Nhờ quy hoạch khoa học mà sau vài tháng, anh Tâm đã hoàn thiện khu vườn “trên nóc nhà”, trồng đủ loại rau trái và nuôi thêm cá để cải thiện bữa ăn hàng ngày cho cả gia đình trong mùa dịch.
Cách đây 2 năm, anh Hà Văn Tâm (37 tuổi, sống ở quận Gò Vấp, TPHCM) đã mong muốn có mảnh vườn nhỏ ở nhà phố để cung cấp thực phẩm sạch và tạo không gian xanh mát cho các con trải nghiệm về thiên nhiên. Mãi đến tháng 3/2021, trước khi đợt dịch thứ 4 bùng phát tại TPHCM khoảng một tháng, anh Tâm mới bắt đầu cải tạo sân thượng, thực hiện ao ước làm vườn nuôi cá, trồng rau năm xưa.
Vì khu vườn nằm ở trên tầng 4 nên thời gian đầu trồng trọt, gia chủ gặp nhiều khó khăn, nhất là công đoạn vận chuyển đất và vật tư,… Anh ưu tiên trồng các giống cây ngắn ngày, nhanh cho thu hoạch để đáp ứng nhu cầu sử dụng rau trái sạch của gia đình trong thời điểm thành phố thực hiện giãn cách xã hội.
“Lúc đó, kinh nghiệm trồng gần như bằng 0 nên mình phải lên mạng tìm hiểu, tham khảo kiến thức và kỹ thuật của những người đi trước. May mắn là có nhiều anh chị giàu kinh nghiệm lại nhiệt tình đã hỗ trợ mình trong hành trình theo đuổi đam mê làm nông dân sân thượng”, anh Tâm nói.
Vườn sân thượng của gia đình anh có diện tích 32m2, được quy hoạch khoa học thành hai khu vực. Một khu anh bố trí trồng theo phương pháp thổ canh truyền thống, khu còn lại được áp dụng theo mô hình Aquaponics để vừa có thể nuôi cá, vừa trồng rau xanh.
Aquaponics là mô hình tích hợp đồng thời cả hai hệ thống: nuôi thủy sản và trồng thủy canh, dựa trên nguyên tắc sản xuất trong tự nhiên. Anh Tâm quyết định áp dụng mô hình này nhờ những ưu điểm vượt trội so với các phương pháp làm vườn khác.
Gia chủ ưu tiên trồng các loại rau quen thuộc, dễ chăm sóc như cải ngọt, cải thìa, cải đắng, rau dền, cải cúc và rau muống. Ngoài ra trong vườn còn có một số cây gia vị như hành lá, ngò gai (răng cưa), diếp cá, tía tô,…
Tuy theo đuổi hành trình làm “nông dân sân thượng” chưa lâu nhưng ông bố hai con đã gặt hái được thành công đáng kể. Anh cho biết, làm vườn trên cao có ưu điểm lớn nhất là hạn chế được côn trùng, các tác nhân gây bệnh cho cây. Ngược lại, gia chủ cũng phải khắc phục một số nhược điểm như phải chú ý kiểm tra nước tưới (ở mô hình Aquaponics) thường xuyên.
Sau những thành công nhất định về vụ rau, dưa,… anh Tâm rút ra được một số kinh nghiệm, đáng lưu ý nhất là khâu chuẩn bị đất. “Đất phải được ủ thật kỹ, đảm bảo sạch mầm bệnh và đủ dinh dưỡng thì cây mới khỏe, hạn chế sâu bệnh. Ngoài ra, khi phát hiện rệp trên lá cây thì mình phun xịt bằng dung dịch rượu pha loãng với gừng, tỏi, ớt”, chủ nhân khu vườn chia sẻ.
Từ ngày có vườn rau trái trên sân thượng, anh Tâm thay đổi khá nhiều thói quen. Thay vì la cà quán xá để uống cà phê mỗi sáng như trước, giờ anh dành nhiều thời gian để vun vén, chăm sóc khu vườn trên cao của gia đình. Đều đặn mỗi ngày, anh lên vườn tưới cây, cắt tỉa cành lá lúc 7 giờ sáng. Buổi chiều, hai con cùng hỗ trợ bố cho cá ăn và bổ sung độ ẩm cho cây.
Với anh Tâm, thành quả của hơn nửa năm làm vườn sân thượng không chỉ là những mẻ rau trái xanh tốt, đầy ắp mà còn mang lại nguồn năng lượng dồi dào cho cả gia đình. Ngoài thu hoạch rau trái để sử dụng, ông bố trẻ còn chia sẻ thành quả lao động với hàng xóm xung quanh.
Trong mùa dịch, nhất là khi thành phố thực hiện giãn cách dài ngày, những bó rau xanh mướt giữa thời điểm việc đi lại, mua sắm khó khăn đã trở thành món quà tinh thần ý nghĩa, gắn kết mọi người lại gần nhau hơn.
“Ở thành phố chật chội, đầy khó bụi, việc có một không gian xanh mát như vậy rất đáng trân quý. Mình đã thực hiện được mong ước, thiết kế mảnh vườn nhỏ cho các con có cơ hội trải nghiệm cuộc sống giống ở làng quê. Khu vườn không chỉ tạo khoảng xanh mát cho không gian sống thêm trong lành, dễ chịu mà còn cung cấp nguồn thực phẩm sạch đa dạng, trở thành góc thư giãn lý tưởng cho các thành viên”, anh Tâm bày tỏ.