Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, Phan Chí Cường, sinh năm 1995, ngụ ấp Mỹ Hòa, xã Nhơn Mỹ, huyện Chợ Mới (An Giang). Sau khi tốt nghiệp Đại học khoa Bảo vệ Thực vật ở Trường Đại học An Giang vào năm 2017, Cường đã từng làm rất nhiều công việc để kiếm sống, như xin vào làm việc cho các Công ty Bảo vệ Thực vật trong, ngoài tỉnh, làm ruộng…, tuy nhiên, cuộc sống vẫn rất chật vật, khó khăn.
Đầu năm 2019, sau khi tham khảo nhiều mô hình phát triển kinh tế của anh em, bạn bè,… Để tìm hiểu kỹ thuật cũng như cách chăm sóc, Cường đã lặn lội qua tận tỉnh Đồng Tháp học hỏi, tham quan các mô hình, trang trại nuôi ốc bươu đen lấy trứng.
Trở về, em đầu tư hơn 100 triệu đồng để mua giống, thuê máy Kô be lên bờ 10 công đất ruộng làm lúa kém hiệu quả, cải tạo thành 09 cái ao nuôi với diện tích mặt nước hơn 4500 mét vuông (tương đương 4 công rưỡi) để nuôi ốc bươu đen, mỗi ao Cường thả 300 – 400kg ốc giống bươu đen lấy trứng. Còn trên bờ diện tích gần 5.500 mét vuông trồng thêm 800 cây mít Thái (nay đã 8 tháng tuổi). Ngoài ra để “lấy ngắn nuôi dài” em trồng 800 cây đu đủ đã cho thu hoạch mỗi đợt bán thu lợi nhuận từ 5 đến 10 triệu đồng.
Theo Chí Cường, ốc bươu đen là loại chỉ sống trong môi trường nước sạch, không ô nhiễm, không chung sống với các loài khác, như: cá, vịt, ngan. Vì vậy, để ốc khỏe mạnh, nhanh lớn, cần chú ý cung cấp lượng thức ăn vừa đủ, đều đặn, không cho ăn quá nhiều. Bởi chính những thức ăn thừa sẽ dễ gây ô nhiễm môi trường nước khiến ốc bị chết, mắc bệnɦ. Cần thường xuyên vệ sinh ao nuôi, làm sạch bèo, cỏ, dùng chế phẩm sinh học xử lý đáy ao định kỳ, sau đó, mới bơm nước vào ao nuôi và duy trì mực nước cao 60 – 80 cm để giữ độ an toàn cho ốc.
Đặc biệt, ốc bươu đen chịu nóng kém nên mùa hè cần phải chú ý chống nóng bằng cách thả thêm bèo vào ao, làm mát bằng màng lưới hoặc trồng cây leo phủ bóng mát. Còn trong mùa đông, ốc gần như không hoạt động nên người chăn nuôi cần phải giảm bớt nước trong ao, thả nhiều bèo để giữ ấm cho ốc.
Phan Chí Cường cho biết thêm về thức ăn: “Công chăm sóc nó cũng nhẹ thức ăn của mình chủ yếu là mướp, bông súng, mít, ngoài ra có thể dùng những loại như dây bình bát”.
Khi mới bắt đầu nuôi ốc, em Cường gặp nhiều khó khăn, vì thiếu kinh nghiệm chăn nuôi, ốc chậm phát triển, bị chết. Không nản lòng Cường lại tiếp tục đi học thêm kỹ thuật nuôi ốc ở các trang trại lớn, trên truyền thông đại chúng, tham gia các lớp tập huấn nhiều nơi trong, ngoài địa phương tổ chức. Trời không phụ công người, nhờ em đã nắm vững được kỹ thuật nên ốc dần phát triển và sinh trưởng tốt.
Hiện nay, gia đình Cường với 09 ao nuôi ốc bươu đen giống lấy trứng với số lượng 2.700 – 3.600kg ốc giống. Ốc bươu đen rất dễ nuôi dưới nhiều hình thức, như: nuôi thả trực tiếp trong ao, nuôi trong bể hoặc nuôi trên bể bạt. Trung bình ốc nuôi từ lúc thả nuôi đến khi ốc đẻ trứng cho thu hoạch là khoảng 4 đến 5 tháng.
Khi ốc đẻ trứng, mỗi ngày đi thu gom các ổ trứng ốc bình quân 4kg. Tùy thời điểm, trứng ốc có giá khác nhau dao động từ 300.000 – 500.000 đồng/kg, một ngày thu hoạch từ 1.200.000 – 2.000.000 đồng từ việc bán trứng ốc bươu, mỗi tháng em Cường thu về từ 36 – 60 triệu đồng, sau khi trừ đi chi phí Chí Cường còn lãi 30 – 50 triệu đồng từ bán trứng ốc. Mỗi năm, tiền bán trứng ốc đã mang lại nguồn thu nhập hơn 300 triệu đồng cho gia đình em. Mô hình nuôi ốc bươu đen của gia đình Phan Chí Cường cho thu nhập kinh tế gấp 5 – 6 lần so với trồng lúa.
Thành công từ mô hình nuôi ốc bươu đen lấy trứng của gia đình em Phan Chí Cường đã mở ra hướng đi mới cho người dân trên địa bàn xã trong việc đa dạng hóa cơ cấu vật nuôi.