Theo anh Phong, khi giá thanh long xuống thấp, cũng như bao nông dân trồng thanh long ở tỉnh, anh quay quắt tìm cách “trồng cây gì, nuôi con gì” mang lại hiệu quả kinh tế để nuôi gia đình. Và cuối cùng, anh quyết định trồng tre tứ quý nghịch vụ lấy măng.
Chặt hết vườn thanh long trồng tre tứ quý nghịch vụ lấy măng
Anh Phong cho biết, hơn 1 năm trước anh chặt bỏ hết vườn trồng thanh long để trồng tre tứ quý lấy măng.
Giờ mảnh vườn có diện tích 2.000m2 trước đây trồng thanh long của anh Phong đã biến thành vườn trồng tre tứ quý nghịch vụ lấy măng xanh um, rợp mát với 150 gốc tre đang cho măng.
Những “mục” măng to đùng, mập ú đâm thủng mặt đất đang hằng ngày cho anh Phong nguồn thu đảm bảo cuộc sống ổn định cho gia đình.
Chia sẻ về hiệu quả của mô hình trồng tre tứ quý lấy măng, anh Phong cho biết trồng tre tứ quý có nhiều ưu điểm, như chi phí đầu tư thấp, ít tốn công chăm sóc, tre tứ quý thích hợp cho mọi loại đất, dễ trồng, thu hoạch măng quanh năm…
“Chỉ cần bón lót phân hữu cơ, phân chuồng ủ hoai mục và tưới nước đầy đủ là chờ thu hoạch măng”, anh Phong thổ lộ.
Để cây tre tứ quý phát triển trên vùng đất phèn nặng, trước khi trồng anh Phong lên liếp để vừa xả phèn, vừa tạo kênh để lấy nước tưới vườn tre.
Theo anh Phong, trung bình cứ 1.000m2 đất trồng được 100 cây tre tứ quý giống. Mỗi cây cách nhau 3m, hàng cách hàng 3m. Tre tứ quý trồng khoảng 8 tháng cho thu hoạch măng đợt đầu.
Trồng khoảng 10 tháng trở đi, mỗi bụi tre có thể cho 10 mục măng/tháng, trọng lượng khoảng 2kg/mục măng. Cây tre tứ quý cho thu hoạch măng 10 tháng liên tục và nghỉ 2 tháng để tre thay lá.
Theo anh Phong, trong quá trình trồng tre tứ quý lấy măng, nông dân phải thường xuyên tỉa cành, dọn vườn để tạo môi trường thông thoáng, vun gốc tre, ủ rơm giữ ẩm gốc nhằm kích thích cây ra măng.
Bên cạnh đó, hằng năm phải đốn bỏ những cây tre già trong vườn và tạo cây mới. Mỗi bụi tre chỉ giữ lại 2 – 3 cây, để tre nhanh cho măng, to mập.
Rút kinh nghiệm tình trạng vào vụ sẽ “đụng hàng, dội chợ” như từ ngày còn trồng thanh long, anh Phong quyết tâm theo đuổi cách trồng tre tứ quý nghịch vụ.
Anh Phong chia sẻ, vào vụ nghịch (mùa nắng) măng tre có giá cao nên anh phải đang tập trung làm măng vụ nghịch. Việc trồng tre tứ quý vụ nghịch cũng khá đơn giản, chủ yếu tăng cường bón phân, vun đất cho gốc, tưới nước mỗi lần/tuần…
“Để có măng trái mùa, phải dọn vườn, vô phân, rồi tưới nước. Nói chung, phải siêng năng chăm sóc vườn tre”, anh Phong bộc bạch.
Có điều anh Phong lưu ý, không chừa măng để nuôi thành cây vào mùa nắng, vì khi ấy bụi tre sẽ dồn sức nuôi cây, chứ không cho măng nữa.
Trồng tre tứ quý nghịch vụ lấy măng sống ổn
Măng tre tứ quý có đặc điểm vỏ xanh, không lông, thịt trắng, không có hậu đắng như các loại măng khác, khi luộc qua lửa sẽ có màu vàng tự nhiên. Măng tre tứ quý có vị ngọt, giòn.
Theo đó, từ năm thứ hai trồng tre tứ quý nghịch vụ lấy măng, mỗi gốc tre cho sản lượng 30 – 40kg măng. Từ năm thứ ba trồng, mỗi gốc cho sản lượng 60 – 80 kg. Và từ năm thứ tư trồng, tre sẽ cho thu hoạch ổn định. Dự kiến, mỗi gốc tre cho sản lượng 100 – 120 kg măng/năm.
Trung bình trong năm, vào mùa thuận, giá măng bán cho thương lái 10.000-15.000 đồng/kg. Tuy nhiên, vào mùa nghịch, giá măng 30.000 – 40.000 đồng/kg.
Theo anh Phong, dù mới trồng tre tứ quý nghịch vụ lấy măng, nhưng vườn tre đang cho thu nhập khá tốt.
Ngoài thu hoạch măng bán, anh Phong còn chiết cành, tạo giống tre tứ quý bán cho nông dân. Hiện, anh Phong đang bán giống tre tứ quý với giá 18.000 đồng/cây.
Được biết, mô hình trồng tre tứ quý lấy măng của anh Phong đang được chính quyền địa phương chuẩn bị nhân rộng nhằm giúp tạo sinh kế và tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Tre tứ quý có nguồn gốc từ Đài Loan, được trồng ở nước ta vài năm trở lại đây. Đây là giống tre dễ trồng, thích nghi với nhiều loại đất, đặc biệt có thể trồng trên các loại đất bạc màu không canh tác được các cây trồng khác.
Măng là một trong những thực phẩm phổ biến và được sử dụng trong nhiều món ăn Việt, được thị trường ưa chuộng.
Hiện, măng tre tứ quý có thị trường tiêu thụ khá ổn định, ngoài bán măng tươi có thể làm măng chua, măng khô, chế biến thành nhiều món ăn ngon.
Ngoài làm thực phẩm, măng có chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe và có thể giúp ngăn ngừa, điều trị một số bệnh lý nhất định, như giảm cân, giúp kiểm soát cholesterol, tốt cho tim mạch, giúp tăng cường hệ miễn dịch, chống ung thư, chống viêm, kháng khuẩn…