Quanh chuyện đấu giá mỏ cát 370 tỷ đồng: Người trong nghề nói về mánh khóe

Một lãnh đạo doanh nghiệp hoạt động trong ngành VLXD tại Quảng Nam cho hay từng tham gia một số cuộc đấu giá mỏ khoáng sản nhưng nhiều lần phải đầu hàng.

Doanh nghiệp cho rằng, thực tế đang bộc lộ lỗ hổng trong các quy định luật khiến cho nhiều doanh nghiệp “lách”, thực hiện đấu giá với mục đích không trong sáng nhưng vẫn được hợp thức hóa, không phạm luật.

Quanh chuyện đấu giá mỏ cát 370 tỷ đồng: Người trong nghề nói về mánh khóe ảnh 1
Mỏ cát ở xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam

Cụ thể, theo quy định hiện nay thì trong thời hạn 6 tháng sau khi người trúng đấu giá và được ban hành quyết định trúng đấu giá nếu không nộp đủ tiền thì mất tiền cọc.

Trong vụ đấu giá mỏ cát ĐB2B ở xã Điện Thọ (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) mới đây, doanh nghiệp trúng đấu giá với giá rất cao 370 tỷ đồng. Nếu doanh nghiệp bỏ thì mất 240 triệu đồng tiền cọc (20% so với giá khởi điểm), tuy nhiên hệ lụy chung thì rất lớn.

Nếu doanh nghiệp bỏ cọc thì cuộc đấu giá đó bị hủy bỏ. Theo quy trình đấu giá, thì từ khi hủy bỏ cuộc đấu giá cho đến khi triển khai được cuộc đấu giá tiếp theo đối với mỏ này phải mất ít nhất 1 năm. Trong khi thị trường khoáng sản, VLXD hiện tại đang khan hiếm thì lại càng hiếm.

“Nguồn cung hiếm mà nhu cầu cao làm tăng sức ép, tăng giá, làm lũng đoạn thị trường, thời cơ cho “đục nước béo cò”, doanh nghiệp này chia sẻ.

“Sở đang rà soát đầy đủ quy định pháp luật tham mưu cho tỉnh báo cáo với Chính phủ về những bất cập trong việc đấu giá khoáng sản hiện nay. Tiếp tục phối hợp cùng với Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Tư pháp, Sở KH&ĐT rà soát các quy định tham mưu cho tỉnh chỉ đạo trong thời gian đến”.

Ông Bùi ngọc Ảnh – Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam

Ngoài ra, theo doanh nghiệp thì “đầu vào” xét duyệt hồ sơ đấu giá cũng bộc lộ bất cập, chưa chặt chẽ tạo cơ hội cho ý đồ đấu giá không trong sáng. Về nguyên tắc các cuộc đấu giá là công khai.

Tuy nhiên, doanh nghiệp không liên quan gì đến ngành VLXD nhưng vẫn hợp thức hóa hồ sơ bằng cách đăng kí bổ sung ngành nghề ngay trước khi tham gia đấu giá. Như vụ đấu giá ở Điện Bàn mới đây, tại sao doanh nghiệp chăn nuôi lợn, doanh nghiệp dịch vụ du lịch không có chuyên môn, kinh nghiệm gì trong ngành vẫn tham gia đấu giá mỏ, “đu” và đẩy tới mức giá cao kinh hoàng. Họ đấu vì mục đích gì, động cơ gì?!” – lãnh đạo một doanh nghiệp đặt câu hỏi.

Bằng mánh khóe như thế, những công ty tham gia đấu giá có thể là “người nhà”, cùng một công ty tham gia đấu giá, ngầm thông đồng với nhau để thực hiện mục đích.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần các chế tài cần nghiêm hơn mới có thể “trị” được những trường hợp đấu giá không trong sáng, đấu cao rồi bỏ thầu làm lãng phí, ảnh hưởng đến việc tổ chức đấu giá của Nhà nước, ảnh hưởng tới người tham gia đấu giá, thâu tóm, lũng đoạn thị trường.

Giải pháp như nâng mức đặt cọc tham gia đấu giá là cần thiết. Đồng thời áp chế tài thật nghiêm với doanh nghiệp vi phạm. Trong quá trình đấu giá nếu phát hiện doanh nghiệp làm “nhiễu”, bắt tay hay gây áp lực cho đơn vị cùng đấu không cho tiếp tục kèm chế tài không trả lại tiền cọc (tiền này nộp vào ngân sách Nhà nước). Có như vậy mới lọc được những đơn vị cố tình “phá” hoặc đấu giá với mục đích không trong sáng.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng cho rằng, để tạo được môi trường trong sạch trong đấu giá vật liệu khoáng sản thì trước hết khâu xác định lập được hồ sơ phải làm kĩ, chọn lọc đúng đơn vị, doanh nghiệp có đầy đủ điều kiện về năng lực tài chính và điều kiện về kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực này.

Rà soát quy trình để báo cáo cấp trên

Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam Bùi Ngọc Ảnh cho hay, đang cùng các ngành rà soát quy trình để có báo cáo, kiến nghị với cấp trên về những bất cập thực tế hiện nay.

Tại buổi đối thoại với Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng về gỡ vướng cho doanh nghiệp, nhiều ý kiến phản ánh tình trạng khan hiếm vật liệu, chênh lệch quá cao giữa mức giá mà sở ngành công bố so với giá thực tế khiến công trình bị đội vốn gây lỗ. Khan hiếm vật liệu xây dựng ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thi công công trình, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công mà Trung ương và địa phương đều đang chỉ đạo phải rốt ráo.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng cho rằng, có lỗi của cơ quan nhà nước là không tăng cường kiểm tra, giám sát. Quy trình đúng nhưng thực tế còn bất cập thì phải tìm ra nguyên nhân căn cơ.

Ông Dũng yêu cầu tập trung khắc phục tình trạng thiếu vật liệu, nghiên cứu cấp thêm các mỏ khai thác để đảm bảo vật liệu đủ cung ứng, các ngành, địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghiêm ngặt để chống đầu cơ, thổi giá, găm giá, lập lại trật tự kỷ cương trong vấn đề này.