Một thực tế đáng buồn là xã hội càng phát triển, hiện đại thì càng có nhiều cặp vợ chồng tan vỡ hôn nhân. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình cảnh các cặp đôi không còn con đường nào khác là “ly hôn”? Thông thường, khi ra tòa để giải quyết ly hôn, các cặp vợ chồng thường lấy một lý do rất phổ biến là “không hợp nhau”. Đó có phải là nguyên nhân ly hôn chính làm tan vỡ gia đình hay không?
Ban chỉ đạo công tác gia đình tỉnh làm việc với xã Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Lợi) về tình hình thực hiện công tác gia đình. Ảnh: D.N
Phụ nữ là người chịu nhiều thiệt thòi
Theo thống kê của Tòa án nhân dân tỉnh, năm 2016 toàn tỉnh đã thụ lý 2.013 vụ ly hôn, số vụ án hôn nhân – gia đình năm sau luôn cao hơn năm trước (năm 2015 là 1.702 vụ). Qua công tác thụ lý các vụ án ly hôn thì tỷ lệ người vợ đứng đơn ly hôn cao (chiếm 64,62% trên số vụ so với người chồng). Điều đáng lo ngại là có đến 20% số vụ ly hôn rơi vào các cặp vợ chồng trẻ ở nhóm tuổi 18 – 30 và hầu hết đã có con. Khi một cuộc hôn nhân đổ vỡ, đó là nỗi đau mất mát của hai vợ chồng. Song, trong thực tế, phụ nữ sẽ gặp khó khăn gấp bội, bởi phải gồng mình để gánh vác trách nhiệm vừa làm cha, vừa làm mẹ, nuôi dạy con và luôn chịu áp lực về tài chính, bị thiệt thòi về tâm lý, tình cảm, hiệu suất công việc.
Vợ chồng thiếu kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình
Sau giai đoạn son rỗi, hạnh phúc, đứa con đầu lòng chào đời, lúc này cuộc sống gia đình mới thật sự bắt đầu, và hạnh phúc hay bất hạnh cũng chính là từ đây. Cuộc sống gia đình mang đến hạnh phúc khi vợ chồng biết cách xây dựng một mô hình gia đình. Trong mô hình đó, những mối quan hệ được vận hành theo nguyên tắc do hai người đưa ra, các công việc được thực hiện theo sự thỏa thuận và hợp tác.
Nhưng thực tế chỉ ra cho thấy, sau khi kết hôn, sinh con, vợ chồng luôn sống và xây dựng hạnh phúc gia đình theo định kiến giới: phụ nữ chăm sóc con và gia đình, đàn ông lo công danh sự nghiệp, hoặc hai vợ chồng bê nguyên si mô hình gia đình của cha mẹ mình áp dụng vào gia đình nhỏ dẫn đến sự khác nhau về suy nghĩ và cảm nhận về cuộc sống gia đình trong hai người.
Khi công việc chăm sóc con và gia đình gặp khó khăn, nam giới có xu hướng phàn nàn vợ, cho rằng vợ vụng về; vợ phàn nàn chồng không giúp gì cả, chỉ biết cằn nhằn và trách móc. Từ đó mâu thuẫn, xung đột gia đình gia tăng; những suy nghĩ tiêu cực kiểu như “tôi không ngờ cô lại vụng đến thế”; “tôi không nghĩ anh vô trách nhiệm đến vậy” cứ xuất hiện trong đầu mỗi người, những suy nghĩ tốt đẹp về nhau giảm dần. Hai vợ chồng cảm thấy mệt mỏi cho cuộc sống gia đình, đến khi không chịu được nhau nữa thì giải pháp chia tay được đưa ra, kết thúc cuộc hôn nhân.
Để lại vết thương lòng cho con trẻ
Hôn nhân tan vỡ không chỉ làm ảnh hưởng đến gia đình, người thân mà còn ảnh hưởng đến xã hội. Sau những cuộc hôn nhân không thành là những đứa con vô tội phải sống trong cảnh thiếu tình thương và sự chăm sóc, nuôi dưỡng của cha hoặc mẹ. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tội phạm và các tệ nạn xã hội ngày một gia tăng.
Một khía cạnh khác, sau ly hôn, cha hoặc mẹ tái hôn, cảnh sống chung với cha dượng hoặc mẹ kế, tình trạng “con anh, con em” dẫn đến các bậc cha mẹ có thể thiếu trách nhiệm trong việc giáo dục con cái (bỏ mặc, ngược đãi), tác động sâu sắc không những lên sự nhận thức còn rất non nớt của các em, mà con gây ra những bất hòa và tổn thương tâm lý khó hàn gắn được.
Những đứa trẻ lớn lên trong một gia đình cha mẹ chia tay nhau thường bị chấn thương tâm lý rất nặng. Phản ứng tức thời của đứa trẻ đối với việc ly dị của cha mẹ là hoảng sợ, cảm thấy không phải cha mẹ từ bỏ nhau mà là từ bỏ con cái. Mức độ phản ứng này phụ thuộc vào việc đứa trẻ sống trong một gia đình như thế nào. Trước khi ly dị, đứa trẻ càng được yêu thương và chăm sóc đầy đủ bao nhiêu, thì khi cha mẹ ly dị, các con càng cảm thấy bị tổn thương, hoảng sợ bấy nhiêu. Trẻ con trong gia đình có cha mẹ ly hôn do không phân biệt nổi ai đúng, ai sai nên thường mất cân bằng cuộc sống.
Cần thực hiện giải pháp giáo dục tiền hôn nhân
Để giảm bớt tình trạng ly hôn hiện nay, các chuyên gia về gia đình cho rằng, việc mở các lớp học về tiền hôn nhân để trang bị cho giới trẻ những kiến thức về sức khỏe tình dục, tâm sinh lý vợ chồng, giao tiếp ứng xử trong gia đình, kỹ năng nuôi dạy con, xử lý những khác biệt về người bạn đời… là hết sức cần thiết. Đồng thời, nhắc nhở giới trẻ trước khi quyết định tiến tới hôn nhân cần tìm hiểu kỹ, suy nghĩ về một gia đình thật sự, chứ không nên mơ mộng rằng cuộc sống hôn nhân toàn màu hồng để rồi nhanh chóng hụt hẫng; tan vỡ một gia đình để lại hệ lụy xấu cho bản thân, cho gia đình và gánh nặng cho xã hội.
Gia đình là tổ ấm mang lại giá trị hạnh phúc. Gia đình êm ấm, hạnh phúc sẽ là hành trang, là nền tảng để mỗi cá nhân phát huy hết năng lực của mình, góp phần xây dựng xã hội ổn định, phồn vinh và phát triển. Các cụ xưa đã nói “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”. Câu nói bất hủ ấy đến nay vẫn còn nguyên giá trị.