Sau gần 3 năm động thổ, Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không Sa Pa (sân bay Sa Pa) với tổng vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng mới đây đã đón tin vui mới.
Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã được thẩm định
Sau 6 tháng làm việc khẩn trương, Hội đồng thẩm định liên ngành đã chính thức hoàn thành và gửi Báo cáo số 9832/BC đến UBND tỉnh Lào Cai về kết quả thẩm định Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không Sapa (sân bay Sa Pa) theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, cơ quan thường trực của Hội đồng Thẩm định liên ngành, toàn bộ 10/10 thành viên Hội đồng đã nhất trí thông qua Báo cáo Thẩm định, đạt tỷ lệ đồng thuận 100%.
Hội đồng xác nhận rằng Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh Dự án Đầu tư Xây dựng Cảng hàng không Sa Pa hoàn toàn đủ điều kiện để được thông qua.
Phối cảnh sân bay Sa Pa trong tương lai. Ảnh minh họa |
Sau khi đã tiếp thu đầy đủ và hoàn thiện theo nội dung kiến nghị thì Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh Dự án đủ điều kiện để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Dù vậy, Hội đồng cho rằng UBND tỉnh Lào Cai cần tiếp tục nghiên cứu các phương án nhằm tăng tính hấp dẫn của dự án như khung giá, phí, cơ chế đảm bảo đầu tư nhằm đảm bảo tính khả thi của việc huy động nhà đầu tư cũng như nguồn vốn tín dụng của dự án.
UBND tỉnh Lào Cai cũng được yêu cầu làm rõ và chịu trách nhiệm với việc đề xuất tăng vốn Nhà nước trong tổng mức đầu tư Dự án nhằm đảm bảo thu hút được nhà đầu tư tham gia thông qua các cuộc làm việc, hội thảo lắng nghe nguyện vọng của các nhà đầu tư, tránh việc đến khi Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng vẫn không có nhà đầu tư quan tâm.
Vốn Nhà nước tham gia Dự án được điều chỉnh tăng từ 39,29% lên 49,16% tổng mức đầu tư.
“Ế” nhà đầu tư sau 3 năm động thổ
Liên quan đến việc sân bay Sapa vẫn “ế” nhà đầu tư sau 3 năm động thổ, báo Dân trí cho biết, theo khảo sát của UBND tỉnh Lào Cai trước đó có 2 nhà đầu tư muốn làm sân bay Sa Pa, đó là Công ty TNHH dịch vụ du lịch cáp treo và Công ty cổ phần Tập đoàn T&T. Sau khi phát hành hồ sơ mời thầu, không có nhà đầu tư nào nộp hồ sơ dự thầu.
Theo giải trình của tỉnh Lào Cai, việc đầu tư vào hạ tầng sân bay cần nguồn vốn lớn, trong khi thời gian thu hồi vốn kéo dài khiến cho nhiều nhà đầu tư vẫn còn e dè, đặc biệt do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cũng như những khó khăn trong lĩnh vực BĐS.
Tuy nhiên, phía UBND tỉnh Lào Cai chưa tổng kết kinh nghiệm về vấn đề này để có phương án xử lý nếu phát sinh trường hợp tương tự trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư.
Phối cảnh sân bay Sa Pa sau khi hoàn thành. Ảnh minh họa |
Một trong những nguyên nhân khiến nhà đầu tư bày tỏ sự lo ngại là đề xuất điều chỉnh tăng tỷ lệ vốn góp của nhà nước từ 39,29% lên 49,74%.
Hội đồng thẩm định liên ngành đã yêu cầu địa phương phân tích sâu hơn mối liên hệ giữa việc tăng tỷ lệ vốn nhà nước và việc không thu hút được nhà đầu tư tham gia đấu thầu.
Đặc biệt, với tính chất đặc thù của các dự án trong lĩnh vực hàng không, Hội đồng đề nghị phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải (GTVT) để làm rõ các điều kiện cần thiết nhằm đảm bảo tính khả thi trong việc huy động vốn đầu tư. Đồng thời, cần xem xét kỹ lưỡng vấn đề thời gian thu hồi vốn, hiện nay được đánh giá là quá dài, lên đến gấp đôi so với các dự án đường bộ.
Theo Bộ GTVT, cơ quan này đang xây dựng đề án xã hội hóa ngành hàng không để trình lên các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hội đồng thẩm định khuyến nghị UBND tỉnh Lào Cai tiếp tục phối hợp với Bộ GTVT để làm rõ thêm các yếu tố quan trọng, đảm bảo tính khả thi trong việc thu hút vốn đầu tư cho dự án.
Bên cạnh đó, cơ quan thẩm định cũng đề xuất địa phương phân tích các nguyên nhân chính yếu khác dẫn đến việc chưa lựa chọn được nhà đầu tư như:
– Khung giá và mức phí dự kiến,
– Cơ chế bảo đảm đầu tư,
– Cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu.
Đồng thời, cần xây dựng các đề xuất điều chỉnh toàn diện nhằm đảm bảo các nội dung phù hợp thực tế và nâng cao tính khả thi của dự án.
Theo bình chọn của Tạp chí Du lịch Times Out, thị xã Sa Pa của tỉnh Lào Cai đã được vinh danh là một trong 16 thị trấn nhỏ đẹp nhất thế giới vào năm 2024. Sa Pa, nổi tiếng từ những năm 1920, là một điểm nghỉ dưỡng được ưa chuộng với lượng khách du lịch đạt kỷ lục, gấp 50 lần dân số địa phương. Thị xã Sa Pa chính thức được thành lập vào ngày 1/1/2020, bao gồm toàn bộ diện tích 681km2và dân số 66.600 người của huyện Sa Pa (Lào Cai). Nằm trên dãy núi Hoàng Liên, với độ cao trung bình 1.500-1.800m so với mực nước biển, đây là thị xã cao nhất Việt Nam.