Thông thường cá được gia đình ông Hậu nuôi trong khoảng thời gian 2 năm mới đánh bắt để bán và cá được nuôi gối các lứa với nhau.
Thời gian thu hoạch cá được gia đình ông lựa chọn vào khoảng từ tháng 8 đến tháng 10 hằng năm vì lúc này thời tiết ấm thuận lợi cho việc đánh bắt. Sau đó, khoảng tầm tháng 2, tháng 3 năm sau gia đình ông lại tiếp tục vào lứa cá mới.
Theo ông Hậu, việc vệ sinh và xử lý nguồn nước ao nuôi cá của các hộ trong Tổ hợp tác vô cùng khó khăn. Bởi ao nuôi cá ở đây chủ yếu là ao chìm, việc đưa nước ra ngoài rất khó, đặc biệt với những ao nuôi gần nhau thì việc này lại càng khó khăn hơn.
Chính vì vậy, các hộ lựa chọn hình thức rải vôi bột xuống ao, sau đó xả nước làm loãng nguồn nước trong các ao, để nước lần lượt tràn qua các ao từ cao đến thấp, sau đó nước sẽ chảy qua các vòi nước để ra sông.
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi cá truyền thống, ông Hậu cho biết, cá trắm và cá chim chống chịu với thời tiết lạnh kém nên hay bị chết.
Còn cá rô phi thường hay mắc bệnh vào khoảng thời gian chuyển từ thu sang đông (đặc biệt là vào cuối tháng 8). Bởi vậy, thời điểm đó phải bổ sung thêm nguồn nước cho cá, đảm bảo mực nước ở mức từ 1,2 – 1,7m.
Điểm khác biệt với nhiều người nuôi cá hiện nay, gia đình ông Hậu và các hộ thành viên Tổ hợp tác không sử dụng cám công nghiệp để làm thức ăn cho cá mà tận dụng các nguyên liệu sẵn có như phân lợn, cỏ, rau các loại.
Vậy nên cá có chất lượng thơm ngon, chắc thịt và an toàn, xuất bán ra thị trường được nhiều khách hàng ưa chuộng.
Hiện, gia đình ông Hậu đang có tổng diện tích ao nuôi khoảng 5.000m2.
Trung bình mỗi năm gia đình ông thả khoảng 3 tạ cá giống các loại.
Tuy nhiên, tùy theo mức độ thu hoạch cá mỗi năm, ông Hậu sẽ lựa chọn lượng cá giống thả năm sau cho phù hợp.
Cá nuôi truyền thống theo kiểu truyền thống ở tổ dân phố Trại, phường Tân Hương, TP Phổ Yên, (tỉnh Thái Nguyên). Vì chỉ cho cá ăn rau, cỏ nên chất lượng cá khi xuất bán rất thơm ngon. Ảnh: Hà Thanh
Theo ông Hậu, so với một số mô hình chăn nuôi khác như lợn, gà… chăn nuôi cá ít rủi ro, không hay dịch bệnh, giá cả ổn định hơn, chi phí thức ăn không nhiều.
Thu nhập từ nuôi cá truyền thống ở tổ dân phố Trại, phường Tân Hương, TP Phổ Yên, (tỉnh Thái Nguyên) mỗi năm của gia đình ông đạt khoảng gần 100 triệu đồng.
Ông Đồng Văn Quynh – Tổ trưởng Tổ dân phố Trại, đồng thời là Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi thủy sản tổ dân phố Trại cho biết: Trên địa bàn tổ dân phố Trại có nhiều đầm hồ sẵn có nên bà con trong vùng đã tận dụng để cải tạo thành những ao nuôi cá. Hiện bà con chủ yếu chăn thả bằng nguồn thức ăn tự nhiên nên chất lượng cá được nhiều khách hàng ưa chuộng.
Tuy nhiên, hiện nay bà con đang thiếu về kỹ thuật chăn nuôi nên rất mong muốn được các cấp, các ngành tạo điều kiện, hỗ trợ tập huấn chuyên sâu về khoa học kỹ thuật trong việc chăn nuôi cá.
Bên cạnh đó, do nguồn vốn còn hạn hẹp nên các thành viên Tổ hợp tác cũng mong được hỗ trợ về nguồn vốn, giúp Tổ hợp tác xây dựng thương hiệu sản phẩm trên thị trường, từ đó sản phẩm khi xuất bán có đầu ra ổn định.
Cán bộ Hội Nông dân tham quan mô hình nuôi cá của Tổ hợp tác chăn nuôi thủy sản tổ dân phố Trại, phường Tân Hương, TP Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Hà Thanh.
Ông Trần Văn Quản – Chủ tịch Hội Nông dân phường Tân Hương, TP Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên đánh giá: Tổ hợp tác chăn nuôi thủy sản tổ dân phố Trại được thành lập năm 2023 với tổng diện tích chăn nuôi cá gần 8ha, trong đó có 20 hộ thành viên.
Sau hơn một năm đi vào hoạt động, Tổ hợp tác thu hoạch khoảng 50 – 60 tấn cá/năm. Với quy trình chăn nuôi bán chuyên nghiệp nên chất lượng cá đảm bảo an toàn.
“Trong quá trình hoạt động, Tổ hợp tác cũng đề xuất mong muốn được hỗ trợ về nguồn vốn và khoa học kỹ thuật. Q
ua đó chúng tôi cũng hi vọng thời gian tới sẽ được các cấp, ngành hỗ trợ để Tổ hợp tác phát triển lên thành HTX, từ đó sẽ có những chính sách hỗ trợ nhiều hơn, giúp nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm cá của Tổ hợp tác trên thị trường” – ông Quản cho hay.