Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian qua, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) triển khai nhiều giải pháp khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế giá trị của cây sen và ngành hàng vịt trên địa bàn huyện. Đồng thời tổ chức sản xuất, đổi mới hình thức liên kết hợp tác, hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất 2 ngành hàng này.
Theo UBND huyện Tháp Mười, trong năm 2024, huyện sẽ tập trung phát triển diện tích sen đạt 840ha; có 2 mã vùng trồng sen được cấp mã số; đầu tư hạ tầng phục vụ vùng nguyên liệu trồng sen góp phần tăng diện tích vùng trồng sen theo quy hoạch. Đồng thời phát triển thêm ít nhất 2 sản phẩm OCOP từ sen đạt chứng nhận 3 – 4 sao, phấn đấu có 1 sản phẩm 4 sao lên 5 sao. Phối hợp, tổ chức thực hiện các mô hình trình diễn theo hướng an toàn gắn với liên kết, tiêu thụ sen; triển khai thực hiện Đề án mô hình điểm phát triển sản phẩm OCOP sản phẩm từ sen trên địa bàn huyện Tháp Mười…
Đối với ngành hàng vịt, huyện phấn đấu đến cuối năm 2024, tổng đàn vịt của huyện đạt 889.000 con. Sản lượng thịt vịt xuất chuồng đạt 718,2 tấn; sản lượng trứng vịt đạt 55,86 triệu trứng. Phấn đấu tỷ lệ liên kết tiêu thụ đạt trên 30%, sản lượng trứng liên kết tiêu thụ 29.200 trứng/ngày, tỷ lệ nuôi theo phương thức tiên tiến đạt trên 10%.
Phấn đấu xây dựng 1 trang trại chăn nuôi vịt kiểu mẫu có liên kết sản xuất, tiêu thụ với các doanh nghiệp; hướng dẫn xây dựng thêm ít nhất 1 cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh dựa trên cơ sở các trang trại chăn nuôi kiểu mẫu, các mô hình nuôi vịt tuần hoàn và tổ hợp tác chăn nuôi vịt. Đồng thời xây dựng 1 mô hình thực hiện truy xuất nguồn gốc ngành hàng vịt (áp dụng thực hành nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ…).
Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra, UBND huyện Tháp Mười quy hoạch và phát triển vùng sản xuất sen quy mô lớn, tập trung tạo vùng nguyên liệu phục vụ cho một số ngành nghề liên quan như: công nghiệp chế biến, du lịch, dịch vụ. Trong đó, tập trung quy hoạch và đầu tư phát triển 3 vùng sản xuất nguyên liệu sen luân canh với các cây, con khác tập trung theo chuỗi giá trị tại các xã: Trường Xuân, Mỹ Hòa, Tân Kiều; Hưng Thạnh và Thạnh Lợi.
Bên cạnh đó, khuyến khích người dân chuyển đổi sản xuất 1 vụ lúa – 1 vụ sen, cá tại những nơi phù hợp; đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất và liên kết tiêu thụ. Hiện đại hóa hệ thống thủy lợi phục vụ chuyển đổi phát triển nông nghiệp bền vững và tạo điều kiện thuận lợi ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư, nâng cấp công trình thủy lợi cho các vùng sản xuất sen – cá, sen – lúa và sen kết hợp du lịch.
Đồng thời thực hiện cấp mã số vùng trồng gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho các vùng sen nguyên liệu và sản phẩm chế biến. Mặt khác phát triển sản phẩm OCOP từ nguyên liệu sen gắn với xây dựng vùng nguyên liệu được cấp mã số vùng trồng, định hướng sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, quản lý tài nguyên và bảo tồn đa dạng sinh học, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, góp phần bảo tồn thiên nhiên, duy trì cảnh quan nông thôn và bảo vệ môi trường.
Huyện cũng tăng cường tìm kiếm thị trường, kết nối trong và ngoài tỉnh, đẩy mạnh việc quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Sen Tháp Mười” trong và ngoài nước. Chú trọng đến việc gia công, chế biến sạch gắn với xây dựng thương hiệu sen để phân phối vào các kênh hệ thống bán lẻ trong và ngoài nước. Thực hiện các hình thức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân thông qua hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm…
Về ngành hàng vịt, huyện tập trung định hướng, quy hoạch, xây dựng vùng chăn nuôi vịt tập trung. Trong đó, tiếp tục định hướng, khuyến khích phát triển chăn nuôi vịt tập trung tại các xã có thế mạnh tùy theo tình hình thực tế, chú trọng phát triển ở các xã: Trường Xuân, Hưng Thạnh, Thạnh Lợi. Phối hợp, hỗ trợ con giống chất lượng cao cho các mô hình chăn nuôi vịt tuần hoàn nhằm từng bước cải tạo con giống và tạo tiền đề để phát triển và nhân rộng mô hình bền vững trên địa bàn.
Phấn đấu xây dựng 1 trang trại chăn nuôi vịt kiểu mẫu, hướng đến sản xuất giống với hệ thống chuồng trại đạt tiêu chuẩn vệ sinh thú y, có liên kết sản xuất – tiêu thụ; khuyến khích chăn nuôi kết hợp sản xuất điện năng lượng mặt trời để tăng hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích. Ngoài ra, khuyến khích các doanh nghiệp có khả năng đầu tư vào ngành chăn nuôi vịt theo chuỗi khép kín và hỗ trợ, hướng dẫn người chăn nuôi sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường…
Ông Đinh Công Phủ – Phó Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười cho biết, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục khai thác, sử dụng có hiệu quả tiềm năng đất đai, trên cơ sở phát huy lợi thế giá trị của cây sen trên địa bàn huyện.
Trong đó, phát triển ngành hàng sen hướng tới mục tiêu “giảm chi phí, nâng cao chất lượng, tăng sản phẩm chế biến”; phát triển sản phẩm theo hướng chất lượng, an toàn, có giá trị gia tăng cao, theo nhu cầu thị trường, an toàn thực phẩm và bền vững.
Với ngành hàng vịt, huyện sẽ phát triển theo hướng giảm dần tỷ trọng người nuôi vịt nhỏ lẻ, nuôi vịt chạy đồng và tăng dần số hộ chăn nuôi vịt tập trung, quy mô lớn, nuôi trang trại. Xây dựng mối liên kết theo chuỗi giá trị, kết nối sản xuất – tiêu thụ giữa người chăn nuôi với các doanh nghiệp theo hướng bền vững; ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, áp dụng các quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và các tiêu chuẩn khác vào chăn nuôi theo yêu cầu thị trường…