Bảo tồn nguồn gen quý và nhân giống gà bản địa Mã Đà vốn có nguy cơ tuyệt chủng là một trong những đề án nghiên cứu được Trung tâm Nghiên cứu và phát triển chăn nuôi gia cầm VIGOVA (Trung tâm Vigova) đang triển khai thực hiện tại Đồng Nai.
Mục tiêu của đề tài này không chỉ bảo tồn vật nuôi bản địa quý hiếm mà còn là mô hình kinh tế chăn nuôi hộ gia đình mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Với đặc điểm vẻ ngoài ấn tượng: da đen, lông trắng (giống loài chim hơn gia cầm), loài vật này vừa có giá trị nuôi làm vật cảnh, vừa có giá trị là đặc sản với thịt, trứng không chỉ thơm ngon mà còn mang giá trị dinh dưỡng cao.
Bảo tồn nguồn gen quý bản địa
Theo tiến sĩ Hoàng Tuấn Thành, Giám đốc Trung tâm VIGOVA, gà Mã Đà là giống gà bản địa tại huyện Vĩnh Cửu, được một số ít nông hộ tại xã Mã Đà nuôi.
Đây là giống gà có nguồn gen quý, đang có nguy cơ tuyệt chủng nhưng có nhiều tiềm năng phát triển nên Trung tâm Vigova đã mua lại nguồn giống từ người dân với mục đích nghiên cứu bảo tồn.
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Đồng Nai Nguyễn Chí Hiền (phải) giới thiệu giống gà Mã Đà-một giống gà bản địa Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: B.Nguyên.
Ông Trần Văn Dũng, chủ một cơ sở chăn nuôi gia cầm tại xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai), kể năm 2022, trang trại có hợp tác với Trung tâm VIGOVA triển khai mô hình nuôi thử nghiệm giống gà Mã Đà. Từ vài cặp gà giống, đến nay trang trại đã nhân được đàn gà khoảng 500 con.
Theo ông Dũng, giống gà này có đặc trưng toàn thân lông màu trắng, hầu hết lông ở phần cổ, gốc cánh và đùi đều trụi, gà mái thường có mào trên đầu.
Da, cẳng chân và mỏ của giống gà Mã Đà này có màu đen. Đây là giống gà có thể nuôi làm vật cảnh, thịt, trứng rất bổ dưỡng, thơm ngon.
Ông Dũng nhấn mạnh: “Ưu điểm lớn khác là giống gà này dễ nuôi, tiêu tốn ít thức ăn hơn so với nuôi các loại gia cầm khác, gà sinh trưởng tốt, ít dịch bệnh và đến nay chưa xuất hiện dịch bệnh gì nguy hiểm. Vì thế, đây là giống gà rất có tiềm năng về kinh tế và có thể nhân rộng cho chăn nuôi nông hộ”.
Tiến sĩ Hoàng Tuấn Thành cho biết thêm, theo kế hoạch của Trung tâm VIGOVA, Đề án Bảo tồn và xây dựng hoàn chỉnh quy trình nuôi giống gà Mã Đà sẽ tiếp tục được triển khai trong 36 tháng tới.
Trong quá trình này, trung tâm có thể mở rộng hợp tác với một số trang trại, nông hộ để nuôi giống gà này trong thực tế gắn với nhu cầu nghiên cứu.
Theo tiến sĩ Hoàng Tuấn Thành, Giám đốc Trung tâm VIGOVA, gà Mã Đà là giống vật nuôi bản địa của Đồng Nai nên trung tâm sẽ ưu tiên chuyển giao cho các nông hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, đồng thời cũng đăng ký sản phẩm OCOP đặc trưng của Đồng Nai.
Xây dựng thương hiệu gà đặc sản Đồng Nai
Tiến sĩ Hoàng Tuấn Thành đánh giá, giống gà bản địa Mã Đà là một trong những nguồn gen gia cầm quý, cần nghiên cứu sâu để bảo tồn.
Ngoài ra, kết quả nghiên cứu sau vài năm triển khai cũng cho thấy giống gà này có nhiều giá trị về mặt kinh tế như: ngoại hình đẹp có thể nuôi làm cảnh; nuôi thương phẩm thì có ưu điểm là chất lượng thịt thơm ngon, giàu dinh dưỡng, có một số chất dinh dưỡng quý.
Trại nuôi gà Mã Đà-giống bản địa thuộc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển chăn nuôi gia cầm VIGOVA tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.
Cùng quan điểm, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Đồng Nai Nguyễn Chí Hiền đánh giá, giống gà bản địa Mã Đà có nhiều tiềm năng phát triển, phù hợp với mô hình chăn nuôi nông hộ mang lại giá trị kinh tế cao.
Chính vì vậy, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Đồng Nai đang hỗ trợ, hướng dẫn Trung tâm VIGOVA đăng ký tham gia đề tài nghiên cứu khoa học của tỉnh.
Khi đủ điều kiện, mô hình này sẽ được chuyển giao đến các nông hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Trung tâm VIGOVA cũng quan tâm đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đặc biệt sẽ đăng ký sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) đặc trưng của Đồng Nai…
Thời gian qua, có nhiều doanh nghiệp, chủ trang trại đặt vấn đề hợp tác phát triển mô hình Nuôi đặc sản gà Mã Đà nhưng trung tâm vẫn tập trung cho hoạt động nghiên cứu đến khi đề tài hoàn thiện.
Trung tâm muốn triển khai đề tài một cách bài bản, không chỉ xây dựng hoàn chỉnh quy trình nuôi giống gà này mà còn phải thử nghiệm về hiệu quả kinh tế, về nhu cầu thị trường…
Tiến sĩ Hoàng Tuấn Thành nhấn mạnh: “Ngoài mục tiêu bảo tồn, chúng tôi muốn xây dựng được một mô hình kinh tế chăn nuôi nông hộ thực sự hiệu quả và bền vững. Tùy vào kết quả triển khai mà có thể đề án được hoàn thiện sớm hơn để chuyển giao cho người dân”.