Sau thu hoạch, việc đồng áng tạm gác lại, chờ vụ mới, nhiều lao động nông thôn ở tỉnh Bạc Liêu tranh thủ lúc nông nhàn đi săn chuột đồng, hoặc cắt năn tượng phơi khô bán cho các cơ sở đan đát để kiếm thêm thu nhập cho gia đình.
Săn bắt chuột đồng
Vài năm trở lại đây, khi chuột đồng trở thành món đặc sản thì người dân các huyện chuyên canh lúa như: Hòa Bình, Vĩnh Lợi, Phước Long thường đổ xô bắt chuột sau vụ thu hoạch.
Không ít lao động nông thôn xem đây là nghề “hái” ra tiền những lúc nông nhàn.
Dạo một vòng quanh các tuyến đê bao, nhìn về phía những đám ruộng mới cắt được ít ngày trên địa bàn xã Châu Hưng A (huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu), không khó để bắt gặp hình ảnh những nhóm nhỏ nông dân từ 3 – 4 người đang săn bắt chuột.
Nông dân Nguyễn Văn Thương (xã Châu Hưng A) chia sẻ: “Vào vụ lúa thì tôi tham gia đội máy cắt đi thu hoạch lúa, hoặc bốc vác…Những lúc nông nhàn thì ai thuê gì làm đó, hoặc cùng mọi người đi bắt chuột đồng bán.
Hôm nào bắt được nhiều chuột đồng thì mỗi người kiếm được gần 200.000 đồng/ngày; còn bắt được ít hơn thì anh em chia nhau về chế biến món ăn”.
Dụng cụ bắt chuột đồng của bà con khá đơn giản, thường chỉ là cuốc, thuổng, rọ, bao tải để đựng chuột.
Anh Nguyễn Văn Thương, nông dân xã Châu Hưng A (huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) và bạn bè vây bắt chuột đồng. Ảnh: C.L
Bắt chuột thì dễ, nhưng để bắt được nhiều chuột thì người trong nghề phải quan sát nắm bắt được khu vực nào có nhiều chuột thông qua việc phát hiện nơi đó có nhiều cỏ, lau sậy và những gốc rạ vừa mới cắt.
Ngoài phương pháp đào hang, hun khói, nhiều người làm nghề săn bắt chuột đồng còn làm lưới giăng xung quanh bờ ruộng. Kế đó, người bắt chuột sử dụng lon bia để tạo tiếng động, đặt mồi nhử nhằm đuổi, dụ chuột nên không tốn nhiều chi phí.
Trung bình mỗi đêm có thể bắt được từ 5 – 10kg chuột đồng bán cho thương lái với giá chuột đồng nguyên lông từ 30.000 – 45.000 đồng/kg.
Việc bắt chuột đồng tuy chi phí đầu tư thấp nhưng đòi hỏi phải có sự kiên trì, chịu khó lặn lội ở nhiều nơi, nhiều cánh đồng và còn phải làm việc trong đêm khuya.
Bù lại nỗi vất vả đó là có thêm thu nhập cho gia đình trong lúc nông nhàn, vừa góp phần tiêu diệt chuột-loài gặm nhấm hoang dã chuyên phá hại hoa màu, góp phần bảo vệ mùa màng…
Chuột đồng chiên, chuột đồng nướng là những món đặc sản, món ngon chế biến từ thịt chuột đồng ở các vùng nông thôn tỉnh Bạc Liêu sau mỗi vụ lúa.
Phơi, bán cây năn tượng
Những năm gần đây, cùng với sợi lục bình khô, cây năn tượng cũng đang được rất nhiều cơ sở đan đát, hợp tác xã thu mua để làm các mặt hàng thủ công mỹ nghệ.
Đây cũng là một trong những công việc “hái” ra tiền cho nhiều nông dân trong lúc chờ vào vụ lúa mới.
Nếu như trước đây, năn tượng thường được trồng trên các vuông tôm nuôi thâm canh, xen canh chủ yếu chỉ để “lấy bóng mát” làm nơi trú ngụ cho tôm, cua, cá trong vuông thì những năm gần đây, cây năn tượng dần trở thành nguồn nguyên liệu chính trong nhiều mặt hàng đan đát.
Nhiều mặt hàng đan đát ở tỉnh Bạc Liêu đang được xuất đi nhiều nước trên thế giới và rất được ưa chuộng.
Minh chứng cho điều này là nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã đan đát năn tượng được thành lập và đi vào hoạt động, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn.
Năn tượng được chọn để làm nguyên liệu đan đát phải là loại còn xanh, dài từ 80cm trở lên, từ 10kg cỏ tươi sau khi phơi sẽ thu được khoảng 1,3kg khô.
Nếu nắng tốt, từ 4 – 6 ngày sẽ cho ra sợi năn tượng khô thành phẩm. Trung bình, mỗi tấn năn tượng khô được thu mua với giá từ 750.000 – 800.000 đồng.
Bà Trịnh Hồng Thúy (TX Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) cho biết: “Nghề cắt và phơi năn tượng không khó nhưng cực. Nếu chịu khó, mỗi người cũng có thể kiếm được vài trăm ngàn đồng. Tuy số tiền không lớn nhưng cũng đủ chi tiêu lặt vặt trong lúc chờ vào vụ mới hoặc trong thời gian chờ tìm việc”.