại ngần trước cơ hội tìm đến hạnh phúc mới.

Tái hôn, rổ rá cạp lại, con anh con em con chúng ta, với bao điều ngổn ngang khi đứng trước một ngã rẽ mới càng khiến họ thêm âu lo.

Đến giờ, mỗi lần nhớ lại buổi đầu cuộc hôn nhân thứ hai của mình, chị Thu Hường vẫn đùa là khi đó chị có cảm giác hai mẹ con chị đang là những chú cừu trong chuồng, người đàn ông ấy là chó sói đứng bên ngoài.

Con sói ranh mãnh ấy thò từng chân vào cái chuồng thăm dò, chỉ muốn nhảy vào “ăn thịt” cả mẹ lẫn con, nhưng chị lại không nhìn thấy nanh vuốt của sói, chỉ thấy chân và tai. Mà cái tai thì vẫy vẫy đùa vui, cái chân thò ra bắt đầy thân thiện khiến con chị thích thú. Thế là chị mở rộng cửa đón “sói”.

Chon chong cho minh hay chon cha cho con?
Ảnh minh họa

Cái chân và cái tai của con sói

Đàn ông thời nay, khi có tình ý với phụ nữ đã có con đều hiểu rõ việc đầu tiên là phải chinh phục cho được con của cô ấy. Cho nên, dù chưa yêu thương gì đứa trẻ, họ cũng làm ra vẻ rất yêu.

Thu Hường là một phụ nữ khá xinh đẹp. Chị chia tay trong hòa bình với chồng cũ, sau một thời gian hai vợ chồng làm ăn tương đối thành công, Chị được chia một khối tài sản không nhỏ: một căn nhà mặt tiền ở quận 3, một chiếc xe hơi và một tài khoản khá lớn trong ngân hàng.

Con trai chị học trường quốc tế, theo thỏa thuận sẽ được bố chu cấp toàn bộ tiền ăn học. Cho nên, sau ly hôn cuộc sống của chị cũng sung túc, thảnh thơi. Thu Hường nghĩ, mình sẽ không lập gia đình lần nữa, sống như thế này đã là vui. Vật chất không thiếu, bạn bè nhiều, con ngoan… còn lập gia đình chi để… chuốc họa vào thân.

Thế nhưng, 5 năm qua Hường gặp không ít khó khăn vì “tài tử giai nhân” cứ dập dìu. Có những thời điểm đến ba – bốn người theo đuổi chị. Trai tân có, ly hôn có, thậm chí cả người đã có vợ con. Tất cả chị đều từ chối vì chưa thấy ai thật lòng yêu… con trai của chị, dù khi đó nhà chị lúc nào cũng ngập quà bánh và đồ chơi những người đó mang đến “dụ” thằng bé. Thằng bé cũng chẳng quyến luyến hay chấp nhận người nào.

Rồi Hoàng xuất hiện. So với những người từng theo đuổi Hường, Hoàng rất bình thường, thậm chí còn thua kém nhiều mặt. Một nhân viên văn phòng, đã ly hôn, nhà riêng chưa có, sống chung với bố mẹ và vợ chồng người em trai trong một căn hộ chung cư nhỏ. Cũng như tất cả những người khác, khi đến với Hường, Hoàng rất quan tâm đến cậu con trai nhỏ của chị.

Nhưng, cách quan tâm của anh có khác, không phải bằng quà cáp, mà anh chủ động giúp Hường đưa đón con đi học, đưa thằng bé đi tập bơi, học võ và chơi với thằng bé những trò chơi trí tuệ. Sau này nghĩ lại, Hường nhận ra mình quyết định đến với người đàn ông đó chỉ vì một câu nói của con trai: “Bác ấy cười hiền quá mẹ nhỉ”.

Mõm và răng sói

Yêu nhau khoảng nửa năm họ kết hôn. Sau nhiều lần bàn bạc, suy tính, Hoàng khẳng định anh không bao giờ về sống chung nhà Hường để mang tiếng đào mỏ, nên hai người chọn phương án tối ưu nhất là cùng góp tiền mua chung một căn nhà, dọn về sống chung.

Tất nhiên, Hường có điều kiện hơn, nên đóng góp nhiều hơn. Căn nhà còn là để đẹp mặt cho cuộc hôn nhân, nên được mua trước khi cưới và phải đứng tên anh. Hường chẳng lấy đó làm điều vì thông cảm với anh và đang hạnh phúc vì đã tìm được một người làm bố con trai mình, được thằng bé chấp nhận và yêu thương. Với chị, như vậy là đã quá đủ.

Chung sống một thời gian, những phức tạp dần được phơi bày, chị nhận ra anh là người rất độc đoán và gia trưởng. Hoàng thì bực tức vì mọi thứ của Hường anh đều đã kiểm soát được, kể cả tiền bạc và các mối QH cá nhân, chỉ riêng những gì liên quan đến con trai Hường là anh không thể chen vào được.

Trong suy nghĩ của Hoàng, anh là chủ gia đình thì phải làm chủ được tất cả, bao gồm luôn những quyết định liên quan đến việc giáo dục con trai của vợ. Nhưng, điều đó thật sự không đơn giản.

5 năm làm mẹ đơn thân đã tạo cho gia đình nhỏ của Hường và con những nền nếp riêng, mà ưu tiên số một luôn dành cho thằng bé. Thương con thiếu cha, lại tự cho đó là lỗi của mình, nên Hường luôn gắng bù đắp cho con bằng mọi cách. Cậu bé dù được mẹ dạy dỗ khá nghiêm khắc nhưng vẫn hiểu rất rõ mình là trung tâm vũ trụ.

Từ khi nhà có thêm người đàn ông mới, gia đình đâm ra lại có đến hai “trung tâm”, hình thành những xung đột ngấm ngầm không thể tránh khỏi. Để từng bước nắm quyền kiểm soát hoàn toàn, Hoàng lần lượt đặt ra những quy định mới, kiểu như biết thằng bé thường xem ti vi trong lúc ăn cơm, anh cấm. Biết thằng bé hay nằm nướng vào các buổi sáng nghỉ học, anh cấm.

Tuy có những điều anh quy định là rất đúng, nhưng cách ứng xử căng thẳng và quyết liệt của anh với thằng bé như với một người lớn, khiến Hường không khỏi chạnh lòng. Nếu nó là con anh, chắc anh đã không cứng nhắc và nguyên tắc như thế. Học kỳ năm ấy, thằng bé đạt loại giỏi, lọt vào top 5 của lớp.

Nó nhắc mẹ đã hứa thưởng cho nó chiếc máy vi tính. Hoàng cương quyết không đồng ý, bảo: “Con mới học lớp 7, cần máy vi tính để làm gì?”. Anh yêu cầu thằng bé phải nói cho được 10 lý do nó cần thiết phải có máy, nếu không đủ, anh không cho phép mua.

Chuyện càng căng thẳng thêm khi đến tai ông bà ngoại thằng bé. Nhân mới rút một khoản tiết kiệm kha khá, ông bà ngoại tuyên bố cho cháu tiền mua máy, khỏi phải xin phép ai. Hoàng vẫn khăng khăng không chấp nhận. Đỉnh điểm là Hoàng yêu cầu vợ: “Anh không nuôi con anh thì em cũng không được nuôi con em. Cho nó về ở với ông bà ngoại đi. Họ thương nó và có như vậy gia đình ta mới yên ổn”.

Nghe lý luận của anh, Hường sững người: “Con anh do vợ anh nuôi nhưng anh vẫn tới lui chăm sóc. Con em đã không có bố, giờ anh còn muốn nó phải mất cả mẹ nữa sao? Mà ba má em đâu có nghĩa vụ phải nuôi con em! Anh nói thế là không thương thằng bé và không xem nó là người trong “gia đình ta”, làm sao em tiếp tục sống được với anh?”.

Vết rạn nứt lớn dần, ngoác miệng nuốt chửng mọi niềm vui. Bốn năm sau, gia đình thứ hai của Hường tan vỡ. Chia tay rồi, chị vẫn lưu giữ mãi trong điện thoại tin nhắn cuối cùng của anh, thỉnh thoảng lại cho bạn bè xem: “Em lúc nào cũng chỉ chọn con, anh chẳng có vị trí nào trong nhà cả, vậy thì tại sao ta phải sống với nhau?”.

Sói và cừu có thể chung sống?

Chon chong cho minh hay chon cha cho con?

Dù  đã chọn phương án quyết liệt nhất là chia tay để bảo vệ con, nhưng đôi lúc chị Hường vẫn có cảm giác ân hận. Chị bảo, chỉ nghe ông bà nói mẹ ghẻ con chồng, có nghĩa là QH cha dượng – con vợ không phải là loại QH gay cấn và nhiều xung đột. Vậy thì vì sao mình lại nằm trong thứ “hàng hiếm” đó? Phải chăng vì mình đã không khéo léo ngay từ đầu?

Chị Thanh Yên, một giảng viên đại học, người cũng đi bước nữa cùng đứa con gái ba tuổi và đã chung sống được hơn 20 năm với người chồng sau, đúc kết: “Điều quan trọng là ngay từ đầu phải nhận cho rõ tình yêu thương thật sự, sự bao dung thật sự, sự chấp nhận thật sự của người đàn ông sẽ trở thành cha của con mình. Đừng bị quáng mắt, đánh lừa bởi những cách làm màu.

Đồng thời, hãy thẳng thắn bàn bạc với nhau những nguyên tắc chung trong mọi vấn đề gia đình, đặc biệt là việc nuôi dạy con cái. Con trẻ rất nhạy cảm, hiểu được các tình huống và hoàn cảnh rất nhanh, nên có thể bị tổn thương hoặc sẽ tranh thủ lợi dụng tình thế. Dù thế nào thì những mâu thuẫn gia đình chắc chắn không tránh khỏi”.

Chị kể, khi gặp người mới và được anh cầu hôn, chị đã tuyên bố thẳng: “Với em, con luôn là số một và anh phải chấp nhận điều đó. Tuy nhiên, em luôn sẵn sàng bàn bạc, thỏa thuận để chúng ta tìm cách giải quyết chung, vừa không khiến con ỷ lại, vừa không làm con tổn thương”.

Sự cứng rắn và mềm dẻo đúng lúc, kết hợp với sự công bằng và tỉnh táo đã giúp chị đi qua hơn 20 năm cheo leo của cuộc hôn nhân thứ hai, giúp con chị luôn kính trọng mọi quyết định của người cha thứ hai và người chồng thứ hai này luôn hoàn thành trách nhiệm yêu thương, chăm sóc con riêng của vợ.